Vì sao tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc gặp trở lực?
Khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc gặp khó, phải cắt giảm lao động và tiền lương, khiến tiêu dùng sụt giảm. Điều này đã và đang cản trở đà phục hồi kinh tế nước này.
Ông Liu Yuanchun, Hiệu trưởng Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải cho biết trên SCMP rằng, chính sách tài khóa chủ động hơn, đặc biệt là từ chính quyền trung ương là yếu tố cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình. “Việc thực hiện các chính sách hiện tại không đủ mạnh để hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn diện”, ông Liu nói.
Ông Liu cho biết thêm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp ở cuối chuỗi cung ứng và những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, đã chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh.
Trong khi đó, một trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc là khu vực tư nhân đang phải gánh chịu áp lực kinh tế trong gần ba năm hạn chế nghiêm ngặt của COVID-19, thêm vào đó là tác động của các cuộc "thanh lọc" đối với những gã khổng lồ công nghệ.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân đã giảm từ 0,9% trong tháng 12/2022 xuống 0,4% trong tháng 4/2023.
Trong khi đó, thu nhập hộ gia đình tăng chậm, đặc biệt là đối với các nhóm thu nhập thấp đã kìm hãm ý chí tiêu dùng của người dân, làm cản trở hơn nữa sự phục hồi kinh tế.
Trong quý 1/2023, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc là 10.870 nhân dân tệ, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi loại bỏ các yếu tố giá, nhưng con số này thấp hơn mức tăng trưởng GDP 4,5% trong cùng kỳ. Ông Liu đánh giá “Hiện tại, một lượng lớn tiền được sử dụng để đầu tư thay vì tiêu dùng".
Tăng trưởng thu nhập chậm chạp trùng hợp với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng vọt. Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 đạt mức cao kỷ lục 20,4%, tăng từ mức 19,6% trong tháng 3, theo thống kê của NBS.
Các nhà phân tích cho biết, với con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ tham gia vào thị trường việc làm trong năm nay, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới. Chiến lược gia trưởng về chứng khoán Trung Quốc của ngân hàng Bank of America, bà Winnie Wu nhận định, làn sóng cắt giảm lương trong các ngành nghề khác nhau, dẫn đầu là lĩnh vực tài chính và bất động sản, vốn là các ngành có tỷ lệ sử dụng lao động cao, đã làm suy yếu thêm triển vọng tăng thu nhập của các hộ gia đình Trung Quốc. Điều này sẽ cản trở phục hồi tiêu dùng.
"Điều kiện tài khóa yếu kém của các chính quyền địa phương đã gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách tài khóa của Bắc Kinh ở cấp cơ sở. Do đó, chính quyền trung ương cần gánh vác trách nhiệm lớn hơn bằng cách đưa thêm các công cụ tài khóa và đưa ra nhiều chính sách mở rộng hơn", ông Liu nhấn mạnh.
Dù nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà hồi phục sau khi mở cửa trở lại, nhưng tiêu dùng chưa quay lại mức trước đại dịch sẽ cản trở đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng lĩnh vực kinh tế tư nhân cần sự tự tin để mở rộng hoạt động, từ đó tuyển dụng thêm lao động… Có như vậy, mới kích thích được tiêu dùng trong nước của Trung Quốc.