Vì sao vào Việt Nam, giá H&M, Zara lại “chát”?
Được đánh giá là thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, H&M và Zara vẫn có mức giá không rẻ, chỉ dành cho tầng lớp trung lưu trở lên.
Sau khi ra mắt rầm rộ tại TP. Hồ Chí Minh, trong ba ngày 9, 10,11 tháng 11, H&M và Zara tiếp tục tạo nên cơn sốt tại Hà Nội. H&M tạo nên kỷ lục mới với hơn 13.000 lượt khách mua sắm trong ngày đầu mở cửa. Zara dù không quá ồn ào vẫn đem về doanh thu ấn tượng sau khi mở thêm chi nhánh mới.
Có thật bình dân?
Zara và H&M được coi là hai thương hiệu thời trang bình dân, giá rẻ và phổ biến bậc nhất thế giới. Vì vậy, khi về Việt Nam, hai tên tuổi này nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân.
Tuy nhiên, H&M và Zara khiến không ít người bất ngờ bởi mức giá khá “chát” so với thu nhập trung bình của người Việt Nam và so với chính sản phẩm của các hãng này tại các thị trường khác trên thế giới.
Sau khi trở thành một trong những khách hàng đầu tiên mua sắm tại H&M Vincom Royal City, chị Hoàng Kiều Oanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận xét: “Hầu hết các mặt hàng bày bán có giá cao hơn hàng xách tay 15-30%, giá đó khiến nhiều khách đến chỉ để thăm quan, thử đồ rồi về”.
Tương tự, tại cửa hàng Zara Bà Triệu, chị Thanh Mai (Ba Đình, Hà Nội) cho biết vốn là một tín đồ “săn” các sản phẩm của Zara trên mạng, sau khi đến cửa hàng, chị khá thất vọng bởi nhiều sản phẩm đắt hơn 30 – 50% khi đặt hàng qua mạng.
“Chỉ cần so sánh trực tiếp giá bán tại hai cửa hàng trực tuyến của Zara tại Việt Nam và Tây Ban Nha, có thể thấy rõ hầu hết sản phẩm Zara tại Việt Nam đắt hơn tại Tây Ban Nha. Thậm chí, nếu cộng tổng chi phí oder (đặt hàng), vận chuyển… giá hàng xách tay vẫn rẻ hơn khi mua tại cửa hàng” – chị Mai cho biết.
Theo Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, mức giá của H&M và Zara tại Việt Nam không dành cho số đông, với mức thu nhập bình quân hiện tại, các thương hiệu này vẫn chỉ phù hợp với tầng lớp trung lưu trở lên.
Ghi nhận tại cửa hàng H&M đầu tiên tại Hà Nội trong ba ngày qua, các sản phẩm bán chạy nhất vẫn nằm ở phân khúc dưới 500.000 đồng.
“Mức giá phổ biến từ 899.000 - 1.299.000 đồng/sản phẩm là mức giá không bình dân một chút nào. Ví dụ, một chiếc áo thun nhìn khá đơn giản nhưng có giá hơn 500.000 đồng – khá xa xỉ với nhân viên văn phòng”, anh Hoàng Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Hàng xách tay vẫn còn cơ hội
Những diễn biến tại các cửa hàng chính thức của H&M và Zara tại Việt Nam cho thấy “đất sống” vẫn còn rất rộng mở với giới kinh doanh đồ xách tay. Với những lợi thế về giá, tiện lợi về thời gian, di chuyển, hàng xách tay cùng thương hiệu vẫn sẽ có sức cạnh tranh mạnh với sản phẩm tại cửa hàng chính thức.
Chị Giả Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) – chủ shop chuyên nhận đặt hàng Zara – nhận định: “Lượng khách chọn cửa hàng thường là những người có tiền, thích tận tay lựa chọn, nhưng nhóm khách hàng khác chủ lực lại là người trẻ, am hiểu quy luật của thị trường, thường chờ đợt sale bên Mỹ và Tây Ban Nha để đặt mua”.
Thực tế, các thương hiệu thời trang như Zara và H&M thường xuyên có các đợt giảm giá trong năm, có đợt giảm tới 70 – 80%. “Giá mua hàng sale off rẻ hơn mua tại hệ thống chính hãng tại Việt Nam. Chưa kể, hàng đặt mua từ nước ngoài thường có mẫu mã đa dạng và cập nhật mẫu mới nhanh hơn”, chị Thanh tiếp tục.
Có kinh nghiệm 5 năm kinh doanh thời trang xách tay, anh Hoàng Quốc Long (Hà Nội) nhận định sự có mặt của Zara và H&M tại Việt Nam chắc chắn ảnh hưởng đến tất cả các cửa hàng chuyên nhận oder (đặt hàng), tuy nhiên, bán hàng trực tuyến vẫn là xu thế tất yếu.
“Các cửa hàng sẽ chỉ gây sốt thời gian đầu vì khách tò mò, nhưng khi giảm nhiệt, các cửa hàng trực tuyến sẽ vẫn chiếm lợi thế, bởi giá rẻ hơn, hàng được đem đến tận tay, kiểm tra nhận hàng, chất lượng đảm bảo.
Chưa kể tại các tỉnh, thành phố khác, nhu cầu cũng rất lớn và order sẽ vẫn là lựa chọn tốt nhất của họ”, anh Long cho hay.
Hầu hết các đầu mối cung cấp hàng thời trang xách tay đều tỏ ra tự tin với khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, các đầu mối bán hàng này cho biết sẽ đẩy mạnh quảng cáo trực tuyến, bán hàng qua mạng và vận chuyển hàng toàn quốc, đồng thời nhận order cả các thương hiệu khác cùng phân khúc…
Không chỉ với giới kinh doanh hàng xách tay, cơ hội vẫn còn với các thương hiệu thời trang Việt. Bà Tưởng Thu Thủy, Phó Tổng thư ký Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, nhận định sức ép cạnh tranh của Zara và H&M cũng là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện mẫu mã, chất lượng và đặc biệt là thương hiệu.
Theo bà Thủy, hiện hàng hóa và mẫu mã thời trang của Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận và không quá lo mất thị phần. Thực tế, chất lượng của H&M và Zara so với nhiều thương hiệu Việt Nam không quá chênh lệch, tuy nhiên thương hiệu của họ quá mạnh.
“Với mức giá hiện tại của H&M va Zara, cơ hội vẫn còn với các thương hiệu của Việt Nam, điều cần lúc này là phải khắc phục điểm yếu về thương hiệu, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng trong nước”, bà Thủy nhấn mạnh.