Vị trí của Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN
(Tài chính) Với việc tham gia chính thức vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay, Việt Nam đã có điểm nhấn để kỷ niệm 20 năm gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
ASEAN có diện tích không rộng (gần 4,5 triệu km2), nhưng có dân số tương đối đông (612 triệu người) và mật độ cao (đạt 136 người/km2, tương đương với châu Á, cao gấp gần 2,7 lần thế giới). GDP của ASEAN ước tính năm 2014 theo tỷ giá hối đoái thực tế đạt trên 2500 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4000 USD (nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương đạt khoảng 7800 USD), tuy thấp hơn của châu Á và thế giới, nhưng lại có tốc độ tăng cao hơn. ASEAN cũng là khu vực có độ mở lớn (so với GDP, xuất khẩu bằng 67,5%, nhập khẩu bằng 63,7%) và vị thế xuất siêu trong quan hệ buôn bán với ngoài khu vực (bằng trên 5,6% kim ngạch xuất khẩu và bằng 3,8% GDP). Khu vực ASEAN tuy bị khủng hoảng tài chính sách đây hơn 15 năm, nhưng đã sớm được khắc phục; có dự trữ quốc tế tăng và hiện đạt quy mô tương đối khá (năm 2012 đạt gần 800 tỷ USD, bằng khoảng 35,2% GDP, bằng khoảng 55,2% kim ngạch nhập khẩu).
Nằm trong khu vực ASEAN, tổng GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái nếu năm 1995 của Việt Nam đạt 20,8 tỷ USD, đứng thứ 7, thì năm 2014 đã đạt 187 tỷ USD, đứng thứ 6 (sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines). Nếu tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương thì thứ bậc của Việt Nam cao hơn. Kết quả tất yếu khi Việt Nam đạt được tốc độ tăng tương đối cao, theo đó, tốc độ tăng GDP (giá so sánh) thời kỳ 1995- 2014 của Việt Nam đạt 6,77%/năm, chỉ đứng thứ 2 sau Myanmar). Tuy nhiên, trong thời kỳ 2009- 2014 Việt Nam chỉ đạt 5,79%, đứng thứ 4, sau Myamar, Lào, Indonesia.
GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam, nếu năm 1995 đạt 289 USD, đứng thứ 10 khu vực; năm 2014 đạt khoảng 2061 USD, vượt lên đứng thứ 7 (sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines).
Theo đó, về tỷ lệ Việt Nam so với các nước ASEAN năm 2014 đều cao hơn năm 1995, nhưng về mức chênh lệch tuyệt đối năm 2014 lớn hơn so với năm 1995. Nói cách khác, nếu chỉ nhìn tốc độ tăng GDP thì khó thấy khả năng tụt hậu, nhưng về mức chênh lệch tuyệt đối, thì Việt Nam vẫn nằm trong xu hướng tụt hậu xa hơn.
Việt Nam là nước có tỷ lệ tích lũy/GDP thuộc loại cao (27,2%, chỉ sau Indonesia, Lào, Thái Lan). Đây là một trong những ưu thế, động lực tạo nên tốc độ tăng GDP cao hơn và đạt được trong thời gian tương đối dài. Việt Nam có tỷ lệ tiêu dùng/GDP đạt 70,4%, cao thứ 4 (sau Philippines, Campuchia, Lào), chủ yếu do quy mô GDP còn nhỏ, mức tiêu dùng cuối cùng từ điểm xuất phát thấp. Ngược lại, Việt Nam có tỷ lệ giữa thu nhập quốc gia GNI/GDP ở mức thấp (95,6%), đứng thứ 7 sau Đông Timo, Philippine, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan). Điều đó chứng tỏ, mặc dù lượng kiều hối lớn, nhưng phần thu của nước ngoài về đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, hỗ trợ phát triển chính thức… cũng rất lớn, nên phần thực thu nhập (GNI) thấp hơn phần sản xuất ra (GDP).
Về tổng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam năm 2014 đạt trên 35 tỷ USD, đứng sau số liệu tương ứng năm 2012 của Singapore 259,1 tỷ USD, Thái Lan 173 tỷ USD, Malaysia 137,8 tỷ USD, Indonesia 108,8 tỷ USD, Philippines 73,5 tỷ USD); nếu tính bình quân đầu người còn thấp hơn. Vấn đề đặt ra là, Việt Nam phải phấn đấu xuất siêu trong cán cân thương mại, sử dụng hiệu quả vốn ODA và các khoản vay nợ, tranh thủ khi tỷ giá tăng thấp để mua ngoại tệ, tăng dự trữ.
Tỷ lệ giữa xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP của Việt Nam năm 2014 đạt 86,2%, thuộc loại cao (đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia, Brunei). Tuy nhiên, xuất khẩu dịch vụ còn nhỏ, nhập siêu về lĩnh vực này còn lớn, nhất là dịch vụ vận tải, bảo hiểm. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên và hiện thuộc loại cao so với các nước ASEAN (nếu năm 1995 mới đạt 75,7 USD, đứng thứ 8 trong khu vực thì năm 2014 đã đạt 1655,3 USD, đứng thứ 5 sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan). Tuy cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có cải thiện, nhưng tỷ trọng hàng là nguyên liệu thô, nông sản chưa qua chế biến hoặc tinh chế còn cao; tính gia công lắp ráp còn lớn, nên giá trị gia tăng còn thấp.
Hệ số giữa tỷ giá hối đoái/tỷ giá sức mua tương đương của Việt Nam năm 2012 tuy đã giảm nhanh so với 1995 (2,86 lần so với trên 12 lần), nhưng vẫn thuộc loại cao trong khu vực (đứng thứ 3 sau Lào, Campuchia). Điều đó chứng tỏ “cánh kéo tỷ giá” của Việt Nam cao hơn các nước đang là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tuy có thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa, nhưng bất lợi trong nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu dịch vụ, khi Việt Nam nhập khẩu lớn về dịch vụ.
Về chỉ số phát triển con người (HDI), Việt Nam tuy có cải thiện, nhưng vẫn thuộc loại thấp trong khu vực (đứng thứ 7 sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia), chủ yếu do chỉ số về thu nhập còn thấp.
Dự kiến cuối năm nay cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thành lập với mục tiêu tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa dịch vụ, đầu tư và lao động. Cùng với các cơ hội, Việt Nam cũng sẽ gặp không ít các thách thức, khi phải cạnh tranh với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN với mẫu mã phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, giá rẻ… Do đó, vấn đề đặt ra đối với cộng đồng các DN cần nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường liên kết, hợp tác ở trong nước, nếu không Việt Nam sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các nước trong khu vực.