Viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine: Hướng đi nguy hiểm

Theo Anh Minh/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Bất chấp thỏa thuận hòa bình Minsk-2 được thực thi hơn 2 tuần qua, chảo lửa ở miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này một lần nữa thúc đẩy Mỹ và một số đồng minh phương Tây cân nhắc khả năng viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất kỳ sự ủng hộ nào theo hướng này sẽ chỉ khiến hai miền Đông và Tây của Ukraine tiến gần hơn đến một cuộc chiến tranh tổng lực.

Biếm họa của Petar Pismestrovic
Biếm họa của Petar Pismestrovic

Nguyên nhân khiến phe ly khai thực hiện các cuộc tấn công dọc các phần lãnh thổ chiến lược trên tiền tuyến ở miền Đông Ukraine trong thời gian gần đây được cho xuất phát từ mối lo ngại Mỹ có thể sớm nhúng tay vào cuộc chiến.

Ông Andrew Wilson, tác giả của cuốn Khủng hoảng Ukraine là gì với phương Tây, nhận định: “Một lý do khiến lực lượng nổi dậy đẩy mạnh các cuộc tấn công vào thời điểm hiện tại là nhằm đạt được thắng lợi trước khi vũ khí Mỹ có khả năng ập đến”.

Cũng theo ông Wilson, về phần mình, Mỹ lại phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu không hành động ngay, cuộc xung đột có thể trở nên tồi tệ hơn; nhưng nếu nhúng tay vào cuộc chiến này, Mỹ chưa thể loại trừ những rủi ro lớn.

Theo báo cáo của LHQ, kể từ khi thỏa thuận Minks-2, ký kết hôm 25.2 được áp dụng đến nay, các bên đã liên tục vi phạm thỏa thuận 800 lần. Trong bối cảnh đó, Nhà Trắng lại đứng trước áp lực tăng cường vai trò của Mỹ. Theo một bản báo cáo độc lập, 8 cựu quan chức cấp cao Mỹ hối thúc đã đến lúc Washington dành 3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

Dù cho đến thời điểm này vẫn chưa xác nhận thông tin có hay không viện trợ vũ khí sát thương cho quân đội Kiev, song Nhà Trắng cho biết đang liên tục xem xét đường hướng chiến lược. Trong một tuyên bố, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Mặc dù trọng tâm vẫn là tìm kiếm một giải pháp thông qua các biện pháp ngoại giao, nhưng chúng tôi luôn xem xét các phương án khác nhằm hỗ trợ cho một giải pháp thông qua đàm phán”.

Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ phương án viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine được xem xét lại vào thời điểm này, một phần là vì các biện pháp khác, như các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Moscow, không thể tạo ra sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, phương Tây thiếu các giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Ukraine.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu giải pháp vũ khí sẽ thật sự tạo nên sự khác biệt cho cục diện của cuộc xung đột tại Ukraine hay không. Trong khi bản báo cáo của các cựu quan chức Mỹ nhấn mạnh nhu cầu của Ukraine với các loại tên lửa chống tăng hạng nhẹ để đối chọi với “số lượng lớn các xe bọc thép mà Nga đã triển khai ở Donetsk và Lugansk”; nhiều chuyên gia cho rằng trang bị vũ khí cho Ukraine chỉ thuộc hàng ưu tiên thứ yếu. “Vấn đề không phải là vũ khí, Ukraine là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ tư thế giới. Vấn đề của họ nằm ở… sự lãnh đạo, quản lý, hậu cần”, ông Balazs Jarabik từ tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại của Mỹ Carnegie Endowment for International Peace, nói.

Thêm vào đó, nếu kịch bản viện trợ vũ khí sát thương thực sự diễn ra, một yếu tố cần xét đến là việc các loại vũ khí của phương Tây yêu cầu việc huấn luyện đặc biệt. Và điều này đồng nghĩa với việc quân đội của NATO sẽ xuất hiện tại Ukraine. Đây là điều không ai mong muốn vì cả Nga lẫn phương Tây đều tránh tham gia vào một cuộc chiến tranh tổng lực.