Việt kiều không khó sở hữu bất động sản

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Trước những thông tin cho rằng việc sở hữu bất động sản (BĐS) ở Việt Nam của Việt kiều còn nhiều rào cản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định không có chuyện này.

Việt kiều không khó sở hữu bất động sản
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cụ thể, Việt kiều còn quốc tịch Việt Nam hoặc những người không có quốc tịch Việt Nam nhưng về sinh sống, đầu tư sản xuất kinh doanh ở Việt Nam được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam như người Việt Nam. Còn những người không có quốc tịch Việt nam, không sinh sống và sản xuất kinh doanh ở Việt Nam thì được mua 1 sản phẩm có thể là căn hộ, biệt thự, nhà liền kề.

Đây là một trong nhiều ý kiến được trao đổi tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội, khu vực phía Nam, ngày 16/5, do Bộ Xây dựng tổ chức.

Nhiều ý kiến đánh giá trong quá trình triển khai Luật Kinh doanh BĐS chưa đưa ra được khung pháp lý hiệu quả cho phép mọi loại BĐS được tham gia vào thị trường; chưa có quy định bắt buộc mọi giao dịch BĐS; xuất hiện tình trạng mất cân đối về tỷ trọng các loại hàng hóa BĐS.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng phản ánh mong muốn Chính phủ đồng ý cho các doanh nghiệp xây dựng căn hộ thương mại có diện tích nhỏ 20-45m2, bởi theo nhiều doanh nghiệp BĐS hiện nay những căn hộ loại diện tích như vậy sẽ phù hợp với túi tiền của người thu nhập thấp, phù hợp với nhu cầu nhà ở của nhiều người dân trong điều kiện hiện nay.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết thêm, từ khi có Luật Nhà ở năm 2005 đến nay, diện tích nhà ở của cả nước đạt khoảng 1,6 tỷ m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19m2. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với hơn 91.000ha.

Cả nước đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho gần 11.000 cán bộ lão thành cách mạng, hỗ trợ nhà ở cho hơn 519.000 hộ nghèo tại khu vực nông thôn.

Hoạt động kinh doanh BĐS phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Năm 2002 thu ngân sách từ hoạt động này chỉ đạt 5.468 tỷ đồng thì tới năm 2011 đã tăng lên 67.000 tỷ đồng. Thu hút 303 dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký gần 46 tỷ USD.