Việt Nam cần 5 ngân hàng lớn làm trụ cột là đủ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại một số ngân hàng yếu kém là phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.

Việt Nam cần 5 ngân hàng lớn làm trụ cột là đủ
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Vấn đề tái cơ cấu hệ thống các TCTD ở Việt Nam đang được đẩy mạnh trong năm 2015. Chia sẻ với báo chí xung quanh hoạt động này, chiều ngày 9/4, đại diện Công ty Ernst & Young Việt Nam (E&Y) cho rằng, việc NHNN quyết định mua lại một số NH yếu kém là lựa chọn phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam. Bởi thực tế lượng tiền tiết kiệm trong dân cư ở Việt Nam rất lớn, nhưng số người gửi tiền vào NH với thời hạn dài chưa nhiều. Do đó, hệ thống NH cần phải tạo niềm tin để người dân gửi tiền vào NH. Chính vì vậy, việc cơ quan quản lý đưa ra giải pháp mua lại NH yếu kém là rất đúng đắn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thời báo NH về việc với dân số của Việt Nam khoảng 90 triệu người hiện nay thì cần bao nhiêu NH là đủ, ông Keith Pogson – Lãnh đạo cấp cao – Dịch vụ Tài chính NH E&Y khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, với thị trường Việt Nam hiện nay chỉ cần 5 NH lớn làm trụ cột cho vay nền kinh tế là đủ.

Theo E&Y, các NH cần xác định mục tiêu hợp nhất, sáp nhập là gì. Có ba yếu tố để hình thành thương vụ sáp nhập là tương đồng về văn hóa, quan điểm, tính kỷ luật. Vấn đề là hai chủ sở hữu phải có đồng tiếng nói là tương lai NH phát triển như thế nào, tránh việc trống đánh xuôi kèn thổi ngược dẫn tới việc khó hiểu trong quá trình tham gia, và niềm tin vào M&A giảm đi.

Tuy nhiên cũng có thể duy trì những NH đặc thù phục vụ khu vực nông thôn (khi Việt Nam hiện có tới 70% dân số ở khu vực nông thôn) và một số NH phục vụ thị trường ngách. Với thực trạng thị trường tài chính - tiền tệ hiện nay thì số lượng NH ở Việt Nam vẫn là còn khá lớn. “Việt Nam cần những NH lớn để thực hiện các hoạt động thanh toán và có độ phủ rộng toàn quốc. Bên cạnh đó cũng cần có thêm các công ty tài chính phục vụ cho thị trường ngách, thị trường chuyên biệt như cho vay tiêu dùng, cho vay lĩnh vực nông nghiệp…” – bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính NH E&Y Vietnam chia sẻ thêm.

Theo E&Y, nhìn ra thế giới, hầu hết các thị trường thành công nhất thì chỉ có từ 2 – 5 NH ở mỗi quốc gia. Đó là những thị trường ở Singapore, Hồng Kông hay Hàn Quốc. Để có những thành công như hôm nay, họ cũng đã từng trải qua làn sóng sáp nhập thời gian trước đây. Hay Việt Nam có thể nhìn sang Malaysia khi khoảng 20 năm trước họ có 45 NH nhưng hiện nay thì chỉ còn 10 NH.

Trong vòng 5-10 năm tới, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất lớn thì cần phải có những NH lớn đảm bảo cho vay những dự án lớn để phát triển kinh tế. Đại diện của E&Y cũng cho rằng, để duy trì tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6,5% trong thời gian tới thì phải có những NH lớn để duy trì tăng tín dụng hỗ trợ cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khi cộng đồng kinh tế Asean chính thức được hình thành thì Việt Nam cũng phải có những NH tầm cỡ khu vực để cạnh tranh với hệ thống NH của các quốc gia như Malaysia, Singapore… Theo lộ trình thì đến năm 2020, thị trường NH Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN nên Việt Nam còn 5 năm nữa để chuẩn bị.

Bà Nguyễn Thùy Dương cho rằng, sau khi các NH ở Malaysia thực hiện sáp nhập thì các NH mạnh lên và hiện nay họ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đơn cử, Maybank – một trong những NH lớn của Malaysia cũng đã sở hữu cổ phần của ABBank. “Hiện nay không chỉ có các NH trong khu vực ASEAN mà nhiều NH ở các thị trường khác là Ấn Độ, Qatar cũng đang quan tâm tới các NH của Việt Nam” – bà Nguyễn Thùy Dương nói.

Theo E&Y, xét từ góc độ nào đó thì một số NH ngoại khi mới sở hữu từ 10 – 20% cổ phần NH nội, được xem là mới ở mức “làm quen”. Đó là điều kiện để các nhà đầu tư chiến lược cam kết và có thể làm việc được và truyền cho NH nội những thành công. Theo phân tích của E&Y, thời gian qua các NH ngoại cũng đã hỗ trợ NH Việt Nam rất nhiều, từ nhận diện thương hiệu đến phát triển các dịch vụ NH hiện đại như mobile banking, internet banking… Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi để có cơ hội sở hữu cổ phần nhiều hơn và họ hy vọng, thị trường mở cửa rộng hơn sẽ đến và mang đến thành công cho nhà đầu tư.