Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách để tăng trưởng cao
(Tài chính) Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2015 của ADB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016 nếu Chính phủ Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura nhận định, dù tình hình kinh tế của Việt Nam được cải thiện, song cần tiếp tục có những cải cách về cơ cấu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để nền kinh tế khai thác được tối đa tiềm năng tăng trưởng.
Khi tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - sẽ tạo động lực cho xuất khẩu. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ giá dầu thế giới thấp, làm tăng thu nhập khả dụng của người dân và giảm chi phí hoạt động kinh doanh.
Báo cáo ADO thống kê chỉ có 36% DN Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Để tăng cường năng lực cho các DNVVN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần nỗ lực tăng cường sự phối hợp liên ngành, đặc biệt là trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách dành cho DNVVN. Tăng cường tham vấn rộng rãi với khu vực tư nhân còn giúp xác định các vướng mắc hạn chế sự kết nối với mạng lưới sản xuất. Cùng với đó, cần có các chiến lược cho từng ngành để hỗ trợ thành lập các cụm công nghiệp và tạo quy mô kinh tế”, ông Kimura nhấn mạnh.
Cần cải thiện năng lực quản trị và minh bạch thông tin tài chính
Đánh giá về tình hình kinh tế của Việt Nam, ADB cho rằng tiến trình lành mạnh hóa khu vực ngân hàng đang từng bước đạt được những tiến bộ thông qua việc khuyến khích sáp nhập và Nhà nước mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhiều DNNN sẽ được cổ phần hóa.
Chuyên gia kinh tế quốc gia ADB thuộc Cơ quan thường trú tại Việt Nam Dominic Mellor lưu ý rằng, việc các DNNN chưa đủ minh bạch tài chính sẽ vẫn rủi ro cao trước các cú sốc. Quan trọng là phải tìm kiếm đủ nhà đầu tư tham gia vào các đợt bán cổ phần của DNNN. Muốn thu hút nhà đầu tư chiến lược lớn thì phải cải thiện năng lực quản trị và minh bạch thông tin tài chính.
Trong ngắn hạn, cần ưu tiên tăng cường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và vạch ra chiến lược rõ ràng để giải quyết nợ xấu. Tốc độ tăng trưởng về lâu dài phụ thuộc vào khả năng cải cách cơ cấu sâu rộng hơn của Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ cho các DN trong nước hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về vấn đề đang được dư luận quan tâm là tỷ giá, theo ông Dominic Mellor trước việc đồng USD tăng giá như hiện nay, Việt Nam phải cân nhắc tính cạnh tranh của mình. Để thu hút đầu tư, tỷ giá là một trong những yếu tố mặc dù không phải là yếu tố quyết định. Thực tế, Việt Nam được các nhà đầu tư lựa chọn vì nguồn nhân lực và môi trường chính trị ổn định.
Hiện lãi suất của Việt Nam đang được đánh giá là thực dương, nếu cuối năm nay lạm phát như dự báo là 2,5% thì lãi suất vẫn được coi là thực dương. Chính điều đó đã tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Cũng theo chuyên gia Dominic Mellor, những khoản đầu tư ngắn hạn đã đổ mạnh vào châu Á. Tuy nhiên, những nguồn vốn gián tiếp (FII) đã bỏ qua Việt Nam vì trên thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nguồn vốn đổ vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là nguồn vốn trực tiếp (FDI) do đây là nguồn vốn dài hạn nên tác động sẽ ít hơn.