Việt Nam cần phát huy tiến bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh
(Tài chính) Việt Nam cần tự tin vào những kết quả đã được và qua những kết quả này tăng cường quảng bá thu hút các đối tác nước ngoài, đối tác thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các đối tác thương mại và đầu tư trong tương lai.
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68 trong 148 nền kinh tế. Bên cạnh đó, Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2014, Việt Nam xếp hạng 78 trên 189 nước.
Nhận xét về sự khác nhau này, ông Philipp Roesler cho rằng: 2 báo cáo dựa trên những tiêu chí khác nhau, nhưng điều quan trọng hơn, về kết quả tổng thể Việt Nam đang có những tiến bộ. Do đó, Việt Nam cần tự tin vào những kết quả đã được và qua những kết quả này, tăng cường quảng bá thu hút các đối tác nước ngoài, đối tác thương mại và FDI, các đối tác thương mại và đầu tư trong tương lai.
Ấn tượng về tiến bộ của Việt Nam, ông Philipp Roesler đánh giá: Việt Nam có thể rất tự hào về những những kết quả đã đạt được trong những năm qua. Như việc từ năm 2000 tới 2013, chỉ số GDP của Việt Nam đã tăng gấp đôi và đã có thành công nhất định trong việc cải tiến công nghệ, xóa đói giảm nghèo, phát triển ngành nông nghiệp tương đối mạnh…
Việc nỗ lực gia tăng khả năng cạnh tranh không phải là một quá trình có điểm khởi đầu và kết thúc, mà là một quá trình luôn tiếp diễn. Điều này rất quan trọng đối với các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển.
Ông Philipp Roesler nhận xét: Cũng giống như Đức trước đây, Việt Nam có đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân tương đối trẻ, năng động, làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên cần giảm thiểu hơn nữa các trở ngại do thủ tục hành chính, tạo thêm điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn. Cần tạo nhiều điều kiện cho các nhà kinh doanh trẻ khởi nghiệp nhanh chóng cùng những ý tưởng kinh doanh của họ.
Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là yếu tố dân số trẻ với chi phí nhân công tương đối thấp. Tuy nhiên, hướng tới tương lai với những thay đổi thì điều cần thiết là cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, kĩ năng nghề nghiệp cũng như khoa học và công nghệ. Chỉ khi có một “hệ thống giáo dục xuất sắc” cho thế hệ trẻ, bao gồm giáo dục cơ bản và giáo dục khoa học ở cấp độ cao, thì Việt Nam mới phát huy hết được thế mạnh tiềm lực dân số trẻ của mình.
Ông Philipp Roesler cũng ủng hộ quan điểm cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, không chỉ phát triển giao thông, đường cao tốc… mà còn phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ. Cần tăng cường đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin là chìa khóa quan trọng, vì đây là ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một yếu tố quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh là cần có một thể chế kinh tế vĩ mô bền vững với những chính sách tài khóa và ngân sách đúng đắn, kiểm soát tốt lạm phát.
Về hợp tác kinh tế quốc tế, ông Philipp Roesler nhấn mạnh, Việt Nam cần sẵn sàng hướng tới việc Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động và ký kết thêm các Hiệp định thương mại tự do song phương. Một khi Việt Nam ký các thỏa thuận thương mại tự do với những nền kinh tế lớn hơn, thì có nhiều cơ hội hơn là thách thức.
Khi tham gia sân chơi lớn, sẽ có thêm đối thủ, nhưng điều đó là tốt cho Việt Nam tạo động lực lớn cho Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh.