Việt Nam hiện là một thị trường đáng để đầu tư
Đây là khẳng định của ngân hàng HSBC tại báo cáo vừa mới được công bố. Theo đánh giá của HSBC, từ năm 2015 đến nay, thị trường chứng khoán của Việt Nam luôn tăng trưởng tốt hơn các chỉ số chính của khu vực.
HSBC đã dẫn chứng nhiều yếu tố khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn như: kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 với rất ít tổn thương, tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,9%, trong nhóm tốt nhất thế giới, lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng mạnh; xuất khẩu bùng nổ; lợi nhuận của hệ thống ngân hàng ngày một tăng trưởng tốt hơn; yếu tố lạm phát thấp, tỷ giá tiền đồng ổn định; người tiêu dùng có sức mua tốt...
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hạ tầng (một trong những “bàn đạp” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia) cũng đã và đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm.
Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố lợi nhuận hấp dẫn, định giá tốt, giá cổ phiếu hấp dẫn, bảng cân đối kế toán tốt và các biện pháp cải tổ thị trường làm tăng khả năng thị trường sẽ có khoảng thời gian tăng điểm kéo dài... Tất cả những yếu tố trên sẽ góp phần để thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt trong dài hạn.
Cũng theo HSBC, hiện Chính phủ Việt Nam đã thông qua Luật Chứng khoán và Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo quy định mới, các biện pháp hạn chế với nhà đầu tư ngoại đã được giảm đi; một số công cụ đầu tư mới như: chứng quyền có bảo đảm (CW) và chỉ số Diamond cũng đang giúp cho nhà đầu tư ngoại có cơ hội tiếp cận với những doanh nghiệp đã đạt trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
HSBC phân tích, trong nhóm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất (VN30) chỉ có 6 cổ phiếu đã kín room ngoại. Đối với 6 cổ phiếu đã kín room ngoại này, các nhà đầu tư chỉ cần tốn thêm phí chênh lệch khi giao dịch, song chúng vẫn có tăng trưởng lợi nhuận tốt và định giá rẻ hơn so với các công ty tương tự ở châu Á. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn có nhiều lực chọn cổ phiếu đáng đầu tư.
HSBC tin tưởng, với những với các biện pháp cải cách, Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên (FM) lên thị trường mới nổi (EM). Hiện, VN-Index đang tiếp tục phục hồi, tăng khoảng 7,5% so với đầu năm, vượt trội hơn các EM (tăng 6%) và FM toàn cầu (tăng 7%).
Bên cạnh những đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam, tại Báo cáo, HSBC cũng giữ quan điểm lạc quan về triển vọng của Việt Nam với ước tính tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ là 7%, áp lực lạm phát vừa phải, trung bình 3% - thấp hơn so với trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước và VND tiếp tục ổn định.
Về vĩ mô, HSBC cho biết, Việt Nam vẫn là một trong những câu chuyện đầu tư tốt nhất khu vực bởi không còn là quốc gia gia công trong chuỗi cung ứng thành công nhờ vị trí địa lý thuận lợi.
Theo HSBC, Việt Nam đang tự chuẩn bị động lực tăng trưởng kinh tế riêng để ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn. Là nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu, về lý thuyết, Việt Nam lẽ ra phải chịu rủi ro ngoại sinh như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay đại dịch Covid-19 nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Không chỉ HSBC có đánh giá lạc quan về thị trường Việt Nam, mới đây, tại công bố xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Moody's đã nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Tích cực (tăng hai bậc), giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm...