Vietcombank quyết liệt kiểm soát, xử lý nợ xấu trong giai đoạn hậu COVID-19
Vietcombank xác định xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng là hoạt động trọng tâm, xuyên suốt, trách nhiệm của các cấp trong chỉ đạo, thực hiện, bám sát thực tiễn dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó, Vietcombank đã vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch xử lý thu hồi nợ, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng và tình hình giãn cách xã hội tại các địa phương đã tác động không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó công tác xử lý, thu hồi nợ cũng là một trong những nghiệp vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng của dịch bệnh.
Hệ thống, Vietcombank đã chủ động kiểm soát chất lượng tín dụng, bám sát khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ trong dịch, phân loại khách hàng để có ứng xử phù hợp, hạn chế phát sinh nợ xấu, chủ động xử lý thu hồi.
Vietcombank giám sát chặt chẽ danh mục khách hàng cơ cấu nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi bổ sung (Thông tư 03;14), chủ động, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) với nợ xấu, nợ có khả năng chuyển xấu, phân loại khách hàng vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo đúng tình trạng khoản nợ.
Với đánh giá dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số nhóm ngành, Vietcombank đã triển khai kiểm soát chất lượng tín dụng bằng các chính sách cho vay: Xây dựng định hướng ngành, nghề theo mức độ rủi ro nhằm định hướng phát triển tín dụng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phức tạp; Điều chỉnh tỷ lệ mức cấp tín dụng tối đa trên giá trị tài sản bảo đảm nhằm hạn chế rủi ro phát sinh; Triển khai kiểm tra chuyên đề tín dụng…
Phân loại khách hàng để áp dụng biện pháp xử lý nợ phù hợp
Về công tác thu hồi nợ Vietcombank luôn ưu tiên: (i) các giải pháp hỗ trợ khách hàng trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ (cơ cấu nợ), phương án trả nợ (giảm, miễn lãi vay), chia sẻ khó khăn khách hàng trong dịch bệnh; (ii) các phương án thỏa thuận với khách hàng như: thoả thuận xử lý Tài sản bảo đảm (TSBĐ) nhanh chóng, hiệu quả; hoà giải tại toà để rút ngắn thời gian tố tụng…Hiện thực hoá các giải pháp này Vietcombank tập trung phân loại khách hàng dựa trên thiện chí hợp tác và nguồn thu trả nợ của khách hàng để áp dụng biện pháp xử lý nợ phù hợp.
Song song với các biện pháp phân loại khách hàng, Vietcombank cũng tích cực áp dụng biện pháp bán nợ, đặc biệt là các khoản nợ lớn, phức tạp. Ưu điểm của biện pháp bán nợ là khoản nợ được xử lý dứt điểm và chuyển giao hoàn toàn cho bên mua nợ.
Chủ động triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi nợ thích ứng trong dịch bệnh COVID-19
Trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và công tác xử lý, thu hồi nợ nói riêng. Bám sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng, Vietcombank dự kiến triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi nợ thích ứng trong dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, Vietcombank sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác xử lý, thu hồi nợ; Tăng cường, làm việc chỉ đạo, hỗ trợ công tác xử lý thu hồi nợ thông qua hình thức cầu truyền hình trực tuyến; Tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý TSBĐ trong điều kiện dịch bệnh phức tạp; Duy trì, đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp (THADS); Định kỳ làm việc, trao đổi với Tổng cục THADS để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các khoản nợ đang thi hành án.
Theo sát đôn đốc, tranh thủ hỗ trợ của cơ quan tố tụng, thi hành án tiến hành các thủ tục theo đúng quy định. Làm việc trực tiếp để đẩy nhanh tiến độ đối với các vụ việc bị tạm hoãn, tạm dừng trong thời gian giãn cách do dịch bệnh.
Xác định công tác xử lý và thu hồi nợ, nợ xấu là một nhiệm vụ trong tâm, quan trọng trong chiến lược phát triển, Vietcombank đã đang và sẽ nỗ lực triển khai, đưa ra các giải pháp đồng bộ, đảm bảo các yêu cầu và kế hoạch được giao, đồng thời phấn đấu là cánh chim đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng, góp phần vào công cuộc tái thiết nền kinh tế trong bối cảnh hậu COVID-19.