VinaCapital: Cổ phiếu vốn hóa lớn đang trở nên đắt đỏ
Đại diện VinaCapital cho biết có thể chọn lọc những cổ phiếu tốt nhưng vẫn rẻ với P/E 10-15 lần. Chênh lệch định giá của nhóm công ty vốn hóa lớn và nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đang tăng.
Theo số liệu tại hội nghị nhà đầu tư 2019 của VinaCapital, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 6 lần từ mức 33,8 tỷ USD năm 2009 lên 195,6 tỷ USD, với 1.592 cổ phiếu giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Trong đó, vốn hóa của HoSE vẫn dẫn đầu với 143,2 tỷ USD, trong khi UPCoM đạt 44,4 tỷ USD vượt HNX chỉ 8 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thu, Giám đốc Quản lý quỹ VCG Parters Vietnam Fund, đơn vị thuộc VinaCapital cho biết vốn hóa của UPCoM tăng nhanh do động thái của Chính phủ yêu cầu các công ty sau cổ phần hóa phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch. 2017 là năm bùng nổ việc đưa cổ phiếu lên sàn khi có 268 mã mới lên giao dịch trên UPCoM, 33 cổ phiếu lên HoSE và 22 mã lên HNX. Nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất hiện chiếm 46,4% vốn hóa toàn thị trường, tương đương với năm 2009.
Về định giá thị trường, theo bà Nguyễn Thu, hiện nay chênh lệch giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn và vốn hóa nhỏ đang ở mức 70%, trong khi năm 2014% chỉ khoảng 30%. “Các công ty lớn đã trở nên đắt đỏ hơn”, bà Thu nói. Định giá của các doanh nghiệp vốn hóa lớn đã tăng 50% trong 5 năm qua, từ P/E 12,8 năm 2014 lên 19,1 năm 2019. Trong khi đó, P/E của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ không nhiều thay đổi từ 10,2 lên 10,9.
Ngoài ra mức định giá của toàn thị trường Việt Nam đang được nâng lên gần so với các thị trường mới nổi trong khu vực. “Trước đây, khoảng cách chênh lệch P/E giữa Việt Nam và nhóm này là 20%, hiện tại chỉ còn 10%”.
Theo bà Thu, nguyên nhân một phần vì Việt Nam thu hút được dòng tiền ngoại. Các nhà đầu tư ngoại thường tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, chiếm 80% thị trường, đẩy định giá của thị trường. Bên cạnh đó, FTSE Russell và MSCI đang có động thái xem xét nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi, vì vậy một số nhà đầu tư ngoại muốn có sẵn vị thế tại Việt Nam đón đầu.
Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc Điều hành VOF, quỹ lớn nhất của VinaCapital với giá trị tài sản hơn 920 triệu USD, chia sẻ thêm định giá của thị trường Việt Nam vẫn đang rẻ so với thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, ông Dương cũng cho biết tiền Việt Nam đồng ổn định cũng là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư. " Người ta đầu tư 10% mà VND mất giá 3% thì chỉ còn 7%", ông Dương lấy ví dụ.
Chia sẻ thêm về câu chuyện nâng hạng, đại diện của VinaCapital cho biết hạn chế về sở hữu của khối ngoại (FOL) có thể là nguyên nhân chính khiến Việt Nam chưa được nâng hạng, dù việc này đã được phần nào tháo gỡ. Theo bà Thu, dù Chính phủ đã giao quyết định về FOL cho doanh nghiệp từ năm 2015, nhưng phần lớn các đơn vị trên thị trường vẫn giữ “room” ngoại ở 49%, ngoại trừ ngành ngân hàng và hàng không giữ ở 30%. Các ngành hết “room” cho nhà đầu tư ngoại có thể điểm tới như công nghệ, bán lẻ, dược phẩm, ngân hàng…
Trên thị trường có 48 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa 22,5 tỷ USD đã hết "room" cho khối ngoại. Với các cổ phiếu này, khi giao dịch nhà đầu tư ngoại muốn mua phải trả thêm so với thị giá 7-25%, có thể điểm tới một số mã như MWG, MBB, FPT, PNJ…
Điều này khiến thị trường tồn tại một vấn đề là nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhưng không có hàng hóa để mua, vì vậy chỉ có thể lựa chọn các cổ phiếu vốn hóa lớn. "Trong khi thực tế, nếu lựa chọn cổ phiếu, có nhiều mã tốt nhưng vẫn rẻ với P/E chỉ 10-15 lần", bà Nguyễn Thu nhận định.