Vĩnh Phúc sẵn sàng 4 phương án tăng trưởng kinh tế năm 2021 trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 kéo dài
Trước tình hình dịch bệnh cấp bách như hiện nay, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của cả nước cũng như của tỉnh sẽ có nhiều biến động, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã dự kiến 4 phương án tăng trưởng kinh tế năm 2021 tương ứng với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh.
Trong những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh và cả nước cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển. Nhờ đó, kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng trưởng với mức tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng cao nhất so với vùng Đồng bằng sông Hồng và cao thứ 3 toàn quốc, cũng là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 21,98%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,78%; dịch vụ tăng 7,54%.
Hiện tại, tình hình dịch bệnh trong nước đang diễn biến phức tạp, tiếp tục lan rộng với số ca lây nhiễm lớn. Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của các doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân. Nhiều ngành nghề kinh doanh phải dừng hoạt động, lưu thông hàng hóa bị chậm trễ do phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên.
Trước tình hình dịch bệnh cấp bách như hiện nay, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của cả nước cũng như của tỉnh sẽ có nhiều biến động, UBND tỉnh đã dự kiến 4 phương án tăng trưởng kinh tế năm 2021 tương ứng với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, không chủ quan, lơ là. Các cấp, các ngành theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền để mọi người dân chấp hành thực hiện nghiêm thông điệp 5K+5T; chỉ đạo thực hiện triệt để nguyên tắc 4 tại chỗ, chủ động trong mọi tình huống xảy ra.
Cùng với quyết liệt phòng chống dịch, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, không để đình trệ, đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tập trung rà soát, có biện pháp kịp thời, hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, bồi thường giải phóng mặt bằng để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh.