Virus Covid-19 vẫn ám ảnh giới đầu tư

Theo T.Lê/tinnhanhchungkhoan.vn

Dù đã bình tĩnh hơn sau 2 phiên hoảng loạn, nhưng những thông tin tiêu cực liên tiếp về sự lây lan của virus Covid-19 sau đó được đưa ra khiến giới đầu tư nhanh chóng mất bình tĩnh, khiến phố Wall có phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp trong ngày thứ Tư (26/2).

Virus Covid-19 vẫn ám ảnh giới đầu tư. (Ảnh AFP)
Virus Covid-19 vẫn ám ảnh giới đầu tư. (Ảnh AFP)

Sau chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, đặc biệt là 2 phiên lao dốc gần nhất, phố Wall đã hồi phục trở lại khi mở cửa phiên giao dịch thứ Tư. Nhà đầu tư trên phố Wall dường như đã bình tĩnh hơn để đánh giá tác động về mặt kinh tế của virus Covid-19.

Trong phiên sáng, S&P 500 đã tăng tới 1,7%, Dow Jones cũng tăng 1,6%, Nasdaq thậm chí còn tăng tới 1,94%. Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, hàng loạt tin xấu liên quan đến Covid cả trong và ngoài nước Mỹ được công bố khiến giới đầu tư lo lắng trở lại.

Cụ thể, các quan chức y tế tại hạt Nassau, New York cho biết, đang theo dõi 83 người trở về từ Trung Quốc và có thể đã tiếp xúc với virus Covid-19. Thống đốc Andrew Cuomo cho biết chưa có trường hợp nào được xác nhận dương tính với virus Covid-19.

Thêm một áp lực nữa với thị trường là cảnh báo từ các quan chức Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ rằng dịch đang trên đường trở thành đại dịch.

Ngoài ra, virus cũng lan lên Nam Mỹ khi Brazil công bố có người nhiễm virus, trong khi Nhật, Ý, Iran công bố có thêm người chết. Cùng với đó, số người nhiễm mới trên thế giới đã vượt qua số người nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục trong ngày hôm qua.

Những thông tin trên khiến giới đầu tư hoảng sợ bán nhanh ra, đẩy các chỉ số chính của phố Wall đảo chiều, trong đó Dow Jones và S&P 500 đi thẳng xuống dưới mức tham chiếu và đóng cửa với phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, Nasdaq may mắn hơn khi dừng kịp thời trên mốc tham chiếu khi thị trường đóng cửa.

Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Dow Jones giảm 123,77 điểm (-0,46%), xuống 26.957,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,82 điểm (-0,38%), xuống 3.116,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,16 điểm (+0,17%), lên 8.980,77 điểm.

Lo ngại virus Covid-19 lan nhanh, cùng với dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2019 giảm 1,2% khiến chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, về cuối phiên, khi giới đầu tư bình tĩnh hơn để đánh giá những tác động của dịch Covid-19, các thị trường đã dần phục hồi, chứng khoán Anh, Pháp đảo chiều thành công, còn chứng khoán Đức thiếu chút may mắn. Tuy nhiên, chỉ số STOXX 600 lại 2,6%, đánh dấu chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 7. Trong đó, nhóm cổ phiếu du lịch, dịch vụ tài chính, hóa học và công nghệ giảm mạnh nhất với mức giảm 3 - 4%. Thậm chí, cổ phiếu của công ty dịch vụ ISS của Đan Mạnh giảm tới 14%.

Kết thúc phiên 26/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 24,59 điểm (+0,35%), lên 7.042,47 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 15,61 điểm (-0,12%), xuống 12.774,88 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 4,87 điểm (+0,09%), lên 5.684,55 điểm.

Lo ngại vius Covid-19 lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, chứng khoán châu Á đều chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Tư. Trogn đó, chứng khoán Hàn Quốc đánh mất hết những gì đã có trong phiên hồi phục hôm thứ Ba, thậm chí còn âm vào vốn.

Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 179,22 điểm (-0,79%), xuống 22.426,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,12 điểm (-0,83%), xuống 2.987,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 196,74 điểm (-0,73%), xuống 26.696,49 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 26,84 điểm (-1,28%), xuống 2.076,77 điểm.

Sau phiên điều chỉnh mạnh hôm thứ Ba, giá vàng lấy lại đà tăng trên thị trường châu Á trong phiên thứ Tư, nhưng khi bước vào phiên Mỹ đã giảm trở lại khi chứng khoán hồi phục mạnh. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá vàng đã quay đầu trở lại và đóng cửa tăng nhẹ khi chứng khoán đảo chiều giảm sau hàng loạt thông tin tiêu cực về sự lây lan của Covid-19.

Kết thúc phiên 26/2, giá vàng giao ngay tăng 6,2 USD (+0,38%), lên 1.640,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 6,9 USD (-0,42%), xuống 1.643,1 USD/ounce.

Dĩ nhiên, với sự lây lan nhanh chóng của virus Covid-19, giá dầu thô chưa thể dừng lại chuỗi ngày giảm giá của mình.

Kết thúc phiên 26/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,19 USD (-2,38%), xuống 48,71 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,54 USD (-2,8%), xuống 53,41 USD/thùng.