VN-Index nới rộng đà tăng, vượt 1.270 điểm

Minh Lâm

Sau 3 phiên tăng liên tiếp, VN-Index vượt mốc 1.270 điểm, khối ngoại cũng nối dài chuỗi mua ròng, tuy nhiên thanh khoản lại khá “chệch nhịp” khi giao dịch chậm lại.

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 19/9 đón nhận một số thông tin tích cực trong và ngoài nước: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 0,5%; vướng mắc yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (Prefunding) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được gỡ bỏ... Điều này khiến tâm lý thị trường “phấn chấn” hơn, sắc xanh vì thế cũng lan tỏa hầu khắp các nhóm ngành.

Chiều muộn hôm qua (18/9), thông tin Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về giao dịch chứng khoán, trong đó có việc xoá bỏ yêu cầu có tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh (pre-funding) đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được công bố. Đây vốn là "nút thắt" lớn nhất lâu nay trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chí của FTSE Russell.

Tiếp đó, Fed giảm lãi suất 0,5%. Đây là một kết quả phù hợp với những kỳ vọng trước đó của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, hôm nay là ngày đáo hạn phái sinh và đồng thời diễn ra xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2. Do vậy, sự thận trọng cũng sẽ khó tránh khỏi, cản trở dòng tiền khiến diễn biến thị trường lúc cuối phiên sáng có “chùng” hơn chút.

VN-Index tăng 3 phiên liên tiếp. 
VN-Index tăng 3 phiên liên tiếp. 

Sang phiên chiều, diễn biến thị trường có cải thiện hơn nhưng phe mua vẫn thiếu sự dứt khoát nên chỉ số VN-Index rung lắc nhẹ và chốt phiên tăng có điểm (+0,50%) lên 1.271,27 điểm. Độ rộng thị trường nhìn chung vẫn nhỉnh hơn về số lượng mã màu xanh, gồm 240 mã tăng, 122 mã giảm trên HOSE.

Thanh khoản khá mờ nhạt, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 607,5 triệu đơn vị, giá trị 14.285,4 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 129,7 triệu đơn vị, giá trị 2.294 tỷ đồng.  

Tỏa sáng nhất hôm nay là SSB khi bất ngờ tăng kịch trần +6,73% lên 16.650 đồng, khớp hơn 2,75 triệu đơn vị. Không tăng ấn tượng như SSB, những cái tên lớn trong rổ VN30 cũng khá xanh, tăng dưới 1%.  

Ở chiều ngược lại, POW là cổ phiếu duy nhất giảm -2,6% xuống 12.550 đồng, các mã VNM, VJC, SHB, TPB, MWG, MSN, MBB đứng tham chiếu.

Xét về nhóm ngành, Ngân hàng, Bất động sản và Chứng khoán tác động tích cực đến VN-Index. Ngân hàng (+0,66%) thì có SSB tím lịm giữa loạt xanh nhẹ của VCB (+0,55%), CTG (+0,84%), TCB (+0,87%) và BID (+0,41%)…

Nhưng đóng góp nhiều nhất cho sự hồi phục của thị trường lại là nhóm Bất động sản (+0,76%). Các mã tăng đáng kể ngoài họ nhà Vingroup: VRE (+1,6%), VHM (+0,57%), VIC (+0,59%), còn có KBC (+5,9%), PDR (+3%), HDG (+2,7%), VCR (+3,3%), DXS (+3,1%), QCG (+6,1%), IDJ (+3,1%), API (+3,6%), DTD (+4,5%), SCR (+2%), CEO (+2%)...

Nhóm chứng khoán (+0,36) thì phân hóa hơn. Chiều tăng có BMS tăng mạnh hơn 8%, EVS tăng hơn 6%. HCM tăng hơn 1%; SSI, VIX, VCI chỉ tăng nhẹ; SHS đứng tham chiếu, VND giảm nhẹ. Chiều giảm còn có CSI, CTS, DSE, FTS, TVS, VDS… tuy nhiên mức giảm không đáng kể.

Điểm tích cực tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước là khối ngoại quay lại mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp. Giá trị mua ròng đạt 472 tỷ đồng, tập trung vào SSI với 280 tỷ đồng. HCM và chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được mua ròng hơn 50 tỷ đồng, kế đến là VHM 41 tỷ đồng; PDR, FPT, TCB, KBC hơn 30 tỷ đồng; MWG, VCB hơn 20 tỷ đồng…

Chiều ngược lại, HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 75 tỷ đồng, kế đến là VND (-45 tỷ đồng); VPB, VCG, KDH bị bán ròng trên 30 tỷ đồng; DCM, PVD bị bán ròng trên 20 tỷ đồng…