VND lên giá, mừng hay lo?

Nhuệ Mẫn (Đầu tư Chứng khoán).

Tỷ giá ổn định giúp cho các doanh nghiệp nhập khẩu có thể chủ động được kế hoạch kinh doanh của mình, nhưng không phải là điều tốt trong một nền kinh tế phát triển, bởi nó cần một sức đẩy từ lạm phát.

VND lên giá, mừng hay lo? - Ảnh 1

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá giữ được sự ổn định rất cao

Thị trường ngoại hối trong nước đã có được sự ổn định rất cao trong suốt 8 tháng đầu năm 2012, mặc dù nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng đã có những biến chuyển, khó khăn và thách thức rất lớn. Cụ thể, NHNN đã giữ nguyên tỷ giá công bố bình quân liên ngân hàng là 20.828VND/USD từ cuối năm 2011, trong khi các NHTM công bố tỷ giá giao dịch quanh mức 20.800/20.900 VND/USD. Hầu hết các giao dịch được thực hiện quanh mức giá 20.850 VND/USD, cũng là mức giá mua vào của NHNN.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Kinh doanh tiền tệ Ngân hàng HSBC (Việt Nam ) nhận định, thị trường cho thấy rõ một xu hướng chung trong 8 tháng qua là không có sự thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ nào như đã thường xuyên xảy ra trong những năm từ 2007 đến 2011. Thay vào đó, thị trường phần lớn chứng kiến sự dư thừa nguồn cung ngoại tệ, trong khi nhu cầu mua ngoại tệ từ các doanh nghiệp nhập khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài rất ổn định. Thống kê ngoại thương cũng chứng minh rõ điều này khi con số nhập siêu trong 8 tháng chỉ vỏn vẹn hơn 100 triệu USD.

Trong khi đó, nguồn cung đã được bổ sung mạnh mẽ từ các hoạt động giải ngân vốn cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cũ và mới, các hoạt động đầu tư gián tiếp vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong nước. Đặc biệt là luồng vốn ngoại tệ đổ vào Việt Nam cho các hoạt động mua bán sát nhập (M&A) doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản suất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, kiều hối do kiều bào gửi về hỗ trợ thân nhân trong nước và tham gia đầu tư vào bất động sản cũng như các dự án kinh doanh khác cũng không nhỏ. Một bộ phận người dân cũng đã chuyển đổi các khoản tiết kiệm ngoại tệ sang VND khi mà lãi suất tiết kiệm VND có mức chênh lệch rất hấp dẫn so với tiết kiệm USD.

Và khi nền kinh tế không phải chịu gánh nặng nhập siêu vốn gây áp lực rất lớn đến tỷ giá NHNN có điều kiện mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo báo cáo từ NHNN, dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng đến hơn 10 tỷ USD từ đầu năm đến nay, giúp bình ổn, can thiệp thị trường khi cần thiết. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc Ban Kinh doanh nguồn vốn và tiền tệ BIDV, từ đầu năm đến nay, theo dõi hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường đều thấy xu hướng mua ròng ngoại tệ của NHNN. Ngay trong tháng 8/2012, NHNN vẫn mua ròng tới 600 - 700 triệu USD. Dự trữ ngoại tệ quốc gia đã tăng lên khoảng 22 đến 23 tỷ USD, tương đương 11,5 tuần nhập khẩu.

“Như vậy, thị trường ngoại hối trong nước sẽ còn 4 tháng trước mắt để khẳng định lại cam kết của lãnh đạo NHNN từ đầu năm là tỷ giá USD/VND sẽ được điều hành theo hướng ổn định hỗ trợ xuất khẩu, giảm nhập siêu, thu hút đầu tư phát triển kinh tế với mức giảm giá của VND không quá 3% trong cả năm 2012. Trong 8 tháng qua, tiền đồng thực sự đã lên giá gần 1% so với đô la Mỹ”, ông Quang nói.

Nhận định về xu hướng tỷ giá từ đầu năm đến nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, đồng nội tệ ổn định đối với một nền kinh tế hướng về xuất khẩu, nhất là trong xu thế giá cả các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế suy giảm có thể gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. “Đồng tiền quá ổn định không phải là điều tốt trong một nền kinh tế phát triển, bởi nó cần một sức đẩy từ lạm phát”, TS. Hiếu nói.

Tổng giám đốc một NHTM nêu quan điểm, Chính phủ cần có các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô hài hòa,để giữ tăng trưởng, cụ thể là điều chỉnh giá đồng nội tệ so với đô la Mỹ ở mức 2% từ nay đến cuối năm để có một tỷ lệ lạm phát khoảng 7 - 8% và kích thích tăng trưởng từ 5 - 5,5%.