Vốn ngoại sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng

Đầu tư CK

Trả lời phỏng vấn ĐTCK, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, nên “mở cửa” nhiều hơn cho các tổ chức nước ngoài tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Vốn ngoại sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng
Tiến trình tái cơ cấu kinh tế đã bắt đầu khởi động với 3 trọng tâm: ngân hàng, đầu tư công và các doanh nghiệp nhà nước. Ông đánh giá thế nào về tiến trình này?

Chính phủ đã quản lý tốt với những chính sách mang tính chiến lược liên quan tới ba mục tiêu trên. Ngân hàng Standard Chartered ủng hộ việc Chính phủ chú trọng tới thực hiện cải cách và sẵn sàng giúp đỡ với tất cả khả năng của mình. Chính phủ đã ban hành kế hoạch khá tốt về mặt cải cách cơ cấu, nhưng chúng ta vẫn cần xem việc thực hiện nó như thế nào. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, mọi người đều có thể hiểu mức độ phức tạp của vấn đề.

Với Nhóm Công tác Ngân hàng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc tái cấu trúc ngân hàng. Tôi nghĩ, chúng ta cần thêm kế hoạch thực hiện, việc áp dụng cũng như khung thời gian của những kế hoạch trên. Còn rất nhiều việc phải làm và mọi thứ vẫn còn khá chung chung.

Ông có thể chỉ rõ những điểm còn “chung chung” này?

Về chuyện tái cấu trúc ngân hàng, có một vài băn khoăn liên quan tới mức độ của nợ xấu. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tỷ lệ nợ xấu ở quanh mức 10%, một vài ngân hàng thì ở ngưỡng 16% trong khi số khác thì không còn vốn. Nợ xấu như hiện tại có thể xuất phát từ thực tế cho vay không hiệu quả trong quá khứ. Do đó, việc giải quyết nợ xấu rất quan trọng, thể hiện khả năng cung cấp vốn phát triển cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng, bước đầu tiên trong bất kỳ việc tái cấu trúc nào là “điểm mặt chỉ tên” nợ xấu và mở rộng những khả năng có thể xảy ra để có giải pháp đi kèm.

Đến nay cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp xung quanh việc giải quyết nợ xấu. Vậy ông có gợi ý gì về việc này?

Có rất nhiều ví dụ ở khu vực và trên thế giới như Thái Lan , Indonesia , Hàn Quốc hay Anh, Mỹ. Chính phủ đã đưa ra những khung thực hiện kế hoạch, nhưng chi tiết thì chưa rõ.

Có một sự thật không mong muốn là bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ bao gồm sự mất mát tài chính liên quan đến những khoản nợ xấu. Và nó phải được làm rõ. Không giải pháp nào được bỏ qua điều đó. Quan điểm gói các khoản nợ xấu vào một công ty mua bán nợ có lý xác đáng – không nhất thiết phải đặt nặng vấn đề là công ty mua bán nợ đó phải hoạt động có lợi nhuận, mà quan trọng là giải quyết được những vấn đề của quá khứ.

Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu các ngân hàng có nợ xấu được tái cấp vốn. Cần tìm ra những nhà đầu tư mới và khuyến khích họ cung cấp đủ vốn cho các ngân hàng được tái cấu trúc. Và cũng cần một sự thống nhất về cách thức huy động vốn cho công ty mua bán nợ nói trên, để đơn vị này có tiền mua lại các khoản nợ xấu. Cuối cùng, các ngân hàng còn lại và các ngân hàng đã được tái cơ cấu sẽ phải nhanh chóng cải tạo hoạt động và hệ thống quản lý rủi ro kinh doanh để hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Việc cho phép các ngân hàng nước ngoài góp vốn nhiều hơn vào các ngân hàng trong nước có thể là cách nhanh nhất để bơm thêm vốn vào hệ thống ngân hàng và để phổ biến các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị kinh doanh và quản lý rủi ro cho các ngân hàng trong nước.

Xem ra, vấn đề nợ xấu khó có thể được xử lý dứt điểm trong năm nay. Vậy ông dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm nay như thế nào?

Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ vào khoảng 5%. Cán cân thương mại dường như ổn định. Tiền tệ duy trì ổn định. Standard Chartered đã thấy chỉ số lạm phát tháng 9 tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó, 1,5% - 1,6% là giáo dục và y tế và cũng nâng mức dự báo về lạm phát trung bình cả năm lên khoảng 8%. Tuy nhiên, tôi cho rằng, kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn và quan trọng là sự ổn định được duy trì.

Còn nếu nhìn xa hơn, không đơn giản tiên đoán trước được triển vọng kinh tế năm 2013. Chúng ta đặt ra chiến lược phát triển cho dài hạn nhưng cần nỗ lực trong hiện tại để đạt được mục tiêu dài hạn đó.

Theo ông, NHNN liệu có cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa từ nay đến cuối năm 2012?

Tôi cho rằng, NHNN đang giải quyết rất tốt vấn đề lãi suất, phù hợp với tình hình thị trường. NHNN đã cắt giảm lãi suất 5 điểm phần trăm. Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất thực đang cao hơn lạm phát khá lớn, nên có thể hạ thêm. Nhưng những gì chúng ta thấy ở con số lạm phát như đã nói ở trên có thể sẽ chặn suy nghĩ đó lại. Và với những gì chúng ta thấy ở giá lương thực mỗi dịp cuối năm, có thể NHNN sẽ tạm dừng việc giảm lãi suất sâu hơn. Nhìn chung, NHNN đang thực hiện tốt việc duy trì bình ổn tiền tệ và giá, điều đó tốt cả với các nhà đầu tư nội và ngoại.