Vốn ngoại vẫn đang chú ý tới thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đang quan tâm trở lại với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, tuy nhiên đa số vẫn còn đang quan sát và chờ cơ hội.

 Vốn ngoại vẫn đang chú ý tới thị trường chứng khoán Việt Nam
Từ đầu năm tới nay TTCK Việt Nam đã thu hút 300 triệu USD đầu tư nước ngoài, bằng con số của cả năm 2012. Nguồn: Internet
Điều này, theo đánh giá của ông Dominic Scriven- đại diện Nhóm công tác thị trường vốn - tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ 2013 vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 3/6 - là do sự phục hồi từ cuối 2012 của thị trường chưa đặt trên một nền tảng bền vững. Thêm nữa, sức khoẻ các DN niêm yết còn yếu, thanh khoản thị trường vẫn còn thấp.

5 tháng, TTCK hút 300 triệu USD

Theo số liệu từ ông Dominic Scriven, từ đầu năm tới nay TTCK Việt Nam đã thu hút 300 triệu USD đầu tư nước ngoài, bằng con số của cả năm 2012. Còn trên thị trường trái phiếu, số vốn nước ngoài đổ vào thị trường này cũng lên tới 500 triệu USD trong 12 tháng qua, bằng con số của cả 5 năm trước đó cộng lại. “Điều này là đáng khích lệ. Tuy nhiên, con số này là hết sức khiêm tốn so với đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và cũng hết sức khiêm tốn so với các nước trong khu vực” - ông Dominic nói. Lý do chính được ông Dominic đưa ra là giới hạn với NĐT nước ngoài. Điển hình là trong số 30 DN niêm yết lớn nhất trên TTCK của Việt Nam hiện nay thì có đến 12 DN hết “room. Do đó, không thể huy động vốn từ NĐT nước ngoài", ông Dominic Scriven cho biết.

Cùng liên quan tới vấn đề này, ông Dominic cho rằng, các NĐT nước ngoài muốn giao dịch cổ phiếu với nhau tại các DN hết room  phải nhờ tới quy trình hết sức phức tạp và không công khai. “Nhóm chúng tôi kiến nghị Việt Nam nhanh chóng bỏ giới hạn đối với NĐT nước ngoài theo các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định WTO. Bên cạnh đó, nếu phải có giới hạn thì cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thiết lập cơ chế minh bạch để giao dịch những chứng khoán này” - ông Dominic nói.

Thí điểm phát hành 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết

“Một thị trường mở thực sự không nên tồn tại sự hạn chế về tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài. Tuy vậy, chúng tôi hiểu là các cơ quan nhà nước cũng phải kiểm soát được các lợi ích nội địa, đặc biệt là trong những DNNN”. Do đó, theo đề nghị của nhóm nên cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu tới 100% cổ phần trong các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành phù hợp với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam. Nhóm cũng đề xuất, Việt Nam có thể phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết (non-voting shares) dành riêng cho NĐT nước ngoài. Mục đích của loại cổ phiếu này là cung cấp một công cụ đầu tư, cho phép NĐT nước ngoài có thể đầu tư và hưởng các quyền lợi tài chính (cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm...) trong các công ty nội địa nhưng đồng thời giới hạn họ không tham gia vào việc biểu quyết các vấn đề của công ty.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Đoan Hùng cho biết, đối với vấn đề sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng (như kiến nghị nâng sở hữu của NĐT nước ngoài tại các ngân hàng lên 49%) thuộc trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước . “Riêng với công ty lớn hết room thì hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu xem xét có thể bằng cách cho trình Bộ Tài chính thí điểm tại một số công ty có thể phát hành 10% cổ phiếu không quyền biểu quyết như kiến nghị của nhóm (Thái Lan cũng làm rất tốt việc này). “Cái này đã  nghiên cứu và cần lộ trình thực hiện” - ông Hùng nói thêm.

Đề xuất tạm dừng giao dịch khi có biến động giá 7%-10%

Nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, dù giờ giao dịch đã được nới rộng nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục là một vấn đề do tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành đang hạn chế sự dịch chuyển tự nhiên của giá cả. Nhóm cho rằng những biên độ này được thiết lập để bảo vệ NĐT trước những biến động quá lớn nhưng cũng cản trở đến sự vận hành tự nhiên của thị trường. Một giải pháp được nhóm đưa ra là tạm dừng giao dịch trong vòng 30 phút khi có biến động giá lên/xuống, chạm mức trần/sàn của biên độ giao dịch 7% - 10% trên hai sàn hiện nay. Sau thời gian tạm dừng giao dịch 30 phút thì cổ phiếu sẽ tiếp tục được giao dịch với mức giá tham chiếu mới (là mức giá trần/sàn trước khi tạm ngừng giao dịch). Việc tạm dừng giao dịch theo cách này sẽ giúp tái lập sự ổn định cho thị trường, đồng thời giảm bớt sự hạn chế của quy định tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đoan Hùng cho biết, TTCK Việt Nam còn khá non trẻ so với nước khác nên tâm lý thị trường chưa ổn định, nhất là NĐT nhỏ lẻ còn có tâm lý đầu tư phong trào. “Chúng tôi sẽ suy nghĩ biện pháp này và nghiên cứu nới dần biên độ cho phù hợp” - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.

Theo Lao động