Vụ Flappy Bird dưới góc nhìn pháp lý

Bà Trần Thị Tám, Giám đốc Công ty TNHH IPCOM Việt Nam

(Tài chính) "Cơn bão" dư luận về game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông mới tạm lắng xuống thì phóng viên nhận được bài viết của Giám đốc Công ty TNHH IPCOM Việt Nam bàn về vấn đề đúng sai của trò chơi này dưới góc nhìn pháp lý. Xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Vụ Flappy Bird dưới góc nhìn pháp lý
Game Flappy Bird từng làm bão. Nguồn: internet

Gõ từ Flappy Bird vào lúc 00h10’ ngày 10/02/2014 trong 0,28s Google cho ra 446.000.000 kết quả, đủ biết Flappy Bird nóng đến mức nào. Tuy nhiên, đứng đầu trong danh sách kết quả lại là những tin tức không lấy gì làm tích cực cho lắm, hết “nghi ngờ” Nguyễn Hà Đông (tác giả của Flappy Bird) đạo ý tưởng, đạo game, rồi đến việc anh có thể bị Nintendo (chủ sở hữu của Super Mario) khởi kiện và cuối cùng là tuyên bố của anh về việc “khai tử” cho đứa con đẻ của  mình.

Sơ lược các bài báo thì có ba vấn đề mà Hà Đông đang bị cáo buộc: 1) Đạo ý tưởng (Flappy Bird bị cho rằng bắt chước gần như giống hệt trò chơi tên Piou Piou vs. Catus); 2) Sao chép hình ống cống màu xanh (trong trò chơi Super Mario của Nintendo); và 3) Trong game có sử dụng một số đoạn nhạc và font chữ thuộc sở hữu của người khác.

Thứ nhất, phải khẳng định game và các phần mềm được gọi chung là chương trình máy tính và được bảo hộ như một tác phẩm văn học-nghệ thuật, tức là các chương trình máy tính sẽ được bảo hộ theo luật về quyền tác giả (Luật Bản quyền) và quyền này phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới một hình thức vật chất nhất định không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (điều này khác biệt cơ bản với các quyền sở hữu công nghiệp mà phần lớn các quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở cấp văn bằng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua thủ tục đăng ký).

Thứ hai, Luật Bản quyền hướng tới việc bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm không phải ý tưởng được thể hiện trong tác phẩm đó. Ý tưởng được thể hiện trong một tác phẩm không nhất thiết phải mới hoàn toàn. Một cách dễ hiểu hơn, có thể thấy trên thực tế tồn tại rất nhiều các phần mềm máy tính có cùng chức năng, công dụng do các cá nhân/đơn vị nghiên cứu độc lập với nhau và không bên nào sao chép hoặc xâm phạm quyền của bên nào.

Thứ ba, các tác phẩm được hưởng sự bảo hộ bản quyền là tất cả các sáng tạo trí tuệ có tính nguyên gốc. Cụ thể là, tác phẩm của một tác giả phải có nguồn gốc từ bản thân tác giả. Như đã được đề cập bên trên, tác phẩm không nhất thiết phải đáp ứng tính sáng tạo và tính mới, nhưng nó buộc phải bắt nguồn từ sự lao động của tác giả, không phải sao chép từ một nơi nào khác.

Quay trở lại câu chuyện Flappy Bird đang gây bão truyền thông, có ba cáo buộc mà bạn Hà Đông đang phải đối mặt:

1. Đạo ý tưởng của trò chơi Piou Piou vs. Catus

Kek, tác giả người Pháp của trò chơi Piou Piou vs. Catus cho rằng Flappy Bird là game nhái bởi nó "giống đến mức kỳ” lạ với Piou Piou vs. Catus ở cách chơi (gõ gõ vào màn hình) tạo hình chú chim màu vàng mỏ màu đỏ cùng khung cảnh xung quanh. Theo tôi, cáo buộc này thiếu cơ sở bởi: thứ nhất, ý tưởng không được bảo hộ quyền tác giả; và thứ hai, hình thức thể hiện của một chương trình máy tính là mã nguồn hoặc mã máy (mã đối tượng) chứ không phải là kết quả do việc thực hiện câu lệnh tạo ra.

Kek tuyên bố sẽ không kiện Hà Đông, bởi nếu muốn kiện Hà Đông xâm phạm bản quyền, chủ sở hữu của Piou Piou vs. Catus phải chứng minh được mã nguồn và/hoặc mã máy của game Flappy Bird là được sao chép từ game Piou Piou vs. Catus chứ không phải chứng minh rằng hai games này có cùng ý tưởng và cùng có một cách chơi là gõ gõ vào màn hình (tôi không biết hiện nay có  game nào chơi trên nền tảng iOS và Android mà chơi bằng cách không phải gõ gõ vào màn hình không).

2. Sao chép hình ống cống màu xanh trong game Super Mario của Nintendo

Tương tự như trường hợp trên, để khẳng định Hà Đông xâm phạm bản quyền của Nintendo thì Nintendo cũng phải chứng minh code mà Hà Đông sử dụng để lập trình nên hình ảnh ống cống xanh trong game Flappy Bird là sao chép đoạn code mà Nintendo sử dụng để lập trình nên hình ảnh ống cống xanh trong game Super Mario.

Một điểm cũng cần lưu ý là trò chơi Super Mario đã được phát triển trên 20 năm và có thể (tôi không dám chắc vì không am hiểu về công nghệ, smartphone và game) chưa được phát triển để chơi trên nền tảng iOS và Android nên việc chứng minh sự khác biệt về ngôn ngữ lập trình và code giữa Flappy Bird và Super Mario có vẻ sẽ dễ dàng hơn so với giữa Flappy Bird và Piou Piou vs. Catus. Tất nhiên, nếu có sự khác biệt thì không thể đưa ra cáo buộc Hà Đông xâm phạm quyền của Nintendo được.

3. Trong game Flappy Bird có sử dụng một số đoạn nhạc và font chữ thuộc quyền của người khác

Tôi chưa từng biết đến Flappy Bird trước khi nó trở thành cơn bão truyền thông, và cho tới hiện tại tôi cũng chưa từng chơi game Flappy Bird, bởi vậy tôi hoàn toàn không biết các đoạn nhạc, font chữ và hình ảnh trong game mà Hà Đông sử dụng nên những vấn đề đưa ra ở đây chỉ là giả thiết. Nếu trong game Flappy Bird có sử dụng những đoạn nhạc, font chữ và các hình ảnh (với điều kiện là đó là một tác phẩm mỹ thuật hoặc tác phẩm khác đang được bảo hộ) thuộc quyền của người khác mà Hà Đông chưa được sự cho phép của chủ sở hữu thì Hà Đông đang xâm phạm đến quyền của họ.

Ngược lại, nếu đó là những nội dung do Hà Đông sáng tạo nên (tôi nghiêng về giả thiết này nhiều hơn do kết quả mà tôi tìm kiếm được chưa có thông tin và bằng chứng chỉ ra người sở hữu đoạn nhạc, font chữ, hình ảnh mà Hà Đông sử dụng trong game Flappy Bird, trừ hình ảnh ống cống xanh như đã phân tích ở trên) thì cáo buộc này là một cáo buộc thiếu căn cứ.

Chứng minh sao chép hay không sao chép để kết luận có hành vi xâm phạm quyền tác giả hay không là một vấn đề cực kỳ phức tạp gây lúng túng cho tất cả các bên liên quan kể cả cơ quan quản lý. Đặc biệt trong vụ Flappy Bird do các thông tin liên quan đến chương trình game không được tác giả chia sẻ nên phân tích các yếu tố pháp lý rất khó khăn. Tôi cũng không đưa ra kết luận mà chỉ đưa ra giả định và phân tích theo giả định để mỗi người có thể tự đưa ra kết luận, nhất là những người đã và đang chơi game Flappy Bird am hiểu hơn tôi. Tôi cũng rất mong được sự góp ý, định hướng của các chuyên gia để việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về sở hữu trí tuệ được hiệu quả hơn.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả căn cứ theo các thông tin tổng hợp được trên mạng internet. Các quan điểm pháp lý được phân tích theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở lý luận về bản quyền được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới thừa nhận và chưa đề cập đến sự khác biệt của các quốc gia trong việc quy định về việc bảo hộ quyền tác giả).