"Vùng" trũng trái phiếu
Chiếm lĩnh thị trường công cụ nợ, trái phiếu Chính phủ (TPCP) 2 tháng đầu năm 2013 tiếp tục chứng tỏ sự đắt hàng.
Đây được dự đoán vẫn là kênh đầu tư của các tổ chức, định chế tài chính lớn và các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2013, với nhiều điều kiện đang mở ra cho cả các nhà đầu tư như DN, cá nhân nhỏ lẻ...
Theo quy luật kinh doanh thông thường thì khi một thị trường gia tăng quá nhiều lượng hàng hóa, giá thành sản phẩm sẽ có nguy cơ điều chỉnh và các nhà đầu tư trên thị trường sẽ e ngại vấn đề “bội thực”. Với TPCP, cung tăng, ngược lại được cho là tín hiệu vui của thị trường, hứa hẹn một sự sôi động thanh khoản hơn nữa trong thời gian tới.
Vì sao ?
Trước hết, lực cầu TPCP dự kiến tăng theo kế hoạch phát hành TPCP mà Kho bạc nhà nước (KBNN) vừa công bố, đang “tưới nước” cho những cơn khát đầu tư của các túi tiền chưa tìm được chỗ trũng mới để chảy. Đồng thời, xoa dịu nỗi lo về khả năng TPCP năm nay sẽ bị hạn chế lượng phát hành.
Theo kế hoạch của KBNN thì tổng lượng TPCP dự kiến phát hành năm 2013 sẽ hơn tổng lượng TPCP đã phát hành được của năm trước, cụ thể là 150.000 tỉ đồng, bao gồm: bù đắp bội chi ngân sách 90.000 tỉ đồng, đầu tư các dự án, công trình giao thông thủy lợi… 60.000 tỉ đồng. KBNN cũng thí điểm phát hành trái phiếu kỳ hạn 15 năm để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các Cty bảo hiểm và quỹ đầu tư có vốn dài hạn... để đáp ứng mực tiêu tăng tỉ trọng TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, Cty quản lý quỹ nắm giữ từ 12% (2011) lên mức 20%, tăng cơ hội lựa chọn cho các đơn vị đã và đang đầu tư trên thị trường TP.
Trên thực tế thì nỗi lo lượng cung TPCP bị hạn chế trong năm 2013, cũng không quá lớn. Trong một cuộc trao đổi ngắn với phóng viên về vốn cho Cty mua bán nợ quốc gia tương lai, TS.Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Thành viên chính sách tiền tệ quốc gia – nói rằng: “Không nên lo về sự hạn chế lượng cung TPCP năm 2013. Năm 2012, “chỉ tiêu” phát hành TPCP mà Quốc hội đưa ra rất thấp. Và thực tế đã phát hành bao nhiêu? (Câu trả lời là 141.340 tỉ đồng so với 60.000 tỉ đồng “hạn mức” chưa bao gồm phần bù đắp bội chi ngân sách của 2011). Do đó, năm nay, nếu tính bội chi ngân sách 4,8% tương đương khoảng 90.000 tỉ đồng mà Chính phủ cần phải bù đắp, thì “hạn mức” TPCP sẽ phát hành liệu có dừng lại ở con số nhỏ?”.
Cầu khó giảm
Có lẽ NHTM, những tổ chức kinh doanh lớn nhất trên thị trường trái phiếu, cũng dự báo được điều này. Họ không có lý do để lo ngại “thiếu hàng”. Bản thân họ cũng đã không dại gì “khoanh tay đứng nhìn” cuộc chơi TPCP đang ở hồi hấp dẫn: Các NHTM và cả các tổ chức khác đang có một lượng lớn TPCP sắp đến kỳ đáo hạn.
Theo phân tích của CTCP Quản lý Quỹ VinaWealth, quỹ mở đầu tiên được cấp giấy chứng nhận và chào bán chứng chỉ quỹ để đầu tư trái phiếu trên thị trường, việc hạn chế tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 đã tạo ra một nhu cầu đầu tư trái phiếu và các loại hình đầu tư thay thế các NHTM. Theo đó có khoảng 2,8 tỉ USD TPCP và các trái phiếu được Chính phủ bảo đảm cho các dự án đã đáo hạn vào năm 2012 – một nguồn vốn dôi dư tiếp tục được các nhà đầu tư trái phiếu tái đầu tư vào danh mục mà họ đang nắm giữ. Nhu cầu “gối đầu” này đủ đảm bảo một tương quan: Cung tăng, cầu cũng tăng và thanh khoản của thị trường TP sẽ không gặp tình trạng như ở các thị trường tài sản.
Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, các kịch bản vĩ mô năm 2013 đều ít cơ sở cho thấy hệ thống NHTM sẽ “thả” được “phanh” tín dụng nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% mà NHNN đã đề ra. Do năng lực hấp thụ tín dụng của nền kinh tế vẫn đang còn ở mức rất thấp. Các NHTM vì vậy vẫn tiếp tục chọn TPCP như một kênh đầu tư thu lợi tốt, trong khi lợi suất trái phiếu vẫn đang chênh lệch 1-3% so với lãi suất cơ bản tùy kỳ hạn và cơ hội tăng lợi nhuận khi bán lại trái phiếu giá cao cũng cho phép các nhà đầu tư này kỳ vọng một lợi nhuận kép.
Tuy nhiên, khả năng các NHTM sẽ giảm lượng giao dịch trong quý II và quý III khi tập trung cho việc tăng trưởng tín dụng và xử lý nợ xấu. Hiểu theo một cách khác, nếu tăng trưởng tín dụng và tiến trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn “ậm ạch” như năm 2012, rất có thể các NHTM sẽ tiếp tục đầu tư sâu hơn nữa, nhiều hơn nữa vào thị trường trái phiếu. Và điều đó, sẽ tạo sóng lan tỏa cuốn hút các tổ chức khác nhập cuộc.
Và những nhân tố khác
Khác với các năm trước đây, dù các NHTM vẫn đang làm chủ cuộc chơi TPCP thì những tháng đầu năm 2013, lượng giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp đã tăng mạnh.
Cụ thể, nhà đầu tư ngoài đã tham gia giao dịch và chiếm trung bình 26% tổng khối lượng và giá trị giao dịch toàn thị trường thứ cấp trong hai tháng đầu năm. Bên cạnh các kỳ hạn ngắn 1-3 năm, kỳ hạn 5 năm cũng thu hút sự quan tâm nhiều hơn của khối ngoại với giá trị mua ròng tháng 1 đạt mức cao 2.103 nghìn tỉ đồng, cao nhất trong vòng 3 năm, kể từ tháng 9/2011. Có thể nói với dự báo tích cực về triển vọng kinh tế năm 2013 và hướng đi đúng đắn của các chính sách lãi suất, kiềm chế lạm phát, tỉ giá, khối ngoại đã đẩy mạnh mua vào trái phiếu nội tệ, đạt 86 triệu trái phiếu trong tháng 1, lượng mua vào cao nhất kể từ năm 2007. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu ở mức thấp hơn lãi suất ngân hàng và có xu hướng ngày càng giảm, dao động trong khoảng 8,3-9,5% cũng tạo sự hấp dẫn với khối ngoại.
Tuy mô hình hoạt động của quỹ mở mới bắt đầu thi triển ở VN, nhưng với các hoạt động chào bán chứng chỉ quỹ ban đầu được nhà đầu tư đón đợi thông qua mua chứng chỉ quỹ, khả năng các quỹ này tăng vốn, nhân thêm nhiều nhà đầu tư, cổ đông mới rất có thể xảy ra.