Xã hội hóa Chương trình bình ổn thị trường

Theo Đại Biểu Nhân dân

Năm 2012, trong điều kiện kinh tế khó khăn, Chương trình bình ổn thị trường đã được triển khai với quy mô sâu rộng hơn. Đây thực sự là một công cụ để các địa phương chủ động điều tiết cung cầu, hạn chế hành vi găm hàng, tăng giá tùy tiện, góp phần giảm áp lực tăng giá trong các dịp cao điểm; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa.

Xã hội hóa Chương trình bình ổn thị trường
Ảnh minh họa. Nguồn: hues.vn
Năm 2012 có 45/63 địa phương triển khai chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường giá cả, với sự tham gia của khoảng 300 doanh nghiệp. Trên cả nước có 8.500 điểm bán hàng bình ổn giá, 50% trong số đó tập trung tại khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Chương trình đã góp phần tăng cung trong những dịp tiêu dùng cao điểm, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa cho người dân với giá bán hợp lý, chất lượng đảm bảo. Phần lớn các mặt hàng tham gia chương trình là lương thực, thực phẩm thiết yếu. Một số địa phương đã mở rộng bình ổn đối với các mặt hàng khác như giấy vở học sinh, dược phẩm, sữa. Nhờ lượng hàng cung ứng khá dồi dào, Chương trình đã hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá tùy tiện ở một số loại hình phân phối khác như chợ truyền thống, cửa hàng tạp phẩm... Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng, Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường không chỉ giúp điều tiết, kiềm chế tốc độ tăng giá những mặt hàng thiết yếu, mà còn giúp định hướng giá cả thị trường. Mục tiêu của chương trình dự trữ hàng hóa không phải dùng doanh thu để áp đảo thị trường mà hướng tới việc điều tiết giá.

Qua 10 năm thực hiện, Chương trình bình ổn thị trường của TP. Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả thiết thực. 9 nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản với giá bán thấp hơn thị trường từ 5-10% đã có tác dụng định hướng thị trường trong những lúc giá cả biến động mạnh, lạm phát tăng nhanh. Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX Saigon Coop Bùi Hạnh Thu cho biết, người dân TP. Hồ Chí Minh rất tin tưởng vào Chương trình bình ổn, các điểm bán hàng bình ổn. Trong hệ thống của Saigon Coop, nếu do sức mua yếu, các mặt hàng khác chỉ tăng từ 5-15% thì hàng bình ổn tăng tới 40%. Đặc biệt khi sốt giá, ví dụ thời điểm sốt giá trứng gia cầm đầu năm nay, doanh thu mặt hàng tươi sống của hệ thống Saigon Coop tăng gấp đôi…

Do đạt được những kết quả tích cực, nên mức độ xã hội hóa của Chương trình ngày càng mạnh mẽ. Nếu như trước đây 100% doanh nghiệp tham gia nhận vốn vay hỗ trợ với lãi suất từ 0 - 3%/tháng thì đến nay ngày càng nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia mà không cần tới sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước. Năm 2012 có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 60 doanh nghiệp không nhận vốn hỗ trợ. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Võ Văn Quyền cho rằng, từ chỗ chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, tới nay nhiều địa phương đã hướng tới việc bình ổn giá từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, vận chuyển, để giúp doanh nghiệp dự trữ một số mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho các giai đoạn kinh doanh khó khăn, góp phần mua hàng dự trữ lúc giá thấp để bán ra khi thị trường cần, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định CPI...

Để triển khai chương trình bình ổn năm 2013, TP. Hồ Chí Minh đã kêu gọi sự vào cuộc của 5 ngân hàng thương mại, cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ nguồn vốn dự trữ hàng hóa để cung cấp cho thị trường. Các địa phương khác cũng căn cứ vào nhu cầu thực tiễn trên thị trường để lựa chọn các chủng loại mặt hàng bình ổn, số lượng dự trữ…

Bên cạnh những mặt tích cực, đến nay, Chương trình vẫn còn một số hạn chế do hàng hóa được thực hiện bình ổn mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường, mặt hàng còn hạn hẹp, số điểm bán hàng tuy được mở rộng nhưng phân bố chưa đồng đều, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, công tác thông tin tuyên truyền hạn chế… Do đó, năm 2013 việc duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường, giá cả là cần thiết. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Để tạo ra sức lan tỏa, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa chương trình, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia.