Xác định rõ vai trò của vàng để ứng xử cho đúng

Chí Kiên

Người dân sẽ “chai sạn” về tâm lý mỗi khi giá vàng tăng hay giảm bởi đa số không có nhu cầu thực về vàng vật chất, mà chỉ có một bộ phận là đầu cơ.

Xác định rõ vai trò của vàng để ứng xử cho đúng

Giá vàng trong nước đã lùi khỏi 48 triệu đồng/lượng sau mấy ngày tăng mạnh. Song dường như phản ứng của người dân trước diễn biến của giá vàng đã khác trước. Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, PGS - TS Phan Duy Minh – Trưởng khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng:

Nền kinh tế thị trường trong bối cảnh ngày càng có nhiều biến động đã khiến người dân quen dần với diễn biến từng ngày của giá cả, nhất là giá vàng. Tuy nhiên, so với vài năm trước, sự tăng giảm của giá vàng không còn tác động nhiều tới nền kinh tế Việt Nam. Về phía người dân, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng, số người quan tâm tới mua bán vàng ít hơn trước.

Nhưng thực tế giá vàng vẫn tác động nhiều đến tâm lý người dân, thưa ông?

Đúng là việc giá vàng tăng hay giảm vẫn có tác động tới tâm lý người dân. Tuy nhiên không mạnh như trước. Và nếu giá vàng cứ tăng, giảm liên tục thì đến thời điểm nào đó tác động của nó sẽ là không đáng kể tới nền kinh tế; và người dân cũng không bận tâm nhiều đến nó nữa.

Hay nói cách khác, người dân sẽ “chai sạn” về tâm lý mỗi khi giá vàng tăng hay giảm. Bởi đa số người dân không có nhu cầu thực về vàng vật chất, mà chỉ có một bộ phận là đầu cơ thôi. Chẳng hạn, những người có dư chút vốn sẽ chịu khó theo dõi thị trường để mua vàng (khi họ nghĩ là giá thấp), đợi giá vàng tăng rồi bán ra kiếm lời. Nhưng nếu chúng ta ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đồng bản tệ ổn định, người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng chứ không quan tâm nhiều tới vàng.

Vậy ông lý giải thế nào về việc giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới rất nhiều?

Chừng nào vàng vẫn được coi là ngoại hối và thị trường ngoại hối của một nước trở thành một bộ phận của thị trường quốc tế thì giá vàng trong nước sẽ cùng nhịp với giá thế giới. Ví dụ như thị trường vàng Hồng Kông so với New York chênh lệch không đáng kể. Điều đó cho thấy thị trường vàng của họ thông suốt với thị trường thế giới. Chúng ta cứ nói Việt Nam đã hội nhập, nhưng vẫn là “ốc đảo” trong vấn đề này. Dòng chảy ra - vào của vàng vẫn rất khó khăn, nên mới dẫn tới chênh lệch về giá nhiều như thế.

Trong bối cảnh hiện nay có ý kiến đề xuất nên thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia?

Nhiều nước trên thế giới khi coi vàng như tiền thì bản thân các NHTM cũng có trung tâm giao dịch ngoại hối, như giao dịch tiền, và từ đó hình thành nên nghiệp vụ môi giới, nghiệp vụ xuất, nhập khẩu vàng. Ví dụ, khách hàng đến ngân hàng và cần 100 lượng vàng trong vòng 2 ngày thì các trung tâm này sẽ thu xếp. Nếu ngân hàng không đáp ứng thì phải nhờ sự hỗ trợ của môi giới, thậm chí nhập khẩu vàng. Nhìn vào thực tế này của thế giới, chúng ta không nên luẩn quẩn trong việc dẹp sàn giao dịch vàng rồi lại thành lập sở giao dịch vàng.

Không có cơ sở vững chắc để chúng ta biết chính xác số vàng “chết” trong dân, nhưng ước lượng số này là rất lớn. Quan điểm của ông về việc khai thác “mỏ vàng” này?

Ước lượng số vàng người dân đang nắm giữ khoảng 400 tấn. Chúng ta muốn huy động vàng trong dân, nhưng lại chưa biết được số vàng đó là vàng trang sức hay vàng miếng. Theo tôi, giả sử 400 tấn vàng tồn tại dưới dạng đồ trang sức của người dân, hay được trữ dưới dạng phòng thân thì không nên “bắt” họ bỏ ra theo cách là “huy động”. Vì như ở Ấn Độ, phụ nữ nước này sử dụng vàng trang sức nhiều, nhưng không phải làm trang sức hàng ngày mà chỉ vào mùa lễ hội họ mới dùng. Có nghĩa là ngày bình thường họ cất giữ. Trong trường hợp cần thiết thì họ bán đi để chuyển thành tiền, nên khó có thể kêu gọi người ta mang đi gửi vào đâu được.

Xin cảm ơn ông!