“Xanh hóa” dòng vốn FDI
(Tài chính) Năm 2014, mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) mà Đồng Nai đặt ra có khác so với trước đây. Ưu tiên của tỉnh hiện nay là các dự án công nghệ cao, ngành công nghiệp phụ trợ, sử dụng ít lao động. Kế hoạch thu hút vốn FDI của năm nay chỉ từ 700 – 900 triệu USD, thấp hơn mức 1,6 tỷ USD đạt được của năm 2013.
Ngay đầu năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Đây là nỗ lực để dòng vốn này “chảy” đúng hướng.
Chọn lọc dự án
Chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh hiện nay không còn đặt mục tiêu thu hút ồ ạt nguồn vốn, thay vào đó là chọn lọc, như: ưu tiên cho các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, ngành công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, hạ tầng. Bởi các dự án này không sử dụng quá nhiều lao động, đặc biệt là việc bảo vệ môi trường. Sở dĩ có sự thay đổi đó cũng từ mục tiêu của tỉnh đã đặt ra là phải “xanh hóa” sản xuất. Chính vì vậy, ngành công nghiệp phải thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ, ít tiêu hao năng lượng, không sử dụng nhiều lao động và thân thiện với môi trường.
Ở các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Đồng Nai cũng khuyến khích những dự án nông nghiệp xanh để phát triển ngành nông nghiệp sạch, bền vững, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt, an toàn).
Ngay trong tháng 1/2014, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã cấp giấy phép cho 8 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 71 triệu USD. Số dự án thu hút tương đương với cùng kỳ năm 2013, nhưng tổng vốn thấp hơn (tháng 1/2013 thu hút 124 triệu USD). Trong 8 dự án này có 2 dự án của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, 3 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, 1 của Úc và Hàn Quốc, 1 của Tây Ban Nha và 1 đến từ Singapore.
Dòng đầu tư đang đúng hướng
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết trong 8 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng đầu năm nay, có 4 dự án thuộc ngành công nghiệp phụ trợ. Cụ thể: Công ty TNHH Kuk IL Việt Nam (vốn Hàn Quốc) đầu tư tại KCN Nhơn Trạch 2 sản xuất sợi cho ngành may mặc; Công ty TNHH Fuji Việt Nam (Nhật Bản) đầu tư tại KCN Long Đức sản xuất hóa chất dùng cho ngành xây dựng và công nghiệp (thủy tinh lỏng, chất chống thấm cho bê tông…); Công ty cổ phần Q.M.T – JP Plastic (Nhật Bản) ở KCN Hố Nai sản xuất nguyên liệu nhựa và các sản phẩm, linh kiện từ nhựa phục vụ dân dụng, hay Công ty cổ phần Inoue Việt Nam (Nhật Bản) tại KCN Nhơn Trạch 3 chuyên sản xuất lắp ráp các chi tiết máy và các thiết bị cơ khí liên quan đến các ngành sản xuất thực phẩm, hóa chất, y dược, ô tô và may mặc.
“Các DN hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ thường có vốn nhỏ, ví dụ như Công ty cổ phần Q.M.T – JP Plastic chỉ có vốn đầu tư hơn 567 ngàn USD nên khả năng triển khai dự án nhanh. Đây là điểm khác với những dự án đăng ký vốn khổng lồ, sau đó triển khai không được hết thời hạn lại rút giấy phép, như vậy cũng không có ý nghĩa gì” – ông Nhơn nói. Cũng theo ông Nhơn, hiện nay một số KCN, như: Long Đức, Sonadezi Long Thành đã đầu tư nhà xưởng cho thuê khá phù hợp với các DN nhỏ, nhà đầu tư chỉ việc đưa máy móc đến là sản xuất được ngay.
Để khuyến khích các DN FDI nhỏ và vừa vào đầu tư, đầu năm 2014, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án xây dựng cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư đối với DN nhỏ và vừa có vốn FDI trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của tỉnh thì đây là đối tượng thường không có điều kiện tiếp cận tốt với chính quyền địa phương do bất đồng ngôn ngữ và quy mô đầu tư nhỏ, cần có sự hỗ trợ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Ông Nhơn cho rằng, việc hỗ trợ này được thực hiện bằng chính nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ kịp thời cho DN, đây là điều rất có ý nghĩa. Trong khi đó, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị với Chính phủ có cơ chế để thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp phụ trợ.