Xây dựng lực lượng Hải quan đáp ứng tình hình mới
Trong tiến trình cải cách, hiện đại hoá, ngành Hải quan đã và đang bước vào giai đoạn triển khai sâu và quyết liệt các chương trình để thay đổi căn bản phương thức hoạt động, phấn đấu theo kịp sự phát triển của Hải quan các nước tiên tiến trong khu vực.
Để làm được điều này, một yêu cầu cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực đội ngũ CBCC, viên chức Hải quan ngày càng chuyên nghiệp.
Nâng cao chất lượng đội ngũ
Chất lượng tuyển dụng đầu vào trong những năm gần đây của ngành Hải quan ngày càng tăng, đội ngũ CBCC hải quan ngày càng được trẻ hoá. Đây là những điều kiện cơ bản để CBCC Hải quan tiếp cận nhanh nhạy với xu thế phát triển chung của thế giới.
Đặc biệt, với yêu cầu hiện đại hoá, việc cập nhật kiến thức tin học, nhất là tin học phục vụ công tác quản lý hải quan được thực hiện thường xuyên. Cùng với đó là trình độ ngoại ngữ của CBCC ngày càng tăng, dần đáp ứng được nhu cầu hội nhập và tham gia nhiều công ước, điều ước quốc tế của Hải quan Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo về nghiệp vụ Hải quan cũng đã được chú trọng. Từ năm 2006 đến 2010 đã tổ chức đào tạo cho 28.446 người theo các nội dung khác nhau như nghiệp vụ thông quan, kiểm tra sau thông quan và kiểm soát chống buôn lậu… Trong 5 năm qua, số lượng công chức tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ chiếm 2/3 tổng số CBCC toàn ngành nên đã đáp ứng với yêu cầu công việc. Đào tạo kiến thức nghiệp vụ đã giúp cho việc nâng cao trình độ CBCC đáp ứng với yêu cầu cải cách hiện đại hoá hải quan và cải cách thủ tục hành chính.
Với sự tích cực và chủ động trong công tác đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ, đội ngũ CBCC hải quan đã được đào tạo cơ bản. Công chức khi vào Ngành được đào tạo nghiệp vụ hải quan tổng hợp, sau đó, khi công tác ở lĩnh vực nào thì hàng năm được đào tạo chuyên đề, chuyên sâu về lĩnh vực đó. Trong từng lĩnh vực nghiệp vụ đã từng bước hình thành được bộ phận công chức có trình độ chuyên sâu. Hầu hết CBCC đều được tiếp cận với hình thức quản lý hải quan hiện đại, được trang bị những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới cả về hình thức và nội dung đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hiệu quả cụ thể
Cho đến nay, kết quả mà ngành Hải quan đạt được trong công tác CCHĐH cho thấy, lực lượng CBCC ngành Hải quan đã từng bước bắt kịp với yêu cầu. Đội ngũ CBCC ngành Hải quan đã được nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hoà nhập vào môi trường công tác mới chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.Với đội ngũ CBCC đó, ngành Hải quan đã đạt được nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Phương thức quản lý về cơ bản được áp dụng theo phương thức hiện đại, thủ tục hành chính đơn giản, thời gian thông quan nhanh chóng. Đặc biệt là thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai thí điểm trên 20 cục hải quan trong cả nước.
Công tác thu thuế được thực hiện có hiệu quả thông qua việc khai thác và quản lý nguồn thu tốt. Kết quả này được thể hiện bằng số thu NSNN năm 2011, lần đầu tiên ngành Hải quan vượt qua mốc 200 nghìn tỷ đồng- đạt 213 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2012, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành Hải quan đang nỗ lực vượt bậc để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Công tác phòng, chống các loại tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, hàng cấm qua biên giới cũng đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc bảo đảm an ninh, an toàn quốc gia.
Đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa
Mục tiêu của ngành Hải quan đặt ra trong Đề án xây dựng đội ngũ CBCC ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015 là xây dựng được đội ngũ CBCC Hải quan phải vừa đáp ứng tiêu chuẩn chức danh công chức nhà nước quy định, vừa đáp ứng yêu cầu của cải cách hệ thống hải quan theo hướng hiện đại hoá.
Trong đó, 100% cán bộ lãnh đạo các cấp và cán bộ trong quy hoạch, công chức hoạch định chính sách được đào tạo các chương trình cao cấp lý luận chính trị theo yêu cầu tiêu chuẩn hoá; nắm vững các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý điều hành hoạt động của ngành Hải quan để thực hiện thành công chiến lược cải cách, phát triển, hiện đại hoá Hải quan trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá.
Cùng với đó là trình độ ngoại ngữ, tin học của CBCC phải đạt tỉ lệ 95% đến năm 2015, 100% CBCC công tác ở lĩnh vực nghiệp vụ nào đều được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ tại vị trí công tác đó. Trong mỗi lĩnh vực nghiệp vụ chuyên sâu của ngành (như: H/S, Trị giá, quản lý rủi ro, C/O, kiểm tra sau thông quan) xây dựng và đào tạo được từ 5-7 người là chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Để đạt được kết quả đó, ngành Hải quan đã xây dựng một kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể trong từng năm, phù hợp với từng đối tượng phục vụ cho công cuộc CCHĐH hải quan gồm: Công chức lãnh đạo; công chức hoạch định chính sách; công chức thực thi chính sách như công chức kiểm hoá, tính thuế, điều tra chống buôn lậu…
Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và hiện đại hoá ngành Hải quan, việc bồi dưỡng trình độ tin học, ngoại ngữ cho CBCC trước mắt được tập trung vào các công chức thực thi chính sách trực tiếp làm nghiệp vụ kiểm tra hàng hoá, tính thuế và kiểm tra sau thông quan, công chức là chuyên gia trong các lĩnh vực và lãnh đạo các cấp.
Ngành Hải quan sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nhằm nghiên cứu áp dụng các chuẩn mực quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng; thu hút các nguồn tài trợ cho đào tạo, bồi dưỡng CBCC; đa dạng hoá các hình thức hợp tác trong lĩnh vực đào tạo…
Với những hoạt động đào tạo cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC ngành Hải quan sẽ là nền tảng để xây dựng một hình ảnh Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hoà đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng CNTT, xử lý dữ liệu tập trung, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực đúng với mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.