Xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam: "Chiếc áo" pháp lý và xu hướng phát triển

Ths. Ngô Tuấn Anh, Hà Nội

TCTC Online - Cùng với sự phát triển của các TĐKTNN, những năm qua, trong cộng đồng 500.000 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã nổi lên một số DN tư nhân có tiềm lực mạnh, doanh thu, lợi nhuận lớn. Đặc biệt, các DN này đã và đang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế, dù chưa được thừa nhận về mặt pháp lý. Xét trên bình diện quy mô tổ chức, vốn sở hữu, thương hiệu, lao động và tầm ảnh hưởng trong toàn thể xã hội, các DN này hoàn toàn đủ điều kiện để đại diện cho mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân (TĐKTTN) - một lực lượng then chốt không thể thiếu của kinh tế Việt Nam.

Những vấn đề của thực tiễn

Trải qua hơn hai mươi năm đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Sự lớn mạnh không ngừng của các thành phần kinh tế, trong đó có lực lượng đông đảo là các DN tư nhân - lực lượng đóng góp trên 40% tổng GDP đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là khá nhiều DN tư nhân lớn mạnh không ngừng. Sự phát triển nhanh chóng của khu vực kinh tế tư nhân cả về quy mô và chất lượng đã khiến không ít DN tích tụ được một lượng vốn, tài sản lớn, hoạt động, quản lý theo phương thức tiên tiến, đồng thời xây dựng mô hình phát triển có mối liên hệ với nhau về vốn, kỹ thuật và quản trị, kinh doanh trên nhiều ngành nghề và không giới hạn phạm vi. Thực tế, đã xuất hiện những tên tuổi lớn trong cộng đồng DN tư nhân Việt Nam khẳng định được tầm vóc ở phạm vi toàn quốc và khu vực như: Kinh Đô, Hòa Phát, Đồng Tâm, Hoàng Anh Gia Lai, Sacombank…

Đây có thể xem là sự phôi thai của việc hình thành những mô hình TĐKTTN tại Việt Nam. Sự phát triển của các tập đoàn này là tất yếu của quá trình hợp tác phát triển các loại hình DN trên cơ sở nhu cầu phát triển thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc hình thành các TĐKTTN cho phép phát huy lợi thế kinh tế có quy mô lớn, khai thác triệt để thương hiệu, hệ thống dịch vụ đầu vào, đầu ra và nhiều loại hình dịch vụ. Đây được xem là là quá trình tất yếu trong cơ chế thị trường và khi nhu cầu về chuyên môn hóa, tích tụ vốn, năng lực quản lý và cạnh tranh quốc tế lớn đến một mức độ nhất định, mô hình tập đoàn kinh tế sẽ là lựa chọn tất yếu của những công ty lớn nhằm mục tiêu cao nhất là hoạt động ngày càng hiệu quả hơn...

    Tên DN

Tài sản tại 31/12/ 2009

Doanh thu năm 2009

Vốn chủ sở hữu năm 2009

Lợi nhuận ròng năm 2009

Tập đoàn Tài chính Sacombank

     104.019

     9.246

    10.776

    1.670

Hoàng Anh Gia Lai

    12.196

     4.365

    4.711.5

   1.188,8

Tập đoàn FPT

     10.395

    18.404

    3.002

   1.063

Tập đoàn Hòa Phát

     10.232

    8.123

    4.998

   1.271

Đô thị Kinh Bắc

     9.095

    1.407

    3.295

   614

Bánh kẹo Kinh Đô

    4.247

   2.172

    2.418

   491

Tuy nhiên, trên thực tế do không có khuôn khổ pháp lý cũng như thiếu một chuẩn mực nhất định nên thời gian vừa qua, trong khi nhiều DN tư nhân đã xứng đáng được công nhận là Tập đoàn kinh tế dù vẫn phải núp dưới những tên gọi rất khập khiễng như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn FPT... thì cụm từ tập đoàn cũng được không ít DN tư nhân lạm dụng. Rất nhiều DN tư nhân vốn điều lệ chỉ vài chục tỷ đồng, có một vài thành viên trực thuộc, quy mô tài sản còn ở dạng DN nhỏ, doanh thu và lợi nhuận thấp đã trưng biển tập đoàn.

Chưa bao giờ, cái tên tập đoàn lại được sử dụng nhiều đến thế như một chiêu "đánh bóng", PR của các DN. Tình trạng "loạn" tập đoàn đang có cơ đánh đồng giá trị mà những DN tư nhân lớn phải dày công xây dựng nhiều năm với những DN nhỏ và vừa chưa có tiếng tăm, vị thế, tạo nên sự không công bằng và thiếu lành mạnh trong môi trường kinh doanh hiện nay. Đây là một kẽ hở pháp lý rất cần được nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc.

"Bài toán" pháp lý và mô hình phát triển

Tập đoàn kinh tế là một khái niệm mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2004 khi Chính phủ quyết định chuyển đổi 8 tổng công ty 91 đầu ngành sang mô hình TĐKTNN. Dù cuối năm 2009, đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập thêm 3 TĐKTNN là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam nhưng việc vận hành các TĐKTNN hiện vẫn đang ở giai đoạn thí điểm. Điều này tiếp tục được xác định tại Nghị định 101/2009/NĐ - CP ngày 05/11/2009 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý TĐKTNN, cho thấy mô hình tập đoàn kinh tế còn là một thử nghiệm mới lâu dài.

Luật DN năm 2005 quy định: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn bổ sung: “Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác, tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp DN trở lên dưới hình thức công ty mẹ - công ty con”. Đây chủ yếu là những quy định đối với TĐKTNN và chính vì thế, việc “bỏ quên” TĐKTTN, đã gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, thực tiễn không cho phép chúng ta buông lỏng cơ sở pháp lý đối với TĐKTTN. Phải nhìn nhận, TĐKTTN là một xu thế phát triển tất yếu và là một lực lượng cũng như đối tác quan trọng cùng với các TĐKTNN thực thi nhiệm vụ kinh tế, chính trị mà Chính phủ đề ra. Trong khi các TĐKTNN được sự hậu thuẫn rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành thì các TĐKTTN được hình thành bằng chính sự tăng trưởng quy mô và mở rộng phạm vi hoạt động, do nhu cầu và nội lực của DN và không có bất cứ một quyết định chuyển đổi hay sắp xếp hành chính nào.

Trước thực trạng TĐKTTN Việt Nam đang phát triển tự phát, tự mày mò, tìm hiểu, áp dụng theo kiểu "mạnh ai nấy xưng", bên cạnh khung pháp lý quy định, rất cần những chuẩn mực và tiêu chí nhất định. Hiện mô hình tập đoàn kinh tế trên thế giới khá đa dạng và có điểm khác nhau, tùy vào trình độ, công nghệ và văn hóa của mỗi quốc gia. Ở các nước như Hoa Kỳ, hay một số nước châu Âu, thông thường TĐKTTN được hình thành thông qua quá trình sáp nhập hoặc mở rộng quy mô cũng như cấu trúc.

Các tập đoàn đó thường không có tư cách pháp nhân, chỉ công ty mẹ mới có tư cách pháp nhân. Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con là quan hệ về tài chính, công nghệ, nhân sự… đặc biệt là bí quyết công nghệ, từ đó họ tạo ra sức mạnh tài chính tổng hợp trong chuỗi giá trị mà các thành viên tạo dựng nên.

So với Hoa Kỳ hay các quốc gia châu Âu, mô hình TĐKTTN tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc do phát triển sau nên đã có những cải tiến nhất định để phù hợp với xu thế. Nhằm giúp các tập đoàn phát triển nhanh hơn, tránh được thời kỳ mò mẫm quá độ, Chính phủ các quốc gia này đã tạo nên các khung pháp luật, các thể chế, chính sách thúc đẩy mô hình này phát triển như quy định về vốn tối thiểu, về tài sản, tài chính, về tài sản và trợ giúp của tín dụng ngân hàng. Chính phủ các quốc gia này cũng xác định việc ủng hộ mô hình TĐKTTN sẽ tạo sức bật rất lớn đối với sự phát triển kinh tế đất nước đồng thời khi các tập đoàn có nguy cơ phá sản, buộc Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ. Nếu muốn áp dụng những mô hình đó vào Việt Nam phải đặt trong khung thể chế kinh tế và văn hóa nước ta, cũng như trong định hướng phát triển của Nhà nước.

Một số giải pháp, kiến nghị

Thứ nhất, về phía cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có các quy định cụ thể về tính pháp lý, mô hình, nguyên tắc hình thành Tập đoàn kinh tế, các tiêu chí cần phải đáp ứng về vốn, quy mô, nhân lực... Chính phủ đã có Nghị định 101/2009/NĐ - CP về TĐKTNN, nên chăng cũng cần ban hành một nghị định tương tự về TĐKTTN, trong đó quy định các điều cần và đủ để hình thành một tập đoàn, xây dựng cơ chế thành lập và đăng ký hình thành tập đoàn, quyền lợi và nghĩa vụ mà các TĐKTTN được hưởng so với các DN khác. Trong quá trình nghiên cứu ban hành văn bản pháp lý này, cần tập trung vào 3 vấn đề chính là kinh nghiệm quốc tế, những đặc trưng của kinh tế Việt Nam và vai trò các tác nhân có liên quan (của Nhà nước, DN và của hiệp hội nghề nghiệp). Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu sâu, nhất là về thể chế luật pháp và thực tiễn kinh tế.

Thứ hai, Chính phủ cần định hướng một số lĩnh vực ưu tiên phát triển TĐKTTN như tài chính, ngân hàng, xây dựng, công nghệ cao nhằm khuyến khích đầu tư, tránh phát triển tràn lan dẫn đến chồng chéo và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đây cũng là sự khắc phục những khuynh hướng phát triển lệch lạc của nền kinh tế, hướng đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững theo mục tiêu CNH - HĐH mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra.

Thứ ba, về phía các DN tư nhân lớn, trước mắt dù chưa được thừa nhận một cách chính thống, vẫn phải coi sự khẳng định mình trên thương trường là quan trọng nhất. Các tập đoàn đã khẳng định được vị thế trong nước cần mạnh mẽ vươn ra khu vực và quốc tế, đồng thời chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, coi thương hiệu là yếu tố sống còn, tiến tới xây dựng được những tên tuổi lớn như Honda, Toyota, Sony (Nhật Bản) Samsung, Hyundai (Hàn Quốc) nhằm tăng khả năng cạnh tranh của DN cũng như nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Các DN ngoài quốc doanh có thể liên doanh với các TĐKTNN để rút ngắn đường đi. Cần mạnh dạn cổ phần hóa, phát triển mô hình công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán thế mạnh, nguồn lực. Bản thân các DN phải có chiến lược, tầm nhìn, minh bạch trong quản trị, ngày càng tạo ra hiệu quả kinh tế cũng như quy mô lớn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.

Việc thành lập mô hình TĐKTTN cần phải chú trọng đến những thế mạnh nội tại của chính DN. Đội ngũ các nhà quản trị kinh tế tư nhân phải được đào tạo bài bản, năng động để bắt kịp nhu cầu thị trường. Những DN muốn phát triển thành các TĐKTTN cần phải có thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường, có nhận thức đầy đủ về vai trò của hợp tác kinh tế tư nhân. Và một điều không kém phần quan trọng, đó là các DN đó phải mang khát vọng vươn ra thị trường quốc tế nhằm khẳng định vị thế của các thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tài liệu tham khảo:
- Tạp chí Kinh tế Phát triển năm 2009
- Thời báo Kinh tế Việt Nam năm 2009
- Tài liệu hội thảo về mô hình Tập đoàn kinh tế tư nhân của Hiệp hội DN trẻ Việt Nam.
- Dantri.com.vn
- Báo Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2010.