Xây dựng nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa và ổn định

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Ngày 2/6, Quốc hội dành trọn ngày thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án bảo đảm cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

ĐBQH Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa): Đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa và ổn định
 
Về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhìn lại một chuỗi thời gian từ năm 2011, 2012, 2013 và 5 tháng đầu năm 2014, có thể nhận định là nền tảng vĩ mô đã được củng cố và ngày càng ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Nếu loại trừ các yếu tố thời vụ, tức là các yếu tố do chúng ta chủ động điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ cơ bản, cũng như những yếu tố bên ngoài thì chỉ số CPI trong suốt thời gian qua khá ổn định. Năm 2012 theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích là 5,4%, năm 2013 là 5,1% và 5 tháng đầu năm 2014 tính theo năm là 4,72%. Thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ và thị trường vốn được củng cố và đều có bước phát triển khá tính từ 2011 tới nay.

Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp lý, kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2013 và tiếp tục xu hướng đó trong 5 tháng đầu năm 2014. Có rất nhiều chỉ tiêu và chỉ số để chứng minh cho nhận định này. Ví dụ như chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tính theo tháng có xu hướng tăng từ tháng 8/2013, 5 tháng năm 2014 theo Tổng cục Thống kê tăng 5,6%, so với cùng kỳ tăng 4,9%. Đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo 5 tháng đầu năm tăng 7,5%, trong khi đó cùng kỳ tăng 5,3%. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất sau nhiều quý giảm sút, bắt đầu từ quý III năm 2013 đã liên tục tăng ở mức khá ấn tượng.

Phân tích tình hình tài chính của hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều cho kết quả tương tự với nhận định đó. Doanh thu quý IV năm 2013 của các doanh nghiệp này tăng tới 47% so với cùng kỳ năm 2012 và quý I năm 2014 tiếp tục tăng 15,8%. Cùng với doanh thu tăng, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp này cũng tăng tương đối khá so với các quý trước. Vì vậy thu ngân sách đã đạt ở mức khá, theo số liệu Bộ Tài chính cho biết 5 tháng đầu năm 2014, thu nội địa đã tăng 20,9%, nếu loại trừ thu từ sử dụng đất thì tăng trên 15%, trong khi đó cùng kỳ của 2012 chỉ tăng 1,9% và cùng kỳ 2013 tăng 3,3%.

Về hạn chế, tồn tại, ngoài những hạn chế, tồn tại nêu trong báo cáo, tôi nêu 2 ý. Một là các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hai là động lực tăng trưởng chủ yếu là khu vực FDI và chủ yếu từ xuất khẩu, nếu không điều chỉnh thì về lâu dài khó có thể bảo đảm được mục tiêu phát triển ổn định. Chính vì vậy tôi kiến nghị: thứ nhất, cần đẩy nhanh và hiện thực hóa các chính sách đã ban hành, bổ sung, nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ xúc tiến đầu tư, thương mại và tiếp cận vốn vay ngân hàng. Thứ hai, đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa và ổn định. Về lâu dài cùng với thu hút vốn FDI cần xây dựng một chương trình đồng bộ để phát triển mạnh hơn nữa thị trường nội địa và thúc đẩy nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Cá nhân tôi và Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tán thành và ủng hộ mạnh mẽ tuyệt đối các giải pháp Đảng và Nhà nước đã triển khai trong thời gian vừa qua về vấn đề biển Đông cũng như xử lý các biến cố xảy ra ở một số địa phương. Nhờ có chính nghĩa và có giải pháp được triển khai kịp thời và hợp lý đó chúng ta đã chiếm được cảm tình và ủng hộ mạnh mẽ của các nước tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tiếp tục giữ được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.
 
ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Nguyên nhân một số chỉ tiêu quan trọng nhiều năm phấn đấu nhưng vẫn không đạt được là gì?
 
Để khắc phục những chỉ tiêu không đạt được trong năm 2013 theo Nghị quyết của QH đề ra, tôi đề nghị Chính phủ cần phải phân tích một cách sâu sắc hơn nữa toàn diện để tìm ra nguyên nhân tại sao một số chỉ tiêu quan trọng nhiều năm phấn đấu nhưng vẫn không đạt được như tốc độ tăng trưởng GDP và tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt sấp xỉ kế hoạch; hai chỉ tiêu không đạt đó là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ giảm nghèo; công nghiệp và nông nghiệp có dấu hiệu thụt lùi, doanh nghiệp phá sản nhiều, thu ngân sách giảm, vay ngân sách nhiều. Trên cơ sở đó cần đưa ra những giải pháp kịp thời để khắc phục tình trạng nêu trên.

Về phát triển nông nghiệp, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Việc dãn, hoãn khoanh nợ chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp làm ăn có lãi. Còn đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không có tác dụng mấy. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá chính xác về tình hình phá sản, giải thể dừng hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tình trạng các doanh nghiệp tiếp cận vốn vẫn còn khó khăn. Điều chỉnh lãi suất hợp lý, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, cung cấp thông tin tiếp cận thị trường, miễn giảm hoãn, khoanh nợ thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách cho phù hợp đúng sát với thực tế để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và tạo môi trường để các doanh nghiệp mới hình thành và phát triển.

Về sản xuất nông nghiệp, thực trạng cho thấy ba năm vừa qua mặc dù đã có rất nhiều các chính sách ưu đãi cho nông nghiệp nhưng tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp ngày càng giảm. Năm 2013 chỉ tăng trưởng 2,67%, kinh tế hộ gia đình bộc lộ nhiều nhược điểm, giá đầu vào cao, giá bán nông sản thấp, sức mua của nông dân giảm, sản xuất không có lãi, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ vườn ra thành phố kiếm sống ngày càng nhiều. Đề nghị Chính phủ có những giải pháp đủ mạnh và ưu tiên nguồn lực hơn nữa để phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm hướng tới mục tiêu nông nghiệp phát triển bền vững để kinh tế nông nghiệp thực sự là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước ta.
 
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): Vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vừa phải sớm đổi mới một cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế
 
Tại Kỳ họp thứ Sáu cuối năm 2013, tôi đã nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết phải đột phá cải cách thể chế, trước hết là thể chế kinh tế, bởi triển vọng kinh tế Việt Nam có sáng sủa trở lại hay không phụ thuộc rất lớn vào sự tiến triển của công cuộc cải cách này. Nay Việt Nam đang trong bối cảnh cần tập trung sức lực cho bảo vệ chủ quyền biển đảo, vấn đề thực lực quốc gia, đằng sau đó là thể chế trở thành thách thức to lớn. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng giờ nên tạm ngừng công cuộc cải cách thể chế mới được khởi xướng để tránh những xáo động lớn, tập trung mọi trí lực, sức lực quốc gia cho việc ứng phó, xử lý sự kiện biển Đông. Tôi chia sẻ nhưng hoàn toàn không cho rằng cần phải như vậy mà nên tiến hành song song, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vừa phải sớm đổi mới một cách mạnh mẽ hơn nữa. Một khi nội lực quốc gia yếu kém, những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập và ta luôn vô cùng khó khăn để chống đỡ. Bởi thế yêu cầu cải cách thể chế nhằm phát triển đất nước bền vững, vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc càng trở nên cấp thiết hơn.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Chính phủ về kinh tế, xã hội trình bày tại phiên khai mạc và qua theo dõi thực tế, tôi cho rằng tình hình kinh tế, xã hội nhìn chung có tiến triển nhưng rất chậm chạp và không vững chắc. Sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn trong tình trạng trì trệ, lạm phát tăng thấp, chủ yếu do sức cầu quá yếu, hoạt động ngoại thương khởi sắc nhưng đóng góp chính đến từ khu vực FDI, không phải khu vực nội địa cho thấy tính kém bền vững của thành tích xuất siêu. Hoạt động đầu tư FDI chưa đạt kỳ vọng của nguy cơ bị tác động tiêu cực của sự kiện biển Đông là lớn. Thời điểm khó khăn hiện nay cũng chính là thời cơ để tái cơ cấu lại nền kinh tế, mối giao thương với Trung Quốc gặp khó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông lâm sản. Điều này rất cần các bộ, ngành, Chính phủ trợ giúp nông dân, giúp đỡ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn tham gia hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này.

Về tình hình thu chi ngân sách, hiện nay đang dấy lên nỗi lo về mức bội chi và độ an toàn của nợ công. Trong bối cảnh chính sách tài khóa ngặt nghèo, gánh nặng này một phần được đẩy sang tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Đáng tiếc là với bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện hành, chính sách tiền tệ đang trở nên kém hiệu lực, hiệu quả, dù Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực, làm tốt nhất có thể. Trong bối cảnh như vậy, các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách lại đang đề cập đến gói giải pháp kích thích cả cầu đầu tư lẫn cầu tiêu dùng. Điều này vẫn cần thiết và bắt buộc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vì mục tiêu chung và dài hạn, nhất thiết phải thực hiện giải pháp căn cơ hơn là cải cách thể chế để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Thực tiễn đã chỉ ra nền kinh tế Việt Nam đang suy kiệt tổng lực để phát triển và cần phải có cải cách lần hai để tạo động lực phát triển mới…
 
ĐBQH Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh): Các Nghị quyết tại Kỳ họp này cũng phải thể hiện theo hướng đặc biệt hơn so với bình thường
 
Tôi nghĩ rằng kỳ họp Quốc hội lần này rất đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh quốc phòng rất đặc biệt. Có lẽ nghị quyết kỳ này cũng phải thể hiện theo hướng đặc biệt hơn so với tình hình bình thường.

Thứ nhất, về đánh giá tình hình, tôi tán thành và muốn nhấn mạnh hai ý. Tình hình kinh tế Việt Nam từ quý II/2013 đã bắt đầu phục hồi, đó là thực tế, dù phục hồi yếu ớt nhưng với tất cả những nỗ lực thì hy vọng hết 2014 vượt qua được thời kỳ trì trệ này để bắt đầu khởi sắc, phát triển. Chính vì vậy tôi đề nghị lần này không bàn việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, vẫn giữ nguyên nhưng về quyết sách thì phải điều chỉnh để hướng tới cái căn cơ hơn.

Thứ hai, vấn đề lớn tồn tại hiện nay về thị trường kinh tế đó là tổng cầu quá yếu, tăng tổng cầu không nổi. Vấn đề ở đây là cố gắng làm sao tăng tổng cầu trong một dư địa, tôi kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã làm khá nhiều nhưng phải tập trung tháo gỡ. Tôi đánh giá hiện nay khoảng 30% doanh nghiệp làm ăn tốt, đóng thuế như TP. Hồ Chí Minh không có vấn đề gì, vấn đề tín dụng, lãi suất giảm tốt rồi nhưng khoảng 1/3 đang rất khó khăn, không tiếp cận nguồn vốn do bản thân họ khó khăn. Tôi đề nghị nhân mô hình trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có nêu đó là mô hình nối kết doanh nghiệp để làm sao giữa Ngân hàng Nhà nước với chính quyền gắn với doanh nghiệp để gỡ khó khăn cho họ tiếp cận nguồn vốn. Thật sự đây là một biện pháp rất “du kích”, không có “chính quy” nhưng phù hợp với Việt Nam, phải “đánh du kích” kiểu này thì trong 1 đến 2 năm gỡ được, đừng để các đối tượng này “chết”, nếu “chết” nữa là rất nguy hiểm.

Về ngân sách, tôi đề nghị một cách mạnh mẽ hơn, Quốc hội lần này trong Nghị quyết phải thể hiện cho được chính sách "thắt lưng buộc bụng" bằng hành động. Tôi ủng hộ cắt 16.000 tỷ đồng để ủng hộ biển Đông nhưng 16.000 tỷ đồng chưa đủ, tôi đề nghị Quốc hội lần này cắt phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên mà không nằm trong lương và trợ cấp xã hội. Những kiểu như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại... phải cắt, cắt tối đa để người dân thấy rằng trong bối cảnh đất nước hiện nay, Quốc hội thể hiện sự mạnh mẽ của mình ở chỗ này.

Liên quan đến môi trường đầu tư nước ngoài, sự cố vừa rồi ảnh hưởng nặng nề hơn, tôi cho rằng rất nặng nề, tất cả nỗ lực của ta tạo môi trường đầu tư, nhưng những sự cố vừa rồi làm giảm đi rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng Chính phủ rất tích cực để giúp cho các nhà đầu tư phục hồi, lấy lại niềm tin nhưng cái gì cũng phải cần tiền, tôi cũng chưa nói tiền như thế nào để chia sẻ với họ. Dĩ nhiên chúng ta phải có tiền, tôi nghĩ phải tính toán, không tăng bội chi nhưng phải có nguồn. Chúng ta bằng mọi cách để chứng tỏ rằng Chính phủ Việt Nam bảo đảm đầu tư và chia sẻ trách nhiệm trong mọi tình huống để nhà đầu tư yên tâm tiếp tục dòng đầu tư vào đây. Đấy là điều tôi nghĩ lần này cũng phải thể hiện quyết tâm bằng nghị quyết của Quốc hội trong nội dung về kinh tế - xã hội…