Nhiều ý kiến xung quanh việc:
Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP
(Tài chính) Chiều 25-3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP”. Hơn 400 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến có giá trị cho việc xây dựng Nghị định này.
Quan điểm, mục tiêu xây dựng dự thảo Nghị định là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là khi một số luật mới được sửa đổi như Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư; hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK; Phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc trong hoạt động của TTCK; Tạo cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Góp phần thu hẹp thị trường tự do; Lành mạnh hóa, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK; Thu hút đầu tư; Thúc đẩy thị trường công khai, công bằng, minh bạch; Tăng cường quản lý của Nhà nước.
Dự thảo Nghị định tập trung vào những nội dung cơ bản như: Tham gia của nhà đầu tư có vốn nước ngoài trên TTCK Việt Nam; Chào bán chứng khoán riêng lẻ; Chào bán chứng khoán ra công chúng; Chào bán chứng khoán ra nước ngoài; Mua lại cổ phiếu, chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng; Niêm yết, giao dịch chứng khoán; Tổ chức kinh doanh chứng khoán; Về quỹ đầu tư bất động sản.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu tham dự về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư có vốn nước ngoài, chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, đăng ký giao dịch chứng khoán, việc góp vốn bằng bất động sản vào quỹ đầu tư bất động sản.Về chào bán chứng khoán ra công chúng: Nghị định 58 chưa có quy định hướng dẫn đối với trường hợp chào bán ra công chúng để thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước, về tỷ lệ thành công của đợt chào bán chứng khoán, về giám sát đối với hoạt động chào bán và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán… Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng, chưa nâng cao được trách nhiệm giám sát của các cổ đông, cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để xem xét.
Về chào bán chứng khoán riêng lẻ: Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực vào ngày 1/7/2015 đã có những thay đổi liên quan tới quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ của các công ty cổ phần. Trong NĐ58 có điều kiện của công ty đại chúng (CTĐC) phát hành riêng lẻ là công ty phải được đăng ký giao dịch và niêm yết. Như vậy, các CTĐC chưa đăng ký giao dịch và niêm yết phải thực hiện như thế nào? Có nên bỏ ý trên? Có đại biểu cho rằng, đưa ra 3 mục đích phát hành cổ phiếu riêng lẻ (huy động vốn, hoán đổi các khoản nợ, hoán đổi cổ phần cổ phiếu của các doanh nghiệp khác) vẫn còn thiếu, kiến nghị bổ sung thêm trường hợp là chuyển vốn góp sang hợp đồng hợp tác kinh doanh từ vốn cổ phần. Do vậy, các quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ tại Nghị định 58 cũng cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp.
Về niêm yết, giao dịch chứng khoán: quy định về niêm yết chưa bao quát hết các loại chứng khoán niêm yết (các quỹ)... Ngoài ra, quy định về giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng cần xem xét để tạo điều kiện cho hoạt động quản lý cũng như giao dịch của người sở hữu chứng khoán.
Về tổ chức và kinh doanh chứng khoán: Hiện tại chưa có hướng dẫn về trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK), quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại TCKDCK Việt Nam cũng cần điều chỉnh để đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Hơn nữa, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực từ 1/7/2015, đây là những luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động của TTCK, do vậy, tất cả những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58 để phù hợp với pháp luật hiện hành.