Xóa nhà siêu mỏng chẳng khác gì "thả gà ra đuổi"
Việc giải quyết hậu quả những ngôi nhà phố dị dạng chẳng khác nào việc “thả gà ra đuổi”. Chính việc thiếu quy hoạch ngay từ đầu đã sinh ra những sản phẩm không mong đợi này và nay phải tìm cách xóa bỏ nó.
Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, hiện tượng những ngôi nhà siêu mỏng vẫn tồn tại gây ra nhiều rắc rối trong quá trình giải quyết. Trước hết là việc bộ mặt đô thị bị phá hỏng bởi những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, sau nữa nó gây ra không ít không ít rắc rối khác.
Lý giải hiện tượng tồn tại bao nhiêu năm qua, nhiều người cho rằng việc giải quyết hậu quả những ngôi nhà phố dị dạng chẳng khác nào việc “thả gà ra đuổi”. Chính việc thiếu quy hoạch ngay từ đầu đã sinh ra những sản phẩm này, và rồi lại phải tìm cách xóa bỏ nó. Việc mở lộ giới chưa thực sự gắn liền với chỉnh trang bộ mặt đô thị.
Tự ý thức người dân chưa thể xây nên một tuyến phố đẹp mà phải có vai trò quy hoạch của cơ quan quản lý nhà nước. Ở đây, để chỉnh trang đô thị, để không có ai tự nhiên thành “ngư ông đắc lợi”, không tạo cơ hội cho tiêu cực thì việc quy hoạch lại dãy nhà mặt tiền sau khi mở rộng đường và thu hồi đất trong quy hoạch là giải pháp bắt buộc.
Vấn đề khiếu kiện kéo dài sẽ được giải quyết khi người dân được hưởng giá đền bù theo nguyên tắc công bằng và sát giá thị trường nhất.
Giá đền bù sẽ sát giá thị trường nếu cơ quan chức năng tổ chức đấu giá công khai khu đất tính từ lộ giới hiện tại đến hết khu đất mặt tiền theo quy hoạch mới để trả lại tiền đền bù cho người dân. Diện tích thực tế chủ đầu tư sử dụng được sau khi giao đất cho nhà nước làm đường mở rộng sẽ nhỏ hơn diện tích cần đền bù. Tuy nhiên, khi lộ giới mở rộng, đất sẽ tăng giá so với giá thị trường hiện tại. Mặt khác, để đảm bảo người dân không bị thiệt về giá, công tác quy hoạch cần xem xét một cách hợp lý các chỉ tiêu như số tầng cao, mật độ xây dựng, có thể tăng diện tích sử dụng cho các công năng khác nhưng không tăng quá mức diện tích để ở dẫn đến tăng đột biến mật độ cư dân.
Tính công bằng về giá đền bù giữa các hộ dân dựa trên cách xác định tỉ lệ giá đất trên cùng 1m2 cho những vị trí đất của từng hộ dân khác nhau. Ví dụ: lấy lô đất mặt tiền làm chuẩn thì tỉ lệ giá đất của lô trong hẻm so với mặt tiền khi so sánh cùng 1m2 sẽ là 0,8. Cơ quan chức năng có thể xây dựng tỉ lệ này phù hợp với từng hiện trạng dự án và hỗ trợ người dân công khai thỏa thuận điều chỉnh tỉ lệ theo nguyên tắc số đông.
Nếu thực hiện tốt các bước trên thì nhà nước không cần phải bỏ chi phí đền bù giải tỏa, tránh được khiếu kiện, tiến độ dự án được đẩy nhanh nhờ giải tỏa đồng loạt một lần, người dân được tái định cư tại chỗ, doanh nghiệp có thể giải quyết được bài toán thanh khoản do nhu cầu nhà ở là có thực, bộ mặt đô thị được chỉnh trang đồng bộ. Vấn đề còn lại chính là yếu tố phối hợp của các sở, ban, nghành chức năng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố.