Xu hướng bán hàng qua ứng dụng thiết bị di động
Năm 2016 đã chứng kiến những thay đổi lớn trong cách người tiêu dùng trên thế giới mua sắm trực tuyến.
Nếu như năm 2015 đa số người tiêu dùng ở Mỹ đổ xô đến các cửa hàng bên ngoài để giành lấy những giao dịch giảm giá thấp nhất trong ngày Black Friday (ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn, tức là ngày thứ Sáu thứ tư của tháng 11) thì trong năm 2016 một phần lớn trong số này đã chuyển sang mua hàng trực tuyến để không phải chịu cảnh giành giật, chen lấn.
“Trong năm 2016, người tiêu dùng có thể tìm mua được hầu hết những mặt hàng thường chỉ giảm giá vào dịp Black Friday trong quãng thời gian kéo dài vài ngày và không phải “chiến đấu” với đám đông để làm được điều đó nhờ sử dụng các kênh mua hàng trực tuyến”, tờ Fortune viết.
Theo Andrew Gazdecki - nhà sáng lập kiêm CEO của BiznessApps, mua sắm trực tuyến đã làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng.
Trước đây, gần đến ngày Black Friday mới thấy các công ty quảng bá về các vụ bán hàng giảm giá. Trong năm 2016, Amazon đã thay đổi điều này bằng cách tung ra các đợt bán hàng giảm giá theo sự kiện Black Friday từ ngày 1/11.
Theo số liệu của TechCrunch, trong năm 2016 doanh số bán hàng trong dịp Lễ Tạ ơn đã tăng đến 21,6% so với năm trước, đạt 3,34 tỉ USD. Trong đó, doanh số bán hàng qua ứng dụng dành cho thiết bị di động tăng mạnh nhất vào dịp này, vượt xa doanh số bán hàng qua các trang web.
Các công ty bán lẻ hàng đầu như Amazon, Target và Walmart công bố những con số cho thấy ứng dụng mua sắm dành cho thiết bị di động đã mở ra một xu hướng mới cho thương mại điện tử. Theo dự báo của TechCrunch, đến năm 2020, ứng dụng mua hàng dành cho thiết bị di động sẽ tạo ra 188,9 tỉ USD doanh thu.
Đón đầu xu hướng nói trên, Flipkart - một công ty bán lẻ ở Ấn Độ, đã mạnh dạn triển khai mô hình bán hàng qua một kênh duy nhất là ứng dụng dành cho thiết bị di động. Điều này khiến cho các công ty đang thống lĩnh thị trường thương mại điện tử ở Ấn Độ như Amazon India không thể không quan tâm.
Mặc dù còn quá sớm để có thể nhận định rằng trong tương lai không xa người tiêu dùng sẽ không còn mua hàng trực tuyến từ máy tính để bàn nữa, nhưng theo Gazdecki, rõ ràng Flipkart đang mở đường cho một xu hướng thương mại điện tử mới. Đó là tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể mua hàng mọi lúc mọi nơi thông qua các ứng dụng dành cho thiết bị di động.
Gazdecki cho rằng, sở dĩ việc mua bán qua ứng dụng dành cho thiết bị di động đang nổi lên thành một xu hướng vì nó đem lại lợi ích cho cả người mua và người bán.
Thông qua các ứng dụng này, người bán có thể điều chỉnh các nỗ lực tiếp thị cho phù hợp đối tượng khách hàng mục tiêu hơn và tạo ra những trải nghiệm nhất quán hơn cho người dùng. Lý do là người tiêu dùng thường bỏ ra nhiều thời gian trên các ứng dụng hơn so với thời gian truy cập vào trang web, từ đó giúp doanh nghiệp có nhiều thông tin để hiểu rõ hơn các hành vi mua hàng của họ.
Ngoài ra, ứng dụng dành cho thiết bị di động còn đóng vai trò như một kênh tiếp thị trực tiếp, có tính tương tác với khách hàng rất cao và giành được nhiều sự chú ý của họ hơn. Trong khi đó, nếu mua hàng từ trang web, khách hàng có khuynh hướng dễ bị phân tâm bởi các thông tin quảng bá, tiếp thị khác trên mạng thường được “pop-up” (tự động xuất hiện) trong quá trình họ truy cập vào một trang web.
Tuy nhiên, Gazdecki cũng cảnh báo rằng nếu người tiêu dùng không tìm thấy đủ thông tin từ ứng dụng của doanh nghiệp thì họ buộc phải truy cập vào các trang web tìm kiếm thông tin và đây chính là lý do khiến họ bị phân tán sự quan tâm, dẫn đến việc ngưng mua hàng qua ứng dụng. Đối với người tiêu dùng, một trong những lợi ích lớn nhất khi mua hàng từ ứng dụng dành cho thiết bị di động là tốc độ tải và truy cập thông tin nhanh hơn.
Thường thì các ứng dụng được thiết kế tinh gọn chức năng để “nhẹ” hơn phiên bản của trang web chạy trên máy tính để bàn nên chúng sẽ đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Dù vậy, Gazdecki cũng lưu ý doanh nghiệp cần cân nhắc đến giao diện của ứng dụng. Nếu thiết kế của ứng dụng không tạo ra được giao diện thân thiện, dễ thao tác, dễ nhìn và dễ di chuyển giữa các chức năng khác nhau thì sẽ khiến người tiêu dùng không còn hứng thú sử dụng nữa.
Một thuận lợi khác cho người tiêu dùng khi sử dụng ứng dụng dành cho thiết bị di động để mua hàng là việc thanh toán dễ dàng và nhanh chóng hơn, nhất là khi được thực hiện bằng thẻ tín dụng hoặc các ví điện tử.
Các thông tin xác nhận cho giao dịch thanh toán như mật mã động thường được gửi về ngay chiếc điện thoại mà khách hàng đang dùng để mua hàng khiến cho họ không phải mất nhiều thời gian hay thao tác để hoàn tất một đơn đặt hàng.
Với ứng dụng dành cho thiết bị di động, việc giao tiếp giữa người bán và người mua cũng có thể được cá nhân hóa cao hơn nhờ vào các chức năng tự động gửi ra các thông báo phù hợp với nhu cầu, hành vi mua hàng của từng khách hàng, từ đó tạo cho họ những trải nghiệm mua hàng tốt hơn.