Xu hướng phát triển kinh tế xanh của một số nước thời kỳ hậu khủng hoảng

TS. TRẦN THỊ VÂN ANH

(Tài chính) Phát triển theo mô hình kinh tế xanh là một xu hướng đang được nhiều quốc gia chú ý áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục sau khủng hoảng nợ công. Bài viết phân tích chiến lược phát triển kinh tế xanh của một số nước, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng vào quá trình phát triển mô hình kinh tế xanh tại Việt Nam.

Xu hướng phát triển kinh tế xanh của một số nước thời kỳ hậu khủng hoảng
Phát triển theo mô hình kinh tế xanh là một xu hướng đang được nhiều quốc gia chú ý áp dụng. Nguồn: internet
Sự cần thiết phát triển kinh tế xanh

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), trong 25 năm qua, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng gấp 4 lần và đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, có tới 60% các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái của trái đất. Nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình phát triển kinh tế trong thế kỷ qua chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không chú ý tới khả năng tái tạo dẫn tới hệ sinh thái bị xuống cấp và tổn hại nghiêm trọng.

Mặc khác, khoảng 90 cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trong vòng 30 năm qua với tần suất xuất hiện ngày càng lớn, cùng với mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, đã gia tăng sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế của các nước trên thế giới. Mô hình kinh tế truyền thống phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ra hiện tương biến đổi khí hậu, đã không đảm bảo được nhu cầu phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Tình trạng này đòi hỏi các quốc gia tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới - phát triển mô hình Kinh tế xanh (tăng trưởng xanh).

Ý tưởng phát triển mô hình kinh tế xanh (tăng trưởng xanh) xuất hiện từ những năm 1970, do áp lực của cuộc khủng hoảng năng lượng (1972 - 1973). Cuối năm 2008, UNEP đã phát động “Sáng kiến kinh tế xanh” với mục tiêu tăng cường phối hợp và hợp tác quốc tế ứng phó với khủng hoảng tài chính đi đôi với xử lý các vấn đề toàn cầu, nhằm hướng tới phát triển bền vững của kinh tế thế giới hậu khủng hoảng.

Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về “kinh tế xanh”. Tuy nhiên theo định nghĩa mà UNEP đưa ra thì có thể hiểu “kinh tế xanh” hay “kinh tế sạch” là nền kinh tế mà chính sách phát triển có định hướng thị trường sử dụng nền tảng là các nền kinh tế truyền thống, mục tiêu là sự hòa hợp giữa kinh tế và môi trường sinh thái. Chiến lược phát triển cơ bản của nền “kinh tế xanh” là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch, nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng bền vững.

Theo quan điểm của các tổ chức quốc tế (UNEP, Ủy ban Liên Hợp quốc về kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, các quốc gia cần phải thực hiện các biện pháp cơ bản sau: (1) Đầu tư thận trọng vào vốn tài nguyên; (2) tạo việc làm và đảm bảo công bằng xã hội; (3) thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và công nghệ ít các-bon; (4) khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn; (5) phát triển đô thị bền vững và giao thông ít các-bon; (6) thiết lập cơ chế tài chính, tài khóa cũng như xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hoạt động trên.

Kinh tế xanh được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn nền kinh tế nâu truyền thống (Kinh tế nâu là nền kinh tế khai thác và sử dụng nhiều năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu và đe doạ cuộc sống con người). Theo báo cáo nghiên cứu của UNEP, với các biện pháp đầu tư xanh và sử dụng số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (tương đương 1.300 tỷ USD) thì trong dài hạn sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu trên cơ sở duy trì và phục hồi được các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn.

Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục sau khủng hoảng nợ công Châu Âu theo nhận định của UNEP, chiến lược “kinh tế xanh” đã trở thành bước ngoặt phát triển cho tiến trình khôi phục kinh tế toàn cầu và cũng là động lực mới cho việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển bền vững.

Chiến lược phát triển kinh tế xanh của một số quốc gia

Chiến lược xanh hóa nền kinh tế đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của một số nước trong nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ vừa qua cũng như cho giai đoạn phát triển kinh tế hậu khủng hoảng. Nhận thức được điều này, các nước đã chú trọng vào xây dựng chiến lược phát triển xanh trong các gói kích thích kinh tế và chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của mình như: Mỹ, EU, Hàn Quốc...

Mỹ: Trong quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, Chính phủ Mỹ đã dành khoảng 150 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế 782 tỷ USD để đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế xanh, nhất là năng lượng mới và tái tạo năng lượng. Chương trình triển khai các dự án ngoài khơi sản xuất điện từ tuốc-bin gió và dòng hải lưu ước tính có thể tạo ra 20% nhu cầu điện của Mỹ vào năm 2030 nếu như tiềm năng đầy đủ của nguồn tài nguyên thiên nhiên này được khai thác cả ở trên đất liền và ngoài biển.

Chính phủ Mỹ đã dành khoảng 150 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế 782 tỷ USD để đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế xanh, nhất là năng lượng mới và tái tạo năng lượng.

Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng của mình, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện, cầu điện trung bình sẽ giảm 15% và đến năm 2030, người tiêu dùng sẽ phải tiết kiệm 130 tỷ USD cho chi phí năng lượng và phải cắt giảm 5 tỷ tấn các-bon thải ra ngoài môi trường. Để hỗ trợ cho những mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan triển khai năng lượng sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ có chức năng như một “ngân hàng xanh”, để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng đã triển khai đạo luật chống biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm khí thải nhà kính khoảng 17% vào năm 2020 so với năm 2005 và áp dụng hạn ngạch khí thải và cho phép các công ty xả khí thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức khí thải không dùng hết cho các công ty khác. Trong giai đoạn 2012 - 2025, Mỹ sẽ dành 55% tiền thu được từ mua bán hạn ngạch khí thải để bảo vệ người tiêu dùng trước tác động tăng giá nhiên liệu; 19% cho các dự án hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch.

Thêm vào đó, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ôtô chuyển sang các xe kết hợp vừa chạy điện, vừa chạy xăng, song song với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu. Theo các tiêu chuẩn này, đến năm 2016, xe hơi không được phép tiêu thụ quá 6,6 lít xăng/100km, từ 9,4 lít/100km như hiện nay. Như vậy chỉ tính riêng với biện pháp này, hàng năm, nước Mỹ sẽ tiết kiệm được gần 2 tỷ thùng dầu, đồng thời giảm được 30% khí thải xả ra môi trường.

Những biện pháp nói trên bước đầu khẳng định nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama trong việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế Mỹ theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng hơn.

Liên minh châu Âu (EU): Trong Luật Bảo vệ môi trường của EU có đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo từ 8,5% hiện nay lên 20% và giảm 20% lượng khí nhà kính. Để đạt mục tiêu này, EU sử dụng nguồn ngân sách trị giá 0,5% GDP của toàn Khối. Ngoài ra, các nước EU còn áp dụng chế độ cấp hạn ngạch khí thải cho các ngành Công nghiệp. Theo đó, từ năm 2013 trở đi EU bán đấu giá khoảng 60% giấy phép hạn ngạch khí thải trong lĩnh vực năng lượng và đến 2020 tất cả các công ty công nghiệp đều phải mua giấy phép hạn ngạch khí thải trừ một số ngành như luyện kim, xi măng, hóa chất.

Trong chính sách gắn kết châu Âu, EU có kế hoạch đầu tư 105 tỷ EUR vào kinh tế xanh. Số tiền này lớn hơn gấp 3 lần so với số tiền đã được chi cho giai đoạn 2002 - 2006. Khoảng một nửa gói ngân sách này (54 tỷ EUR) sẽ dành cho việc giúp đỡ các Chính phủ thành viên EU tuân thủ hệ thống pháp luật về môi trường của EU. Khoản ngân sách trị giá 48 tỷ EUR được sử dụng để đạt được các mục tiêu khí hậu và tạo ra nền kinh tế có lượng các-bon thấp, đặc biệt trong đó có dành riêng 28 tỷ EUR cho việc cải thiện nguồn nước và quản lý rác thải.

Chính sách gắn kết châu Âu cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế mới cho các quốc gia trong Liên minh. Gần một nửa các quốc gia thành viên của EU bao gồm Áo, Bulgaria, Séc, Pháp, Đức, Hungari, Italia, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia và Anh đã đưa các chỉ số giảm lượng khí thải nhà kính vào chương trình gắn kết của quốc gia mình.

Hàn Quốc: Trong Chiến lược “Tăng cường xanh, ít các-bon” của Hàn Quốc được coi là nền tảng cho tiến trình phát triển kinh tế của nước này trong 60 năm tới với mục tiêu chuyển từ mô hình phát triển kinh tế phụ thuộc năng lượng hóa thạch, tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình phát triển dựa vào năng lượng tái tạo, tăng trưởng theo chiều sâu và bền vững, thân thiện với môi trường hơn. Theo chiến lược này, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế với 3 nguyên tắc: (i) duy trì hoạt động kinh tế hiệu quả trong khi tối thiểu hóa sử dụng năng lượng và tài nguyên; (ii) tối thiểu hóa áp lực về môi trường với việc sử dụng mỗi nguồn năng lượng và tài nguyên; (iii) đầu tư vào môi trường như một công cụ để phát triển kinh tế.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra thì Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc kết hợp giải quyết khủng hoảng kinh tế với gói kích thích chi tiêu xanh. Gói kích cầu “Kế hoạch tăng trưởng xanh mới” gồm 36 dự án trị giá 37,8 tỷ USD, tạo 1 triệu việc làm trong 4 năm nhằm đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sống ở Hàn Quốc.

Những thành quả bước đầu cho thấy, chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc mang tính khả thi. Kể từ năm 2007 đến nay, ở Hàn Quốc, riêng ngành sản xuất năng lượng tái sinh mới, số doanh nghiệp đã tăng lên 2,2 lần, số việc làm tăng lên 3,6 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,9 lần, đầu tư tư nhân tăng 5 lần. Mua sắm công cộng xanh năm 2005 chỉ đạt 1.000 tỷ won đến năm 2009 đã đạt tới 2.000 tỷ won. Những sản phẩm tiết kiệm năng lượng như đèn hình LED, LED TV, pin thế hệ 2, thiết bị điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân… đã gia tăng về số lượng sản xuất và xuất khẩu. Những kết quả thiết thực này đem lại hy vọng về một động lực tăng trưởng mới cho Hàn Quốc cũng như hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh.

Bốn giải pháp phát triển kinh tế xanh

Trong quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng, nhiều quốc gia đã cân nhắc việc biến đổi mô hình phát triển kinh tế sang hướng “xanh” hơn và “sạch” hơn. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của một số nước, có thể rút ra một số khuyến nghị cần thiết đối với quá trình phát triển chiến lược kinh tế xanh, bao gồm:

Thứ nhất, phát triển kinh tế xanh là một quá trình lâu dài có thể chưa mang lại lợi ích trong ngắn hạn, vì vậy cần kết hợp chiến lược phát triển xanh dài hạn, gắn với chiến lược phát triển chung của Chính phủ. Chính phủ các nước nên xem xét điều chỉnh hệ thống luật pháp hiện hành và xây dựng các quy định mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế theo xu hướng phát triển kinh tế xanh. Mặt khác, Chính phủ cũng đồng thời cần nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước và đầu tư nhằm hỗ trợ quản lý việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Chính phủ cũng cần có những quy định khuyến khích doanh nghiệp đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động phục vụ nền kinh tế xanh.

Thứ hai, cần tăng đầu tư và chi tiêu trong các lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực kinh tế xanh như tài chính xanh, đầu tư xanh, ngân hàng xanh. Đầu tư cho phát triển xanh hiện chiếm 14% tổng giá trị các gói kích thích kinh tế toàn cầu (khoảng 3 nghìn tỷ USD), trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sau đây: (i) Xây dựng nhà ở sử dụng hiệu quả năng lượng; (ii) phát triển năng lượng thay thế và tái tạo; (iii) xây dựng mạng lưới giao thông tiết kiệm năng lượng; (iv) phát triển nông nghiệp bền vững, sử dụng nước hiệu quả.

Thứ ba, cần mở rộng thị trường các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, giảm bớt chi tiêu cho Chính phủ vào các lĩnh vực sử dụng nguồn lực tự nhiên không thể tái tạo. Đặc biệt, Chính phủ các quốc gia cần rà soát và từng bước nâng cao các tiêu chuẩn công nghệ, môi trường, đồng thời tăng cường công tác quản lý chuyển giao và nhập khẩu công nghệ…

Thứ tư, Chính phủ các quốc gia có thể cân nhắc sử dụng công cụ thuế, phí để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường ví dụ như áp dụng cơ chế mua bán phát thải khí nhà kính; áp thuế, phí đối với việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả, thuế sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông. Đồng thời, Chính phủ các quốc gia cần xem xét ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện cho thị trường hóa và từng bước chuyển đổi sang sản xuất hàng hoá, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo quốc gia tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (RIO+20), “Thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam”, Hà Nội, tháng 05/2012;

2. Tổng cục Môi trường, (2012), “Sổ tay hành trang kinh tế xanh”;

3. UNEP, (2011), “Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication”.