Xu hướng Trung Quốc + 1 và Thái Lan +1 giúp FDI Hà Nội khởi sắc

Theo Baodautu.vn

(Tài chính) Xu hướng Trung Quốc +1 và Thái Lan+1 mà các nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc… lựa chọn đang mang lại nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho Việt Nam, trong đó có Hà Nội.

Xu hướng Trung Quốc + 1 và Thái Lan +1 giúp FDI Hà Nội khởi sắc
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng, Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) sẽ được triển khai trong năm tới tại Hà Nội.

Không có quy mô vốn hàng tỷ USD như các nhà máy mà Samsung đã đầu tư ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, cũng không phải là dự án đầu tư trực tiếp cho sản xuất, song Hà Nội vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này. Bởi R&D chính là một hoạt động thượng nguồn của đầu tư, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia nhận đầu tư.

Hơn nữa, khi Dự án được triển khai, một lần nữa khẳng định xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đứng đầu là Hàn Quốc, lựa chọn Việt Nam, trong đó có Hà Nội, là điểm đến đầu tư hàng đầu.

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 11 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc luôn ở vị trí dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 6,82 tỷ USD. Riêng ở Hà Nội, Hàn Quốc cũng đã vượt Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư hàng đầu.

Ông Hideo Okubo, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành của Forval (Nhật Bản), khẳng định, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chậm lại chỉ mang tính thời điểm. “Thực tế, xu hướng đầu tư của Nhật Bản vẫn là Trung Quốc + 1 và Thái Lan + 1, và Việt Nam vẫn là địa điểm  được lựa chọn hàng đầu”, ông Hideo nói.

Có nhiều lý do để tin rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nhà đầu tư hàng đầu sẽ tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam, trước xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, bởi lương công nhân ở Trung Quốc không ngừng tăng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn đầu tư ở quốc gia này hay các quốc gia lân cận.

Hơn thế, không chỉ là xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, mà việc Việt Nam tích cực đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như vừa ký kết thỏa thuận kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc, hay Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan… cũng được cho là sẽ tạo thuận lợi lớn để Việt Nam đón nhận một làn sóng đầu tư mới.

“Đó là sự thực, Việt Nam phải chuẩn bị điều kiện để tận dụng cơ hội này”, bà Wendy Werner, Giám đốc Bộ phận Thương mại và Cạnh tranh, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) khuyến nghị.

Hai năm nay, vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Năm ngoái, con số là trên 23 tỷ USD, còn năm nay, có thể thấp hơn do thiếu vắng các dự án tỷ USD, song như nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thì chất lượng của dòng vốn này đã tăng lên đáng kể. Biểu hiện rõ nhất là ngày càng nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao chọn Việt Nam là điểm đến.

Sau Intel, Samsung, thì Microsoft - Nokia, LG đã lần lượt đầu tư tại Việt Nam các dự án quy mô lớn. Trong số này, Samsung đang trở thành tên tuổi lớn khi đã đầu tư tại Việt Nam trên 11,2 tỷ USD, trở thành cú hích lớn giúp Việt Nam thu hút đầu tư của các đại gia công nghệ nước ngoài.

“Việt Nam đang có cơ hội chưa từng có để thu hút các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói và bày tỏ sự vui mừng khi Samsung chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình, còn Microsoft-Nokia, LG cũng đã và đang thực hiện việc dịch chuyển đầu tư về Việt Nam, để biến Việt Nam thành “công xưởng lớn của thế giới”.

Đón đầu TPP và các hiệp định thương mại tự do, các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực giày dép, may mặc, như Nike, Adidas… cũng đã lựa chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc. “Đây không phải xu hướng dịch chuyển nhất thời do doanh nghiệp tại Trung Quốc không đáp ứng đủ đơn hàng. Họ thừa sức. Nguyên nhân chủ yếu là các hãng cảm thấy môi trường kinh doanh tại Trung Quốc không còn tối ưu”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết.

Việt Nam được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư này, Hà Nội cũng vậy. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2014, nhiều khả năng, Hà Nội sẽ thu hút được 1,3 tỷ USD vốn FDI. Là Thủ đô, quyền lựa chọn các dự án lớn hơn, nên nhiều năm nay, Hà Nội luôn ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, dự án cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vì thế, trong danh sách dự án FDI “nằm chờ”, Trung tâm R&D của Samsung được ưu tiên.

Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng hồ hởi khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Hà Nội. Chỉ trong năm 2014 này, hàng loạt nhà đầu tư lớn đã tăng vốn đầu tư vào Hà Nội. Chẳng hạn, Tập đoàn Coca-Cola tăng thêm 170,76 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 261,2 triệu USD. Hay Dự án Điện Stanley tăng vốn thêm 20 triệu USD…

Chưa kể, còn hàng loạt dự án quy mô lớn đang chờ sự gật đầu của chính quyền Thành phố để đầu tư mới và tăng thêm vốn, như Dự án Khu Noble Vân Trì (tăng thêm 140 triệu USD); Dự án Thành phố Công nghệ xanh (450 triệu USD); Dự án Tổ hợp Metropolis Phạm Hùng (400 triệu USD); Dự án sân golf Sky Lake (tăng 50 triệu USD); Dự án Time Square (tăng 100 triệu USD)

”Một làn sóng đầu tư mới đang chuẩn bị đổ bộ vào Hà Nội”, ông Quý nói và khẳng định rằng, cơ hội đang dành cho Việt Nam nói chung, các địa phương của Việt Nam nói riêng, trong đó có Hà Nội, nhưng tận dụng được hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài.