Xử lý nợ xấu: Ngoại “vô” cách nào?

Theo thoibaonganhang.vn

TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về thị trường mua bán nợ, kể cả việc tham gia của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tham gia của NĐT nước ngoài nên nhìn nhận theo hướng tích cực nhiều hơn chứ không phải theo hướng tiêu cực, như lo việc họ nắm quyền kiểm soát, thao túng, “cá lớn nuốt cá bé”… Mặt khác, chúng ta có thể kiểm soát được các nguy cơ đó thông qua ngưỡng sở hữu tối đa, giới hạn lĩnh vực mà họ có thể tham gia mua bán...

Xử lý nợ xấu: Ngoại “vô” cách nào?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhìn nhận về vai trò của NĐT nước ngoài trong việc xử lý nợ xấu  hiện nay cũng như ngăn ngừa nợ xấu trong tương lai, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nói, sự tham gia của NĐT nước ngoài là rất cần thiết vì họ có thể: Tham gia vào quá trình mua bán nợ; Giúp tư vấn về định giá khoản nợ cần bán; Tham gia tư vấn về cấu trúc giao dịch xử lý nợ xấu, ví dụ liên quan đến quá trình chứng khoán hóa nợ xấu…; và hỗ trợ cho thông tin minh bạch hơn, quản trị điều hành tốt hơn.

Nhưng với cơ chế xử lý nợ xấu hiện nay thì có vẻ vai trò NĐT nước ngoài chưa được quan tâm lắm?

Nghị định 53/2013/NĐ-CP và Dự thảo Thông tư về VAMC đề cập các vấn đề chung. Với từng thành phần tham gia cụ thể, như NĐT nước ngoài, chúng ta sẽ cần những văn bản hướng dẫn chi tiết hơn. Quan điểm của tôi là nên khuyến khích NĐT nước ngoài tham gia vì có những lợi ích như kể trên. Tất nhiên cũng sẽ có những khó khăn vướng mắc, đơn cử như vấn đề sở hữu tài sản hay tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài... Tuy nhiên, đây là những vấn đề mà các nước trong xử lý nợ xấu cũng từng mắc phải nhưng họ đã xử lý được.

Vậy các biện pháp để thu hút NĐT ngoại vào xử lý nợ xấu chủ yếu là gì?

Có 3 cách chính:

Một là, làm rõ về khả năng tham gia của NĐT nước ngoài vào thị trường mua bán nợ.

Hai là, “room” sở hữu của NĐT nước ngoài đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước cần cân nhắc tăng lên bao nhiêu để tạo ra sự hấp dẫn hơn. Nói chung theo tôi khoảng bằng mức cho phép với doanh nghiệp (tức lên mức 49% từ mức tối đa 30% hiện nay) là ổn. Hoặc có thể lúc đầu nới lên 40% để thể hiện được động thái của Việt Nam.

Còn với các TCTD yếu kém, thì có thể cho tăng lên mức quá bán (trên 50%) vì rõ ràng với các TCTD yếu kém thì NĐT nước ngoài chỉ mua khi họ phải nắm quyền điều hành, kiểm soát để sau đó còn thay đổi toàn bộ mảng quản trị, điều hành, chiến lược…

Ba là, cho phép NĐT nước ngoài tham gia mua bán nợ thông qua một công ty tư vấn/đối tác trong nước hay có thể tham gia thành lập một dạng liên doanh như mô hình quỹ giống bên Hàn Quốc.

Ông có thể nói rõ hơn về cách làm này?

Tức là có thể dưới hình thức hợp tác hoặc liên doanh như thế nào đó để thành lập ra một quỹ và có thể dùng vốn của quỹ đó để đầu tư mua bán nợ. Quỹ đó có thể do một ngân hàng trong nước hoặc một quỹ đầu tư trong nước liên doanh với nước ngoài.

Theo kinh nghiệm bên Hàn Quốc, quỹ/công ty đó là do tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài liên doanh thành lập ra. Khi đó quỹ này hoạt động chỉ tuân thủ theo luật và quy định đối với quỹ liên doanh thôi. Thông qua các hình thức như vậy sẽ giúp giải quyết được một số vướng mắc về vấn đề pháp lý, cũng như họ không phải chịu 100% rủi ro của khoản nợ xấu đó.

Riêng trên thị trường mua bán nợ, làm sao để có thể khuyến khích họ tham gia?

Cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về thị trường mua bán nợ, kể cả việc tham gia của NĐT nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tham gia của NĐT nước ngoài nên nhìn nhận theo hướng tích cực nhiều hơn chứ không phải theo hướng tiêu cực, như lo việc họ nắm quyền kiểm soát, thao túng, “cá lớn nuốt cá bé”… Vì NĐT nước ngoài không dại gì chấp nhận 100% rủi ro trong bối cảnh thông tin chưa đầy đủ, cũng như còn một số vướng mắc liên quan đến tính pháp lý. Mặt khác, chúng ta có thể kiểm soát được các nguy cơ đó thông qua ngưỡng sở hữu tối đa, giới hạn lĩnh vực mà họ có thể tham gia mua bán...

Nhưng rõ ràng VAMC không phải là “cây đũa thần” có thể giải quyết được tất cả nợ xấu mà còn cần thêm nhiều giải pháp khác. Trong đó, liệu các NĐT nước ngoài có thể mua trực tiếp nợ xấu của các TCTD trong nước?

Một trong những cách các ngân hàng thương mại (NHTM) thường làm là dùng dự phòng rủi ro để giải quyết nợ xấu, còn các tổ chức nước ngoài họ không mua nợ trực tiếp từ các NHTM. Kinh nghiệm thế giới như vậy, thông thường họ sẽ mua qua một tổ chức chuyên nghiệp hoặc qua một tổ chức ví dụ như VAMC vì nợ xấu liên quan đến nhiều thứ. Nên bảo NĐT nước ngoài vào để mua cổ phần nắm quyền sở hữu ở một NHTM nào đó thì họ có thể xem xét, chứ bảo vào để trực tiếp mua nợ xấu thì sẽ khó xảy ra.

Còn với những khoản nợ xấu không đủ điều kiện để VAMC mua lại – thì các TCTD có thể bán cho NĐT nước ngoài không và bán bằng cách nào?

Họ cũng có thể tham gia được. Lúc bấy giờ sẽ có thỏa thuận 3 bên: Giữa ngân hàng muốn bán nợ - VAMC và NĐT nước ngoài. Trong những trường hợp như vậy thì VAMC không mua nhưng có thể đứng ra làm tổ chức trung gian. Trung gian ở chỗ VAMC thu xếp hồ sơ pháp lý một cách chuyên nghiệp, chuyên môn hơn. Như vậy VAMC sẽ đứng ở giữa: trong nước – ngoài nước, giúp 2 bên mua bán với nhau.

Kinh nghiệm của Trung Quốc để thu hút các NĐT nước ngoài vào xử lý nợ xấu là gì ngoài 3 yếu tố đề cập ở trên?

Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, một yếu tố nữa rất quan trọng là phải chấp nhận mức giá thấp theo giá thị trường. Lúc đầu Trung Quốc bán nợ ở 2 doanh nghiệp nhà nước với giá bán có 5% trên giá sổ sách của các khoản nợ đó. Mặc dù, ban đầu kỳ vọng của Chính phủ Trung Quốc là phải bán được với giá bằng khoảng 30-40% theo giá sổ sách thế nhưng, do không bán được nên về sau cũng đã phải hạ xuống 5% theo giá thị trường lúc đó. Dù bán với giá rất thấp như vậy nhưng họ vẫn làm bởi mong muốn tạo ra chất xúc tác để bán tiếp các khoản nợ khác.

Xin cảm ơn ông!