Xử lý ra sao khi nhầm xăng với... dầu nhớt?

Theo vietnamplus.vn

Trong sử dụng xe hơi, nếu chị em nhầm giữa xăng với nhớt, tức là xe chạy dầu đi đổ xăng và ngược lại, thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, một số trường hợp phải thay toàn bộ máy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc đổ nhầm nhiên liệu khi sử dụng xe. Có thể do chủ quan, thiếu tập trung, thiếu hiểu biết hoặc cho mượn xe mà người đi mượn không nắm rõ đặc tính của xe.

Một số trường hợp lùi xe vào cây xăng, nhân viên bán hàng theo thói quen cứ thế là bơm. Trường hợp này rất hay gặp với các dòng xe có cả phiên bản sử dụng máy xăng, phiên bản sử dụng máy dầu như Toyota Fortuner, Hyundai Santa Fe… Vậy điều gì sẽ xảy ra khi chị em đổ nhầm nhiên liệu?.

Khi đổ nhầm xăng vào xe chạy máy dầu: Nếu lượng dầu trong xe còn lại một ít, xe vẫn có thể tiếp tục di chuyển cho tới khi xăng vào buồng đốt. Do xăng có chỉ số octane cao nên không thể tự kích nổ (xe máy dầu không có bugi như xe máy xăng), máy sẽ rất ồn, yếu dần rồi chết hẳn mà không thể khởi động lại được.

Nếu hỗn hợp xăng/dầu nhỏ hơn 1/5, dầu sẽ tự cháy trước trong buồng đốt tạo mầm lửa cho xăng cháy sau (xăng cháy mãnh liệt hơn) sẽ gây cháy píttông hoặc vỡ lốc máy.

Mặc dù việc đổ xăng vào dầu được xem là không thực sự quá nguy hại, tuy nhiên, trong một số trường hợp chúng có thể làm bó máy, hỏng bộ hơi, nếu để lâu không đi sau khi đổ nhầm, xăng có thể ăn mòn đường dẫn nhiên liệu dẫn tới phải thay mới…

Cách xử lý:

- Ngay khi phát hiện đổ nhầm xăng vào xe máy dầu, chị em không nên khởi động động cơ.

- Gọi cứu hộ để di chuyển xe về gara và tiến hành hút sạch toàn bộ nhiên liệu bị trộn lẫn ra ngoài, cho dầu mới vào và dùng bơm cao áp để súc rửa thật sạch.

- Để xe nổ không tải khoảng 20 phút, nếu vẫn nổ bình thường thì có thể sử dụng được ngay, nếu vẫn còn những tiếng kêu bất thường cần súc rửa lại một lần nữa.

Khi đổ nhầm dầu vào xe máy xăng: Trường hợp này ít xảy ra hơn do các dòng xe du lịch hiện nay đa phần sử dụng máy xăng, thêm nữa vòi đổ dầu tại các cây xăng thường cũng to và dài hơn. Tuy nhiên, nếu bị nhầm, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn trường hợp đổ nhầm dầu vào xăng.

Lúc đó, hỗn hợp xăng với dầu sẽ tự phát nổ khi đủ áp suất nén mà chưa cần tới bugi đánh lửa, dẫn tới mất kiểm soát động cơ, làm vỡ, hỏng động cơ.

Thêm nữa, khi đổ nhầm dầu vào máy xăng sẽ gây khí thải có nhiều muội than do dầu không được đốt hết, dần chuyển sang kẹt và bó máy, nếu đang di chuyển ở tốc độ cao sẽ gây gãy trục khuỷu, làm động cơ hư hỏng rất nặng.

Cách xử lý:

Cũng giống như khi đổ nhầm xăng vào dầu, ngay khi phát hiện được việc bị nhầm, tuyệt đối không được khởi động xe hoặc tắt ngay máy khi vừa nổ máy.

- Nếu là các xe đời cũ (còn lại rất ít) và lượng dầu đổ vào là nhỏ (dưới 10% dung tích), bạn có thể đổ đầy bình xăng để hòa tan lượng dầu này, xe vẫn chạy bình thường được nhưng sẽ có nhiều khói.

- Nếu là xe đời mới, tốt nhất là bạn nên kéo xe về gara để súc rửa toàn bộ bình nhiên liệu, động cơ, bơm cao áp…

Cách phòng tránh:

Bằng cảm quan có thể phân biệt được xe máy dầu với xe máy xăng như nghe âm thanh của động cơ. Xe máy dầu thường nổ to hơn, tuy nhiên nhiều công nghệ mới giảm tiếng ồn của xe máy dầu khá nhiều.

Chị em nên nhớ, tại Việt Nam 100% các xe bán tải là xe máy dầu, tuyệt đối không đổ xăng vào xe bán tải như Ford Ranger, Toyota Hilux, Nissan Navara, Chevrolet Colorado, Mitsibishi Triton…

Một số dòng xe khác cũng có cả máy xăng và máy dầu là Toyota Fortuner, Hyundai Santa Fe, Ford Everest, Kia Sorento…

Đại đa phần các xe du lịch cỡ nhỏ tại Việt Nam chỉ sử dụng máy xăng (trừ một số chiếc Ford Focus được sản xuất trước đây).

Đề phòng tránh nhầm lẫn tai hại này, chị em có thể thực hiện một số cách sau:

- Dán đề can loại nhiên liệu cho xe của mình ở miệng bình nhiên liệu, một số nắp bình nhiên liệu có in nổi loại nhiên liệu của xe.

- Khi đổ xăng, nên xuống xe, thông báo loại nhiên liệu và kiểm tra nhân viên cây xăng xem có đổ đúng không.

- Khi mượn xe hoặc cho người khác mượn xe, cần hỏi hoặc nói rõ loại nhiên liệu của xe, dặn người mượn xe một cách cẩn thận. Cần thì đổ luôn bình đầy nhiên liệu và dán đề can cỡ lớn ngay bên ngoài nắp bình nhiên liệu.