Xu thế chuyển đổi ngân hàng số
Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến thói quen tiêu dùng thay đổi. Khách hàng sử dụng ngân hàng số (Digital Banking) ngày càng gia tăng và các ngân hàng đang dần chuyển theo hướng này.
Tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2017 với chủ đề “Tương lai ngân hàng bán lẻ & dịch vụ thanh toán trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã đưa ra nhận định rằng năm 2018 sẽ có 44% doanh thu ngân hàng đến từ dịch vụ ngân hàng số.
Đến năm 2020, tài sản do các chuyên gia tư vấn tự động, online (robo advisers) quản lý sẽ tăng 68%/năm, lên đến 2.200 tỷ USD; 2/3 thời gian nghiệp vụ ngân hàng sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận…
Thị trường tiềm năng
Theo các chuyên gia, thị trường với quy mô dân số lớn, tỷ lệ người sử dụng điện thoại và internet cao sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam có thể khai thác rất lớn hiệu quả của ngân hàng số khi dịch vụ bán lẻ còn quá tiềm năng.
So với thị trường những nước tiên tiến, số lượng ngân hàng số ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Các ngân hàng chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa.
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là các ngân hàng và tổ chức tài chính đã dành nhiều quan tâm để phát triển mảng dịch vụ này với việc loại bỏ các giao dịch truyền thống bằng cách chuyển đổi giải pháp Corebanking mới để có thể hỗ trợ tốt cho định hướng phát triển ngân hàng số.
Đặc biệt là hỗ trợ việc quản lý đa kênh (Omni-Channel) và trải nghiệm của khách hàng như: Gia tăng hàm lượng số hóa trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có số hóa quy trình nội bộ, phát triển những ngân hàng tự động 24/7 không cần nhân viên, những nền tảng thanh toán không chạm, gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt…
Được biết đến là ngân hàng tiên phong đưa ra những sản phẩm, dịch vụ số mang tính dẫn dắt thị trường, khách hàng của TPBank đang hưởng nhiều tiện ích từ ngân hàng số như: được phục vụ 24/7 với hệ thống eBank, LiveBank hiện đại, kênh thanh toán QuickPay với mã QR tuân theo chuẩn quốc tế EMVCo.
Cuối năm ngoái, một số ngân hàng đã nâng cấp hệ thống Corebanking và liên tục cải tiến các phương thức thanh toán mới. Như VietinBank cải tiến các phương thức thanh toán qua mạng lưới ngân hàng điện tử iPay, eFast… Triển khai nhiều tính năng mới qua kênh ngân hàng điện tử như nộp thuế điện tử, mua vé xem phim trên ứng dụng, kích hoạt và khóa thẻ online, tích lũy điểm thưởng cho khách hàng thân thiết.
OCB cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho biết ngân hàng đang nỗ lực cải tiến chất lượng dịch vụ theo hướng công nghệ số. OCB đặt mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng số tốt nhất Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.
Các chuyên gia cho rằng việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng sẽ khiến chi phí tăng khoảng 31% nhưng cũng làm tăng lợi nhuận ròng khoảng 43%. Các ngân hàng Việt có thể khai thác rất lớn hiệu quả của ngân hàng số khi dịch vụ bán lẻ còn quá tiềm năng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 diễn ra chiều 19/3, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, chia sẻ trong nửa đầu năm nay, ngân hàng sẽ công bố một thương hiệu mới về ngân hàng số.
Ông Vinh cho biết đây là một hạng mục đã được VPBank_thử nghiệm từ năm 2017. Hoạt động thử nghiệm thời gian qua đã cho một số kết quả khả quan, hiện VPBank đã có gần 600.000 người sử dụng dịch vụ này.
VPBank cũng đã huy động được hơn 10.000 tỷ đồng huy động thông qua dịch vụ ngân hàng số, chiếm tới 41% số tài khoản tiết kiệm mới mở. Hơn 42.000 khoản vay đã được thực hiện qua dịch vụ ngân hàng số, trong đó hơn 30.000 tỷ đồng tín dụng đã phát hành.
Mức tăng trưởng này góp phần giúp tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt 25.026 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016, ghi nhận là mức thu nhập cao nhất từ trước đến nay của Ngân hàng, giúp đưa tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2012 – 2017 đạt 51%.
Trong kế hoạch sắp tới, ông Vinh cho biết VPBank đã thông qua chiến lược 5 năm 2018 – 2022, trong đó có mục tiêu củng cố vị trí dẫn đầu trong chiến lược bán lẻ và ngân hàng số, đón đầu các xu hướng công nghệ ngân hàng mới.
Riêng trong năm 2018, duy trì tăng trưởng chất lượng trên các phân khúc thị trường chủ đạo, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và quản trị rủi ro đáp ứng các yêu cầu phát triển chiến lược ngân hàng số một cách mạnh mẽ nhất.
Có thể thấy vai trò của công nghệ số, số hóa với hoạt động của ngân hàng là không hề nhỏ và sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực đánh giá: “Rủi ro của ngân hàng có tác động của công nghệ cũng rất cao, chiếm từ 40 – 45%. Vì vậy, cần sớm có hành lang pháp lý để các ngân hàng số yên tâm phát triển mô hình này trong tương lai”.