Xuất hiện vàng nhẫn lai vàng miếng
Nhiều thương hiệu vàng tên tuổi đang tăng tốc tung ra sản phẩm vàng nhẫn bốn số chín để đối phó quy định cấm tiệm vàng bán vàng miếng có hiệu lực từ tháng 1/2013.
Công ty SJC đã bắt đầu cho vàng nhẫn lên kệ. Tại trung tâm nữ trang sỉ đặt ngay tại trụ sở công ty này trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP.Hồ Chí Minh, người dân đến giao dịch dễ dàng nhìn thấy các mẫu vàng nhẫn loại 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ. Là vàng nhẫn nhưng lại mang dáng dấp của vàng miếng vì có đóng dấu ký hiệu, tên thương hiệu, niêm phong và đủ tiêu chuẩn vàng bốn số chín.
Trên trang web, Công ty SJC đã cập nhật giá vàng nhẫn bốn số chín song hành với giá các loại vàng miếng khác. So với vàng miếng, giá vàng nhẫn rẻ hơn 2 triệu đồng/lượng, nhưng chênh lệch giữa giá mua - bán khá xa.
“Việc tung ra vàng nhẫn là nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường vì gần đây khách hàng đến giao dịch hỏi khá nhiều về mặt hàng này”, một lãnh đạo Công ty SJC nói. Khác với vàng nhẫn bán tại các tiệm vàng, vàng nhẫn của Công ty SJC được ép bao chống giả, in logo và khối lượng trên bao bì. Nơi này cũng nghiên cứu phương án ép chân không miếng vàng.
Không thua kém, Công ty PNJ tung chiêu quảng bá sản phẩm vàng nhẫn tại các tỉnh ĐBSCL. Chênh lệch giữa giá vàng miếng PNJ và vàng nhẫn bốn số chín liên tục được kéo giãn. Vàng nhẫn từ mức thấp hơn 930.000 đồng/lượng hiện đã chênh lệch lên 2 triệu đồng/lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc kinh doanh PNJ, cho biết dù đã được giới thiệu đến bạn hàng nhưng mỗi ngày chỉ bán được vài chỉ. Lý do là sản xuất vàng nhẫn rất đơn giản, bất kỳ thợ kim hoàn nào cũng làm được nên các tiệm vàng không muốn lấy hàng các công ty. Chưa kể các tiệm vàng có lượng khách hàng trung thành nhiều năm qua ở thị trường địa phương, những người này mua vàng nhẫn vừa để tích trữ, vừa làm trang sức. Còn khách hàng tại TP.Hồ Chí Minh mua nhẫn không nhiều vì quen tích trữ tài sản bằng vàng miếng.
Trong khi đó, lãnh đạo một công ty vàng khác cho rằng do chênh lệch giá quá lớn giữa vàng miếng và vàng nhẫn nên một số người đang có xu hướng đổi từ vàng miếng sang vàng nhẫn để chờ khi chênh lệch này thu hẹp sẽ bán ra kiếm lời. Lực lượng này cũng giúp đẩy mãi lực của vàng nhẫn tăng.
Khó thay thế vàng miếng
Vàng nhẫn thương hiệu PNJ được bày bán tại một số cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh. Không chỉ các công ty vàng có tên tuổi mà các tiệm vàng tư nhân cũng tranh thủ cơ hội vàng miếng SJC bị làm nhái để hướng người dân mua vàng nhẫn vì sản phẩm này có mức lãi cao hơn hẳn so với vàng miếng. Các tiệm vàng lấy lý do vàng miếng bị cấm bán tại các tiệm vàng từ tháng 1/2013 để đánh vào tâm lý người mua.
Tại một tiệm vàng trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh, sau khi thông báo giá của vàng miếng SJC, chủ tiệm vàng này tranh thủ giới thiệu sản phẩm vàng nhẫn. “Giá vừa rẻ hơn so với vàng miếng SJC, sau này chị bán lại tiệm tôi vẫn thu mua như thường. Còn nếu mua vàng miếng SJC, sau khi Ngân hàng Nhà nước cấm bán vàng miếng tiệm tôi không chịu trách nhiệm”, chủ cửa hàng vàng nói.
Tương tự, chủ một tiệm vàng trên đường Tùng Thiện Vương, quận 8, TP.Hồ Chí Minh cho biết thời gian gần đây số lượng vàng nhẫn bán ra gấp đôi thời kỳ trước. Hiện tiệm vàng sản xuất hai loại nhẫn: loại bốn số chín và loại hai số chín. Ông này cũng dự định sau khi Ngân hàng Nhà nước cấm bán vàng miếng, tùy tình hình sẽ thu hẹp chênh lệch giá mua - bán vàng nhẫn bốn số chín còn 15.000-20.000 đồng/chỉ, tương đương chênh lệch giá mua - bán vàng miếng SJC để thúc đẩy mãi lực. Hiện khách hàng mua phần đông là người lớn tuổi, mua vàng nhẫn vừa làm của vừa làm trang sức.
Theo ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), dù được tiếp thị rầm rộ nhưng vàng nhẫn rất khó thay thế vàng miếng do một số nguyên nhân. Thứ nhất, vàng nhẫn hình thù gồ ghề, bất tiện khi vận chuyển, trong khi vàng miếng với ưu điểm là dẹp, sắp thành dây, mua với số lượng lớn dễ vận chuyển, cất giữ. Hơn nữa, chất lượng vàng nhẫn cũng khó đảm bảo như vàng miếng.
Vàng nhẫn chủ yếu được chế tác thủ công, mỗi tiệm vàng đều có thương hiệu khác nhau. Tiêu chuẩn, chất lượng cũng như độ tuổi do các tiệm vàng này định đoạt chứ không cơ quan nào kiểm định. Do vậy tính thanh khoản của vàng nhẫn rất thấp, người mua phải theo nguyên tắc “mua đâu bán đó” nhằm tránh bị ép giá.
Quy ước tuổi của vàng nhẫn cũng không đồng đều, có nơi quy định vàng nhẫn là 9,5 tuổi - 9,6 tuổi, có nơi lại là 9,8 tuổi. Do vậy mua ở địa phương nào chỉ bán được ở địa phương đó, đến nơi khác không bán được hoặc bị ép giá. Ngay cả khi bán ở chính nơi sản xuất, khách hàng cũng phải chịu chênh lệch giá mua - bán cao hơn so với vàng miếng.
Đối phó
Theo định nghĩa tại nghị định 24, vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký hiệu, mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Chiếu theo định nghĩa trên, vàng nhẫn của các thương hiệu vàng tên tuổi hiện nay chỉ khác vàng miếng ở phương pháp sản xuất.
Theo các chuyên gia, việc ra mắt vàng nhẫn là cách thích ứng mới của thị trường vàng với chính sách mới, bởi theo nghị định mới các công ty vàng không bị cấm sản xuất vàng nhẫn.
Do vậy, để tồn tại và không muốn mất thị phần ở hàng chục ngàn tiệm vàng trên cả nước, nhiều công ty vàng phải tìm sản phẩm khác mà luật pháp cho phép để thay thế.