Xuất khẩu 2015 gặp nhiều thách thức
(Tài chính) Mức tăng trưởng của quý I/2015 bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2014 cho thấy mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 10% của cả năm 2015 sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức.
Khu vực FDI (kể cả dầu thô) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng 70,3%, cao hơn mức 66,7% của cùng kỳ năm trước. Trong khi xuất khẩu của khu vực DN trong nước giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2014 (quý I các năm 2012-2014 đều tăng lần lượt: 6,1%; 4,4% và 13%). Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm về lượng cũng như giá xuất khẩu của một số nông sản chính và nhiên liệu, khoáng sản - là những mặt hàng chủ lực của khu vực DN trong nước.
Trong khi đó, tại một số thị trường nhập khẩu chính của hàng hóa Việt Nam cũng xuất hiện dấu hiệu sụt giảm: ASEAN đạt 4,48 tỷ USD, giảm 1,4%; Trung Quốc 3,5 tỷ USD, giảm 6,2% do lượng gạo xuất khẩu giảm, giá dầu thô xuất khẩu giảm. Nhật Bản ước đạt 3,3 tỷ USD, giảm 10,9%. Hiện, EU và Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hơn 13,8 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch, tăng trên 13% so với cùng kỳ.
Theo nhiều dự báo, xuất khẩu trong thời gian tới có thể tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới hồi phục chậm, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm. Việc Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại cũng được cho là sẽ tạo ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Trong khi diễn biến tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền mạnh khác cũng có thể tác động bất lợi đến xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, số liệu thống kê về nhập khẩu vẫn ghi nhận đà phục hồi và khởi sắc hơn nhiều của DN sản xuất trong nước so với 3 tháng đầu năm 2014 khi trong số 37,5 tỷ USD nhập khẩu, thì tư liệu sản xuất ước khoảng 34,4 tỷ USD, vật phẩm tiêu dùng ước đạt 3,1 tỷ USD. Khu vực FDI tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu với 61,6%, cao hơn mức 57,8% cùng kỳ năm trước.
Do vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải theo dõi sát tình hình để thúc đẩy, nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10%, trong đó cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố và khai thác tối đa thị trường hiện có, đồng thời, mở rộng thị trường mới cho các ngành hàng có tiềm năng, có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao. Bên cạnh đó cần hạn chế xuất khẩu thô, giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong cơ cấu xuất khẩu; gia tăng chế biến đối với nhóm nông sản.