“Xuất khẩu” bất động sản: Tại sao không?

Theo Trí Thức Trẻ

Cần coi việc người nước ngoài mua căn hộ tại Việt Nam là xuất khẩu tại chỗ, cần khuyến khích trên cơ sở một số điều kiện nhất định.

 “Xuất khẩu” bất động sản: Tại sao không?
Cần coi việc người nước ngoài mua căn hộ tại Việt Nam là xuất khẩu tại chỗ. Nguồn: Internet

Vấn đề nan giải của bất động sản (BĐS) hiện nay vẫn là hàng tồn trên thị trường chưa được giải quyết do tính thanh khoản rất kém, đặc biệt là nằm ở phân khúc BĐS cao cấp. Đã có nhiều chuyên gia “hiến kế”, có nhiều giải pháp tháo gỡ được Chính phủ ban hành,…tuy nhiên, một ý tưởng mới được xuất hiện là “xuất khẩu BĐS” vừa mới được đề cấp tới.

Tưởng chừng đó là một khái niệm mới, nhưng thực chất đây là câu chuyện đề xuất nới rộng chủ trương cho phép người nước ngoài và Việt kiều được phép mua bán, sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Với số lượng hàng tồn BĐS ngày một tăng cao như hiện nay, mà theo ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho biết, tính đến nay theo báo cáo, tồn kho căn hộ tăng vọt lên 20% (ước chừng khoảng trên 33000 căn), đất nền cũng tăng 3% tương đương khoảng 1 triệu m2 sàn.

Theo ông Thiện, số lượng tồn kho theo báo cáo là như vậy nhưng thực tế có lẽ sẽ lớn hơn nhiều, vì còn chưa tính đến lượng nhà ở, BĐS mà người dân đã đóng góp một phần (BĐS hình thành trong tương lai).

Nhu cầu trong nước về nhà ở rất lớn, tuy nhiên, phân khúc BĐS cao cấp lại không phải là loại nhà ở mà đa phần người mua có khả năng chi trả, vì giá trị của nó rất lớn. Nếu tình trung bình một căn hộ cao cấp 100m2 tại khu trung tâm hiện nay cũng phải từ 4-5 tỷ đồng, biệt thự 200-300 m2 cũng cỡ vài chục tỷ.

Hiện lượng tồn kho căn hộ cao cấp rất lớn, không thể giải quyết được theo gói giải cứu ưu tiên dành cho các căn hộ có giá bình dân, nên việc mở rộng đối tượng người mua là cá nhân, tổ chức nước ngoài là một ý tưởng không tồi.

Hiện tại số lượng người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn khá khiêm tốn chỉ khoảng 500 trường hợp, trong khi đó nhóm đối tượng này đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam ước khoảng 80.000 người.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người nước ngoài mới chỉ có một số nhóm đối tượng riêng được mua và sở hữu, với điều kiện rất ngặt nghèo, đồng thời mỗi cá nhân cũng chỉ được sở hữu 1 căn hộ, thời hạn 50 năm.

Tại buổi Tọa đàm về “khả năng phục hồi của thị trường BĐS”, ông Vũ Xuân Thiện có nêu quan điểm cá nhân rằng: “không có lý do gì mà không cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà, mua đất, thậm chí là mua 2-3 căn để họ có thể tặng, cho người khác”.

Cũng theo ông Thiện, Bộ Xây dựng đang soạn thảo dự thảo về chính sách cho người nước ngoài mua nhà trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội. Nội dung sửa đổi sẽ theo hướng nới rộng hơn các đối tượng.

Đồng quan điểm này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của chuyên gia về việc nới lỏng cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, và sẽ báo cáo lên Quốc hội sắp tới đây để xem xét, quyết định.”

Theo GS. Nguyễn Mại, cần thiết cho người nước ngoài, Việt kiều mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. “Hiện chúng ta vẫn cấp phép đầu tư các khu đô thị lớn hàng trăm ha cho người nước ngoài, thậm chí dự án hàng trăm triệu USD vẫn được sang nhượng. Bởi vậy, việc không cho người nước ngoài chuyển nhượng một ngôi nhà vài nghìn USD là không thỏa đáng.” GS. Nguyễn Mại nói.

Tuy vậy, việc mở rộng sở hữu đất đai cho người nước ngoài vẫn còn là vấn đề còn nhiều người e ngại. Nói như GS. Nguyễn Mại thì chúng ta nghiên cứu vấn đề này từ bao lâu năm nay nhưng vẫn cứ cứ "lom da lom dom" mãi. Chính sách cho người nước ngoài mua nhà như... hàng xén. Do đó, theo ông cần thiết phải mở rộng cho người nước ngoài mua nhà để kích cầu thị trường.

Luật sư Trần Vũ Hải cũng đã có những kiến nghị xung quanh vấn đề này. Theo luật sư Hải, cần coi việc người nước ngoài mua căn hộ tại Việt Nam là "xuất khẩu tại chỗ", cần khuyến khích trên cơ sở một số điều kiện nhất định. Nhiều nước đã có chính sách thu hút người mua BĐS từ nước ngoài, người Việt Nam cư trú tại Việt Nam cũng đầu tư mua BĐS ngày càng nhiều (như ở Singapore, Malaysia, Mỹ…).

Có lẽ việc nới lỏng đối tượng người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là điều cần thiết trong bối cảnh thị trường còn dư thừa quá lớn BĐS cao cấp hiện nay. Sau 5 năm thí điểm, đến nay số lượng người nước ngoài mua nhà còn quá ít, chưa xứng với tiềm năng của nhóm nhu cầu này vì điều kiện còn quá khắt khe, trong khi nhu cầu là vẫn có.

Ông Huỳnh Anh Dũng, Giảng viên cao cấp Hội đồng chuyên gia BĐS Hoa Kỳ tha thiết đề nghị ngay trong lúc này rất cần thiết để xuất khẩu BĐS và câu đặt ra là: Tại sao không?