Xuất khẩu khoáng sản: Lợi bất cập hại
(Tài chính) Thời gian qua, tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô vẫn tiếp tục diễn ra. Dù đã ý thức được đây là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, nhưng việc quản lý xem ra vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Xuất bằng mọi cách
Theo quy định, sten đồng thuộc nhóm 74.01 trong Biểu thuế xuất khẩu, có mức thuế suất xuất khẩu là 15%. Nếu sten đồng được đem luyện tiếp thì sẽ cho ra đồng nguyên chất và một số loại khác, trong đó có hàm lượng vàng. Nhưng do dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn hạn chế nên chưa thể tách hết được các sản phẩm, hơn nữa nếu luyện ra đồng nguyên chất cũng khó bán hơn.
Đặc biệt, Trung Quốc cũng không mua đồng nguyên chất mà muốn mua sten đồng về sử dụng vào nhiều mục đích hơn. Do vậy, để không tốn công sức, DN chọn giải pháp xuất khẩu. Nói vậy để thấy rằng, dù sản phẩm được phép xuất khẩu nhưng chúng ta vẫn đang lãng phí nguồn tài nguyên mà chưa biết tận dụng như thế nào.
Không chỉ có sten đồng mà còn nhiều loại khoáng sản khác vẫn đang được cho phép xuất khẩu ồ ạt. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 3 tháng đầu năm 2013, quặng và khoáng sản khác là mặt hàng duy nhất trong nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ (tăng 35,1%). Đáng chú ý, kim ngạch tăng là do lượng xuất khẩu tăng mạnh, tăng tới 228,5% bù đắp phần giảm do giá giảm 58,9%.
Việc tăng “bất thường” này là do Bộ Công Thương đã ban hành hàng loạt văn bản cho phép nhiều DN ở một số địa phương được xuất khẩu khoáng sản thô. Động thái này của Bộ Công Thương xuất phát từ chủ trương của Chính phủ, đồng thời dựa trên cơ sở văn bản đề nghị của Ủy ban Nhân dân một số tỉnh. Đặc biệt, đây là một giải pháp xử lý tình thế, “đặc cách” để giúp DN giải phóng hàng tồn kho, nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, thu hồi vốn ứ đọng, tạo thêm nguồn lực giúp DN duy trì hoạt động. Tuy nhiên, việc các DN có thực sự tồn kho hay không lại là câu chuyện khác bởi có những DN đã khai thác quá khả năng tiêu thụ thực tế, vượt quá số lượng khi xin cấp phép.
Một lượng khoáng sản lớn tiếp tục được xuất lậu gây lãng phí cho nguồn tài nguyên trong nước. Trong một hội nghị mới đây của Bộ Công Thương, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, thời gian vừa qua, tình hình buôn lậu quặng vẫn tiếp diễn phức tạp.
Thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay trên tuyến đường biển là đối tượng sử dụng hình thức thuê vận chuyển nội địa để qua mặt cơ quan chức năng rồi xuất lậu quặng thô đi Trung Quốc. Hoạt động này thường có sự tiếp tay của DN xuất hóa đơn mua bán quặng nội địa và DN chủ phương tiện vận tải biển tổ chức vận chuyển thuê.
“Siết” chính sách
Đằng sau những “tỷ đô” xuất khẩu khoáng sản ẩn chứa nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đó là, việc khai thác tài nguyên tác động xấu đến môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Dẫn chứng cho điều này, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam cho biết, trước đây chỉ có 4 DN tham gia khai thác, chế biến quặng titan nhưng số lượng DN này đã tăng nhanh khi các mỏ và điểm mỏ được thăm dò, đánh giá trữ lượng đầy đủ trong tầng cát xám, vùng quặng gốc Thái Nguyên và đặc biệt là vùng cát đỏ Ninh Thuận, Bình Thuận.
Số lượng DN tham gia khai thác titan tăng nhanh, từ 30 DN (năm 2003) lên 60 DN (từ 2009 đến nay). Với số lượng DN tham gia khai thác titan lớn nên đã sở hữu hàng trăm giấy phép khai thác mà phần lớn là các giấy phép khai thác… tận thu. Bên cạnh đó, do DN trong nước chưa thể đầu tư để chế biến sâu khoáng sản ngay tại trong nước và vẫn mới chỉ dừng lại ở khâu sàng, tuyển là chính, cho nên, khoáng sản vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô.
Bởi thế, Việt Nam đang rơi vào tình trạng xuất khẩu thô nhưng phải nhập khẩu hàng về để sử dụng trong nước. Trường hợp xuất khẩu dầu thô là bằng chứng rõ nhất.
Câu chuyện xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô không còn mới nhưng xem ra việc quản lý như thế nào lại là một phép tính không hề đơn giản. Các cơ quan chức năng dường như vẫn chưa bao quát hết việc khai thác, xuất khẩu trái phép của các DN. Mới đây, Bộ Công Thương cho áp dụng Thông tư 41/2012/TT-BCT quy định về xuất khẩu khoáng sản thay thế Thông tư 08/2008/TT-BCT. Tại Điểm 2, Điều 5 của Thông tư số 41 có ghi: “Khi làm thủ tục thông quan, nếu Hải quan cửa khẩu có cơ sở nghi vấn lô hàng khoáng sản xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì vẫn cho thông quan, đồng thời tiến hành lập biên bản và lấy mẫu khoáng sản để kiểm tra lại”.
Đại diện của Bộ Công an cho rằng, rất có thể đây là kẽ hở để các DN lợi dụng xuất khẩu khoáng sản thô, khoáng sản không đủ điều kiện xuất khẩu, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên và thuế của đất nước. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu trong nhiều năm qua luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất lậu, Bộ Công Thương cần rà soát số DN được cấp phép khai thác khoáng sản, công suất, số lượng khoáng sản khai thác hàng năm, số nhà máy chế biến tiêu thụ khoáng sản trong nước… tránh tình trạng bất cập khoáng sản khai thác rồi không có nhà máy tiêu thụ, không đủ nhà máy có năng lực chế biến sâu.
Để quản lý được nguồn tài nguyên, các cơ quan chức năng cần phải tập trung “siết” chặt chính sách khai khoáng và có chiến lược dự trữ tài nguyên dài hạn cho quốc gia.