Xuất khẩu ngấm đòn tỷ giá
(Tài chính) Biến động tỷ giá gần đây đã tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của một số ngành hàng quan trọng như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày…
Trao đổi với phóng viên, đại diện Tổng CTCP May 10 cho hay, khi đồng euro yếu, khả năng nhà nhập khẩu tại EU cắt giảm đơn hàng là rất lớn, khiến cho DN xuất khẩu Việt Nam đứng trước nguy cơ bị sụt giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
Đối với May 10, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn cùng với Mỹ và Nhật Bản. Bởi vậy, bất cứ sự điều chỉnh nào về số lượng đơn hàng sẽ gây tác động đến hoạt động sản xuất và khả năng hoàn thành các chỉ tiêu xuất khẩu của DN này.
Một nguy cơ khác cũng được nhiều DN đang có hoạt động xuất khẩu sang EU chia sẻ rằng, nếu đồng euro tiếp tục giảm, nhiều nhà nhập khẩu không chỉ giảm mua hàng hóa, mà sẽ còn tìm cách ép giá đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Tại cuộc họp bàn việc tháo gỡ khó xuất khẩu nông - lâm - thủy hải sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra vào đầu tuần này, hàng loạt DN, hiệp hội ngành hàng như chè, gỗ, rau quả, thủy sản… đều đồng loạt kêu khó vì tỷ giá không được điều chỉnh, khiến tiền đồng tăng giá mạnh do tiếp tục neo với USD.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I/2015 giảm 23% so với quý I/2014, là mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm gần đây. Sự sụt giảm diễn ra ở cả 3 thị trường chủ lực là Mỹ (giảm 44%), EU (11%) và Nhật Bản (15%).
Theo phân tích của Vasep, ngoài thuế chống bán phá giá (nguyên nhân xuất khẩu sang Mỹ giảm), thì tỷ giá là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.
Cụ thể, các DN xuất khẩu chủ yếu thanh toán bằng USD, trong khi đồng yên và euro đều giảm giá so với USD, nên các đơn hàng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản giảm mạnh.
Trong bối cảnh tỷ giá không được điều chỉnh, Vasep đề nghị Chính phủ có giải pháp giảm lãi suất ngắn hạn với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, so với mức 7-8%/năm như hiện nay.
Xuất khẩu đồ gỗ những tháng đầu năm 2015 cũng bị ảnh hưởng và sụt giảm.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm hơn 6% so với quý I/2014, trái ngược với xu hướng trong nhiều năm gần đây.
Các DN đều cho rằng, tình trạng biến động tỷ giá USD mạnh và euro yếu đều tác động không thuận đến xuất khẩu của Việt Nam, mà trực tiếp là làm giảm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này. Nhất là nhiều DN xuất khẩu dệt may, da giày đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu và chi trả bằng đồng USD.
Rõ ràng, sự ảnh hưởng nhiều hay ít từ biến động tỷ giá còn tùy thuộc vào từng ngành hàng, từng DN, với quy mô xuất khẩu, cơ cấu thị trường, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu khác nhau.
Một số ngành hàng như sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu cũng lo ngại sẽ phải điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi bán ra tại thị trường nội địa.
Nặng nề hơn với những DN đang triển khai đầu tư xây dựng, đến giai đoạn nhập khẩu máy móc, thiết bị về lắp đặt. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai cho hay, chi phí nhập khẩu thiết bị phục vụ cho Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam bị đội giá mạnh bởi tỷ giá, nhưng DN vẫn phải chấp nhận, vì không thể để tiến độ Dự án bị ảnh hưởng.
Liên quan đến thắc mắc của các DN về tỷ giá và lãi suất, ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, với xuất khẩu, việc neo tiền đồng theo USD, trong khi USD lên giá sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh vì giá xuất khẩu đắt hơn so với các đồng tiền khác.
“Nhưng với nhập khẩu, điều chỉnh tỷ giá sẽ gây bất lợi, chưa kể nợ công cũng sẽ tăng lên. Và đây là lý do Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chính sách tỷ giá dựa trên quan điểm vĩ mô, hài hòa lợi ích của tất cả các ngành, chứ không chỉ dựa vào xuất khẩu”, ông Tuấn nói.