Xuất khẩu những tháng cuối năm: Nhiều lo lắng

Theo daibieunhandan.vn

Nguy cơ mất thị trường vì rào cản kỹ thuật gia tăng và sự mất cân đối giữa tỷ trọng xuất – nhập đang diễn ra ở một số thị trường là nỗi lo của xuất khẩu những tháng cuối năm.

Xuất khẩu những tháng cuối năm: Nhiều lo lắng
Hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều đối mặt những vấn đề nội tại trong năm 2013. Nguồn: Internet

Hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều đối mặt những vấn đề nội tại trong năm 2013 làm suy giảm sức mua, tăng rào cản kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu. Đặc biệt, những cảnh báo về việc áp đặt hàng rào phi thuế quan (qua các biện pháp khởi kiện chống bán phá giá, tự vệ thương mại) để ngăn chặn hàng hóa Việt Nam vào các thị trường lớn đang dần trở thành hiện thực.

Theo báo cáo Sản xuất, xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa công bố, xuất khẩu tôm sang Mỹ gặp khó khăn nhiều hơn trong những tháng còn lại của năm 2013. Lý do chính là do quyết định sơ bộ mới đây của Bộ Thương mại Mỹ về thuế chống trợ cấp tôm đông lạnh Việt Nam sẽ khiến các nhà nhập khẩu tôm giảm lượng nhập khẩu mặt hàng này vào Mỹ.

Thậm chí, Bộ Thương mại Mỹ đã cho điều tra xuống tận hộ dân nuôi tôm để thu thập bằng chứng “nhận trợ cấp từ Nhà nước”, thay vì điều tra ở cấp độ doanh nghiệp và hiệp hội, cơ quan chính quyền. Những diễn biến mới này phức tạp và nặng nề hơn những vụ kiện trước đây. Trong khi đó, 2 quốc gia cạnh tranh xuất khẩu tôm với Việt Nam là Ecuador và Indonesia sẽ có cơ hội tăng lượng xuất khẩu vào Mỹ vì có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn. Trong đợt đưa ra quyết định sơ bộ mới đây, Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, các doanh nghiệp tôm xuất khẩu của Ecuador và Indonesia không nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ của 2 quốc gia này. 

Vụ kiện tôm sẽ được đưa vào một trong những nội dung chính thảo luận ở phiên họp thường niên Liên đoàn Thủy sản Đông Nam Á (ASF), dự kiến tổ chức ngày 26.6 tại TP. Hồ Chí Minh. Mục đích của cuộc họp là để tìm tiếng nói chung và sự hợp tác giữa các nước sản xuất, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt trong vấn đề chống bán phá giá và chống trợ cấp mà nhiều nước đang gặp phải. Tổng thư ký Vasep Trương Đình Hòe cho rằng sự đồng thuận của các nước có thể mang lại kết quả khả quan hơn cho các bị đơn của vụ kiện, trong đó có Việt Nam ở lần công bố kết quả cuối cùng dự kiến vào ngày 13.8 tới.

Không chỉ thủy sản, ngành thép cũng phải vật lộn với thuế chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật. Trong khi ở thị trường trong nước sản phẩm thép của Việt Nam bị sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ thì ở thị trường Đông Nam Á, các doanh nghiệp xuất khẩu thép thường phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật.

Gần đây, Indonesia điều tra về tự vệ thương mại đối với tôn lợp nhà của Tập đoàn Hoa Sen. Thái Lan đang tiến hành kiện chống bán phá giá các sản phẩm của Tập đoàn này. “Indonesia họ có tiêu chuẩn công nghiệp để bảo vệ thị trường nội địa, có cả bộ phận chuyên thẩm định tiêu chuẩn kỹ thuật đến từng nhà xuất khẩu vào thị trường họ, rồi sau đó cấp giấy phép con để làm ách tắc hoạt động xuất khẩu của chúng tôi”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho biết.  

Mặc dù, tình trạng nhập siêu tiếp tục được duy trì trong 5 tháng đầu năm nay với 1,9 tỷ USD có vẻ như cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, nhưng còn có sự thực khác đằng sau đó. Mối lo ngại về sự mất cân đối trong xuất – nhập khẩu hàng hóa ở một số thị trường gần đây thường được đề cập.

Xét theo thị trường xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sang châu Á chiếm tỷ trọng gần 52%; xuất khẩu sang châu Âu chiếm tỷ trọng 20,6%; sang châu Mỹ chiếm tỷ trọng 20,3%... Trong khi đó, nhập khẩu từ châu Á chiếm tỷ trọng tới 80,0% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam; châu Âu chỉ chiếm 9,6% còn châu Mỹ là 6,0%.

Nếu xét theo cơ cấu mặt hàng và thị trường, tình hình nhập siêu với một số đối tác thương mại trong khu vực châu Á vẫn rất cao, đặc biệt là nhập siêu từ Trung Quốc luôn cao nhất trong các quan hệ đối tác thương mại song phương của Việt Nam. Năm 2012 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 16,4 tỷ USD trong khi nhập siêu của cả nền kinh tế chỉ khoảng 780 triệu USD.

Những tháng đầu năm tỷ lệ nhập siêu từ thị trường này trung bình khoảng 2 tỷ USD/tháng. Hàng hóa nào được nhập nhiều nhất từ Trung Quốc? Phần lớn là máy móc (chiếm 30%), nguyên vật liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất (chiếm khoảng 60%), còn lại là hàng tiêu dùng – nói khác đi là các mặt hàng thiết yếu. (Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là hàng nông, lâm, thủy sản, dầu thô, than đá..., nhiều mặt hàng trong số này không được khuyến khích xuất khẩu hoặc không chủ động được về giá bán).

Sự lệ thuộc vào đối tác càng cao, giải quyết tình trạng nhập siêu càng khó. TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với nỗi lo nhập siêu ngày càng lớn từ Trung Quốc khi nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu của quốc gia này.

“Nếu việc nhập khẩu này trục trặc, nền kinh tế nước ta sẽ gặp khó khăn trong khi chúng ta hầu như chưa khai thác được gì nhiều để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng hóa có giá trị gia tăng cao vào thị trường này” - ông nói.

 Mặc dù hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực là cá tra và tôm gặp nhiều khó khăn với thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp ở thị trường Mỹ, nhưng Vasep cho rằng, cơ hội cho xuất khẩu thủy sản gia tăng trị giá so với năm trước vẫn khá cao. Cơ hội của xuất khẩu thủy sản nằm ở các yếu tố lãi suất giảm, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được với dòng vốn rẻ. Nhiều khả năng ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 3,5 - 3,7 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm nay. Ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 đạt 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 2,8 tỷ USD.