Xuất khẩu thủy sản quý II ước tăng 10%, đạt trên 2,1 tỷ USD
Từ tháng 3/2021 xuất khẩu thủy sản hồi phục và tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, qua tháng 4 bứt phá với mức tăng trưởng gần 30%.
Do ảnh hưởng của Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt những khó khăn về logistic khiến xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu năm có những lúc sụt giảm hoặc chững lại.
Từ tháng 3/2021, xuất khẩu thủy sản bắt đầu hồi phục với tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Sang tháng 4, bứt phá mạnh mẽ hơn với mức tăng trưởng gần 30% đạt gần 800 triệu USD.
Kết quả tích cực ngoài dự kiến này đã cho thấy sự nỗ lực thích ứng và bứt phá của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản lớn đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đại dịch Covid đã làm thay đổi thói quen tiêu thụ hàng thủy sản, xáo trộn nhu cầu của các phân khúc thị trường toàn cầu. Trong sự rối loạn đó, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã linh hoạt trong chiến lược sản phẩm và thị trường để biến thách thức thành cơ hội.
Hết quý I/2021, thống kê cho thấy có 563 đơn vị tham gia xuất khẩu thủy sản (những doanh nghiệp có doanh số từ 100.000 USD trở lên). So với quý I/2020, có 80 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Tuy nhiên, quý I/2021, đã xuất hiện 129 doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu, cùng với đó là nhiều doanh nghiệp tìm nhìn thấy cơ hội kinh doanh thủy sản trong thời Covid.
Top 100 nhà xuất khẩu thủy sản trong quý I/2021 (có doanh số 4 triệu USD trở lên) chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó dẫn đầu là 2 công ty: Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp) và Công ty CP thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), đang bám sát nhau về doanh số với 58,5 triệu USD và 57,4 triệu USD.
Trong khi xuất khẩu của Minh Phu Seafood Corp giảm gần 10% thì doanh số của Minh Phú Hậu Giang tăng 31%, nên tổng doanh thu của 2 công ty vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Minh Phú đặt mục tiêu năm nay doanh thu đạt hơn 15.770 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.400 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất dự kiến đạt 61.500 tấn và giá trị XK 638 triệu USD.
Xuất khẩu của công ty Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) cũng tăng mạnh 15% đạt 29,1 triệu USD trong quý I/2021. Công ty FIMEX vừa thông qua kế hoạch năm 2021 với sản lượng tôm tiêu thụ dự kiến tăng 5% lên 18.500 tấn. Chỉ tiêu tổng doanh thu 4.650 tỷ đồng, lãi trước thuế 250 tỷ đồng; cùng tăng khoảng 6% so với năm trước. Về triển vọng 2021-2025, công ty định hướng cố gắng phát huy điểm mạnh và mở rộng thêm diện tích nuôi.
Quý I, doanh số xuất khẩu của Vĩnh Hoàn Corp – doanh nghiệp đứng thứ 3 về doanh số xuất khẩu, đạt gần 54 triệu USD.
Năm 2021, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu lãi 700 tỷ đồng sau thuế, giảm 3% so với năm trước trong khi doanh thu tăng 22% đạt 8.600 tỷ đồng. Trong năm nay, công ty có kế hoạch dành 1.300 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, trong đó 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống và sở hữu đất cho khu liên hợp nông nghiệp thuỷ sản công nghệ cao.
Bên cạnh đó, công ty dành 200 tỷ đồng để cải tạo nhà máy tại Thanh Bình và Thực phẩm Vĩnh Phước, số tiền 400 tỷ đồng còn lại cho các khoản đầu tư khác.
Doanh nghiệp tích cực đa dạng hoá thị trường
Theo VASEP, trong khó khăn do dịch Covid, không ít doanh nghiệp hội viên đã nỗ lực và thành công nhờ cơ cấu thị trường thuận lợi.
Công ty Biển Đông Seafood tăng trưởng 20%, đứng thứ 7 trong top doanh nghiệp xuất khẩu.
Công ty TNHH MTV Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang tăng 29% doanh số, từ vị trí thứ 20 đã tăng bậc vào top 15 doanh nghiệp thủy sản và top 5 doanh nghiệp cá tra. Cùng với Stapimex, các công ty này đều có thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn.
Cũng có những công ty chọn Trung Quốc thị trường trọng điểm và bứt phá mạnh như công ty CP Thủy sản Trường Giang tăng 21%, từ vị trí 36 lên vị trí 29 trong top doanh nghiệp.
Công ty CADOVIMEX II có doanh số tăng vượt trội, gấp hơn 3 lần và từ vị trí ngoài top 100 đã lên vị trí 29 trong top doanh nghiệp,… cho thấy sự nhanh nhạy linh hoạt của doanh nghiệp trong việc khám phá, đa dạng hóa thị trường.
Với Việt Nam, trước mắt trong quý II/2012, xuất khẩu sang các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan có thể bị ảnh hưởng.
Tình trạng bi đát tại Ấn Độ do Covid sẽ khiến cho việc nhập khẩu tôm từ nước này khó hơn. Sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ gặp khó sẽ là cơ hội cho Việt Nam giành thị phần tại các nước nhập khẩu.
Đợt dịch mới này sẽ khiến Trung Quốc siết chặt kiểm soát virus corona đối với hàng nhập khẩu và thương mại qua biên giới. Hoạt động thương mại với Trung Quốc có thể quay lại tình trạng trì trệ như 2 tháng đầu năm.
Không chỉ Trung Quốc, các nước châu Á khác cũng sẽ kiểm soát chặt buôn bán qua biên giới dẫn nên khối lượng giao dịch sẽ chuyển sang kênh chính thức Hải quan, vì vậy thống kê thương mại thủy sản với các nước như Thái Lan, Trung Quốc và Campuchia có thể tăng trong những tháng tới.
“Với sự nhanh nhạy linh hoạt của doanh nghiệp trong việc khám phá, đa dạng hóa thị trường các doanh nghiệp sẽ tiếp tục bứt phá về kim ngạch xuất khẩu trong quý II. Dự báo, xuất khẩu trong quý II sẽ tăng 10% đạt trên 2,1 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tôm tiếp tục tăng trưởng 10% đạt 980 triệu USD, xuất khẩu cá tra tăng 7% đạt 712 triệu USD. Xuất khẩu hải sản ước đạt 816 triệu USD, tăng 9,6%”, đại diện VASEP đặt kỳ vọng.