Xuất nhập khẩu năm 2012 - Thành công và hạn chế

Xuất khẩu: Duy trì đà tăng trưởng ổn định

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế trong và ngoài nước, xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 vẫn là một trong những điểm sáng tích cực, tiếp tục đóng vai trò là trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Dù tỷ lệ tăng trưởng đã chậm lại so với mức 34% của năm 2011 nhưng tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả năm 2012 vẫn đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm trước đó. Đóng góp nổi bật vào thành công chung nói trên là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%. Nếu không kể dầu thô, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2012 đạt 63,9 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm trước. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu chỉ đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3%; Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 tăng 18,9%.

Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống năm 2012 vẫn giữ mức tăng khá là: Dây và cáp điện tăng 41,2%; sản phẩm gốm sứ tăng 20%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,3%; giày dép tăng 10,6%; hàng dệt may tăng 7,1%. Bên cạnh đó, nổi lên sự tăng trưởng mạnh của nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp như: Điện thoại và linh kiện đạt 12,6 tỷ USD, tăng 97,7%; điện tử máy tính đạt 7,9 tỷ USD, tăng 69,1%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 26,9%. Nhiều nhóm hàng nông sản tăng khá về lượng xuất khẩu như: Sắn và sản phẩm sắn tăng 55,2%; cà phê tăng 37,9%; cao su tăng 23,8%; hạt điều tăng 25,6%; gạo tăng 13,1%; chè tăng 10,4%. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu gạo đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng nông sản trên không cao do ảnh hưởng của đơn giá thế giới giảm như: Giá sắn và sản phẩm sắn giảm 16,8%; cà phê giảm 6,2%; hạt điều giảm 15%; gạo giảm 7,1%; chè giảm 2,2%...

Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 cũng có sự thay đổi so với năm trước: Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước đạt 51,7 tỷ USD, tăng 49,9% và chiếm 45,1% (năm 2011 là 35,6%), chủ yếu do tăng kim ngạch của điện thoại và linh kiện, tăng 6,2 tỷ USD (tăng 97,7%). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 39 tỷ USD, tương đương năm 2011 nhưng tỷ trọng giảm từ 40,3% năm 2011 xuống 34,1% năm 2012. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước nhưng tỷ trọng không đổi với 15,4%. Nhóm hàng thuỷ sản đạt 6,2 tỷ USD, xấp xỉ năm 2011 và tỷ trọng giảm từ 6,3% năm 2011 xuống 5,4% năm 2012.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2012, Liên minh châu Âu (EU) vươn lên là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường EU chiếm tỷ trọng cao là: Điện thoại chiếm 43% tổng kim ngạch điện thoại xuất khẩu; giày dép chiếm 36%; máy tính chiếm 19%; hàng dệt may chiếm 16%, tiếp đến là Hoa Kỳ 19,6 tỷ USD, tăng 15,6%, chiếm 17,1%; ASEAN 17,3 tỷ USD, tăng 27,2%, chiếm 15,1%; Nhật Bản 13,1 tỷ USD, tăng 21,4%, chiếm 11,4%; Trung Quốc 12,2 tỷ USD, tăng 10%, chiếm 10,7%.

Nhập khẩu: Nhóm hàng xa xỉ giảm, nguyên liệu sản xuất tăng mạnh

Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước, trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 54 tỷ USD, giảm 6,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD, tăng 23,5%. Mức tăng kim ngạch nhập khẩu năm 2012 đạt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây (không tính đến năm 2009). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 tăng 7,4% so với năm 2011.

Về mặt hàng nhập khẩu năm 2012, kim ngạch một số mặt hàng phục vụ gia công, lắp ráp tăng mạnh, cụ thể: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 66,8%; vải đạt 7 tỷ USD, tăng 4,7%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 7,9%. Nhiều mặt hàng nguyên liệu tăng thấp hoặc giảm cả về lượng và trị giá như: Hóa chất đạt 2,8 tỷ USD, tăng 2,3%; sản phẩm hóa chất đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2,9%; xăng dầu 8,9 tỷ USD, giảm 10%; phân bón 1,6 tỷ USD, giảm 7,9%; sắt thép 6 tỷ USD, giảm 7%; kim loại thường 2,7 tỷ USD, giảm 1,1%; sợi dệt 1,4 tỷ USD, giảm 9%; bông 875 triệu USD, giảm 16,9%. Thực trạng trên phản ánh nhu cầu của đầu tư và tiêu dùng trong nước thấp. Tuy nhiên, đáng chú ý là sự gia tăng kim ngạch của một số mặt hàng có năng lực sản xuất trong nước cao như: Sản phẩm chất dẻo tăng 23,5%; rau quả tăng 14%; giấy tăng 8,9%. Nhập khẩu ô tô năm nay ước tính đạt 2,1 tỷ USD, giảm 32,5%, trong đó ô tô nguyên chiếc 605 triệu USD, giảm 41,2%, mức giảm mạnh do chính sách hạn chế phương tiện ô tô của Nhà nước cũng như DN và người dân thắt chặt chi tiêu.

Cơ cấu kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 cũng có sự thay đổi so với năm 2011, nhóm tư liệu sản xuất ước đạt 106,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất với 93,2%, tăng so với mức 90,6% của năm 2011, chủ yếu do tỷ trọng nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có liên quan đến lắp ráp hàng xuất khẩu tăng từ 29% lên 36,9%. Nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu chiếm 56,3%, giảm so với mức 61,6% của năm trước; nhóm hàng tiêu dùng đạt 7,8 tỷ USD, chiếm 6,8%, giảm so với mức 7,6% của năm 2011.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm 2012, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 28,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2011 và chiếm 25,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu; tiếp đến là ASEAN đạt 21 tỷ USD, tăng 0,3% và chiếm 18,3%; Hàn Quốc đạt 15,6 tỷ USD, tăng 18,4% và chiếm 13,6%; Nhật Bản đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,2% và chiếm 10,2%; EU đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3% và chiếm 7,7%; Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 4,7% và chiếm 4,1%.

“Kỳ tích” xuất siêu và những hạn chế

Dựa trên giá trị xuất - nhập khẩu của Việt Nam năm 2012, lần đầu tiên sau 20 năm, chúng ta có xuất siêu của năm là 284 triệu USD. Như vậy, vượt lên sự cạnh tranh khốc liệt của các nước trong khu vực, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn giành được chỗ đứng đáng nể trên thị trường quốc tế… Trong năm 2012, chỉ có ba tháng nhập siêu ở mức thấp, các tháng còn lại đều xuất siêu, đặc biệt là các tháng cuối năm. Nếu như quý I/2009, Việt Nam cũng xuất siêu gần 1,4 tỷ USD nhưng đó là xuất siêu vàng thì trong cả 3 quý của năm 2012, chúng ta đều có xuất siêu từ hàng hóa; trong đó, đóng góp lớn nhất vào kim ngạch chung là nhờ xuất khẩu được gần 13 tỷ USD sản phẩm điện thoại - linh kiện các loại (tăng gần gấp đôi) và 8 tỷ USD sản phẩm máy tính - linh kiện điện tử (tăng gần 70%).

Với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là nông sản, mặc dù yếu tố giá xuất khẩu bị sụt giảm; trong đó gạo giảm 11%, cao su giảm 29%... nhưng sự tăng về lượng, nhất là gạo lần đầu tiên lập kỷ lục xuất 8 triệu tấn đã góp phần bù đắp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Đây là tín hiệu tốt, đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng GDP, ổn định tỷ giá, đồng thời tăng thanh khoản đáng kể về ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, nhìn lại thành tích xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 vẫn còn những hạn chế bộc lộ rất rõ ở tỷ lệ đóng góp vào giá trị tăng trưởng chung, cụ thể như sau:

Thứ nhất, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 tăng cao chủ yếu xuất phát từ khu vực DN FDI với các mặt hàng như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... Xét về giá trị, xuất siêu hàng hóa chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD. Xét về tỷ lệ đóng góp, mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực FDI đóng góp 17,7% vào mức tăng chung, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 0,6%...

Xuất nhập khẩu: Duy trì điểm sáng, giữ đà tăng trưởng - Ảnh 1

Thứ hai, xét về khía cạnh nhập khẩu, khu vực FDI chủ yếu nhập khẩu máy móc, linh kiện về gia công lắp ráp nên hiệu quả mang lại cho nền kinh tế chủ yếu ở góc độ giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, còn đóng góp thực chất về giá trị là không lớn.

Thứ ba, nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua chủ yếu là nguyên, nhiên liệu đầu vào để đáp ứng tới 80% nhu cầu phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của khối DN trong nước năm 2012 giảm tới 6,7% trong khi nhập khẩu của khối DN FDI lại tăng tới 23,5% cho thấy sản xuất trong nước vẫn hết sức khó khăn.

Thứ tư, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô dẫn đến giá thành thấp. Chẳng hạn như mặt hàng gạo, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu đến 8 triệu tấn, nhưng lợi nhuận thu được giảm tới 50 - 60 triệu USD so với năm 2011 bởi chất lượng thấp. Một khi chất lượng thấp thì không thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới nên giá thấp. Kế đến là mạng lưới thu mua, chế biến, bảo quản, dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam làm chưa tốt, các DN xuất khẩu vẫn cạnh tranh lẫn nhau, sản phẩm ra thị trường không đồng nhất, phải bán giá thấp, lại bị cạnh tranh của các nước khác, dẫn đến giá trị gia tăng của người sản xuất thấp.

Vì vậy, điểm sáng xuất khẩu năm 2012 cũng đặt ra những vấn đề cần khắc phục cho năm 2013, nhất là trong việc cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo để hạn chế dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất cũng như xuất khẩu thô sản phẩm. Đây cũng là yếu tố chưa bền vững của xuất khẩu trong năm 2012.

Năm 2013 - Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu ổn định…

Bước vào năm 2013, nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Dựa trên tình hình thực tế, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu về xuất, nhập khẩu cho năm 2013, cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 126 tỷ USD; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%, tổng giá trị nhập khẩu khoảng 137 tỷ USD. Dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế quyết liệt, chúng ta đã đưa ra tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn nhiều năm 2012, đồng thời nhận thấy việc lặp lại ”kỳ tích” xuất siêu như năm 2012 là khó khăn. Bởi vậy, theo chỉ tiêu kế hoạch, Việt Nam sẽ phấn đấu giữ tỷ lệ nhập siêu dưới 8% đã là một thành công.

Theo Bộ Công Thương, kể từ năm 2011, các quốc gia nhập khẩu đã đưa ra 339 biện pháp hạn chế thương mại mới, trong đó có nhiều biện pháp hạn chế mạnh hoặc làm biến dạng thương mại. Đáng chú ý là các biện pháp mới về hạn chế xuất khẩu tăng nhanh nhất, tuy chỉ chiếm 19% trong tổng số các biện pháp hạn chế thương mại (WTO năm 2011). Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2013, sẽ gây khó cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các lĩnh vực thương mại bị tác động lớn nhất bởi các biện pháp mới hạn chế buôn bán là thép và các sản phẩm thép cơ bản, máy móc và thiết bị, hoá chất hữu cơ, sản phẩm thịt, các sản phẩm từ nhựa, thiết bị vận tải, ngũ cốc, sản phẩm gỗ các loại.

Những yếu tố bất lợi nêu trên chắc chắn sẽ có tác động đến hoạt động thương mại của Việt Nam trong năm 2013. Với tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) ngày càng cao, Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu tác động trực tiếp từ cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu này. Bởi vậy, việc chúng ta duy trì được tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu như chỉ tiêu đã đưa ra là khá hợp lý và nếu thực hiện được, cũng là một thành công.

Ti liệu tham kho:

1. IMF, “World Economic Outlook” năm 2012;

2. Tổng cục Thống kê, “Sốliệu thống kê xuất nhập khẩu hng thng” (năm 2012);

3. Báo cáo tình hình xuất nhập khu năm 2012 của Bộ Công Thương;

4. Báo cáo của Ban xúc tiến thương mại và hợp tác của Bộ Công Thương năm 2012.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 2 - 2013

Xuất nhập khẩu: Duy trì điểm sáng, giữ đà tăng trưởng

TS. Vũ Thị Hoa - Bộ Công Thương

(Tài chính) Bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2012 đã đạt được những kết quả rất khả quan, đặc biệt là kỳ tích xuất siêu sau 20 năm. Đây là tiền đề tin tưởng xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng trong năm 2013, dù tỷ lệ tăng trưởng của xuất khẩu dự báo sẽ thấp hơn năm 2012 và thặng dư cán cân thương mại cũng khó khăn hơn...

Xem thêm

Video nổi bật