Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và Italia năm 2012

Theo Tổng cục Hải quan

Số liệu Thống kê Hải quan trong những năm gần đây cho thấy quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Italia ngày càng đạt được sự phát triển khả quan. Hiện nay, Italia là thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 18 của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đứng thứ 18 về xuất khẩu và 15 về nhập khẩu. Riêng đối với thị trường EU, Italia là đối tác đứng thứ 5 về xuất khẩu và thứ 3 về nhập khẩu với Việt Nam.

Bảng 1: Tỷ trọng và thứ hạng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam – Italia năm 2012

Chỉ tiêu

Xuất
 khẩu

Nhập
 khẩu

Xuất Nhập
 khẩu

Tỷ trọng so với tổng kim ngạch của Việt Nam

1.6

0.9

1.3

Thứ hạng trong tổng số các thị trường của Việt Nam

18

15

18

Thứ hạng trong tổng số các thị trường châu Âu của Việt Nam

5

3

5

Thứ hạng trong tổng số các thị trường EU của Việt Nam

5

3

5

Nguồn : Tổng cục Hải quan

Tốc độ buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Italia đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 19%/năm trong giai đoạn 2005-2010, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gấp 2,5 lần từ 756 triệu USD lên 1,8 tỷ USD. Năm 2011, thương mại Việt Nam- Italia đạt 2,53 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm 2010.

Năm 2012, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Italia đạt 2,85 tỷ USD, chỉ tăng 12,5% so với năm 2011 (thấp hơn 7,3 điểm phần trăm so với tốc độ tăng chung của cả khối EU). Trong đó xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang Italia đạt gần 1,88 tỷ USD, tăng 22,3%. Ở chiều ngược lại nhập khẩu hàng hóa của các công ty Việt Nam từ thị trường Italia là 972 triệu USD, giảm 2,7%.

Biểu đồ 1: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại Việt Nam- Italia năm 2012

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và Italia năm 2012 - Ảnh 1

Nguồn : Tổng cục Hải quan


Cán cân thương mại:

Số liệu thống kê ở Biểu đồ 1 cho thấy, giai đoạn 2005-2010, mức thặng dư thương mại của Việt Nam trong buôn bán với thị trường Italy dần thu hẹp kể từ năm 2009 (nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này suy giảm mạnh, trong khi nhập khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Italy của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục tăng). Cụ thể, mức xuất siêu năm 2005 đạt 180 triệu USD tăng lên 335 triệu USD vào năm 2008, năm 2009 giảm xuống còn gần 80 triệu USD và hết năm 2010 con số này là 158 triệu USD.

Kể từ năm 2011, với sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu, thặng dư thương mại của Việt Nam từ thị trường Italia đạt tới 536 triệu USD. Hết năm 2012, con số xuất siêu của Việt Nam từ Italia đạt mức kỷ lục, với 905 triệu USD, tăng 69% so với năm trước đó.

Về mặt hàng xuất khẩu

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Italia chủ yếu là: giày dép, thủy sản, hàng dệt may, cà phê, điện thoại các loại & linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, …. Năm 2012, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Italia tăng 22,3% (tương ứng tăng 343 triệu USD) so với năm trước, chủ yếu là do tăng xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại & linh kiện, cụ thể đạt 579 triệu USD, tăng tới 139% (tương ứng tăng 337 triệu USD). Tuy nhiên, xuất khẩu giày dép các loại, hàng thủy sản và hàng dệt may lại suy giảm lần lượt là 9,5%, 20,2% và 10,3%. Trong khi đó, mức tăng/giảm lần lượt của các nhóm hàng này của cả khối EU là tăng 1,6%, giảm 16,7% và giảm 4,4%. (Chi tiết kim ngạch, tỷ trọng và tốc độ tăng giảm của các nhóm hàng chủ lực trong Bảng 2).


Bảng 2: Kim ngạch, tỷ trọng và tốc độ tăng giảm các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Italia năm 2012

STT

Tên hàng

Kim ngạch
 (Triệu USD)

Tỷ trọng*
 (%)

Tăng/giảm
 so với năm trước
 (%)

1

Điện thoại các loại & linh kiện

579

30.9

139.0

2

Giày dép các loại

226

12.0

-9.5

3

Cà phê

216

11.5

21.8

4

Hàng thủy sản

150

8.0

-20.2

5

Sản phẩm dệt may

138

7.4

-10.3

6

Máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng

109

5.8

60.1

7

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện

88

4.7

79.2

8

Hàng hóa khác

370

19.7

-8.8

Tổng cộng

1,877

100.0

22.3

Nguồn : Tổng cục Hải quan

(Ghi chú:* Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Italia)


Về mặt hàng nhập khẩu

Hàng hoá nhập khẩu từ Italy vào Việt Nam chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên liệu sản xuất như: máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, thức ăn gia súc & nguyên liệu, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may da giày,…Năm 2012,nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ thị trường Italia giảm nhẹ 2,7% (tương ứng giảm 26,7 triệu USD) so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, cụ thể chỉ đạt 292 triệu USD, giảm 24,6% (tương ứng giảm 95 triệu USD) so với năm trước và cao hơn 9,4 điểm phần trăm so với mức suy giảm chung của nhập khẩu nhóm hàng này từ khối EU. Bên cạnh đó, nhập khẩu hai nhóm hàng thức ăn gia súc & nguyên liệu và dược phẩm tăng khá mạnh lần lượt là 101% và 41,4%. (Chi tiết  kim ngạch, tỷ trọng và tốc độ tăng giảm của các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực trong Bảng 3).

Bảng 3: Kim ngạch, tỷ trọng và tốc độ tăng giảm các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam từ Italia năm 2012

STT

Tên hàng

Kim ngạch
 (Triệu USD)

Tỷ trọng *
 (%)

Tăng/giảm
 so với năm trước
 (%)

1

Máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng

292

30.0

-24.6

2

Thức ăn gia súc & nguyên liệu

167

17.2

100.6

3

Dược phẩm

94

9.7

41.4

4

Nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày

139

14.3

-1.6

5

Xe máy nguyên chiếc

51

5.3

-9.0

6

Sản phẩm hóa chất

25

2.6

1.1

7

Hàng hóa khác

204

21.0

-15.0

Tổng cộng

972

100.0

-2.7

Nguồn : Tổng cục Hải quan

(Ghi chú:* Tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Italia)