"Điểm sáng" xuất khẩu
Năm 2014, kinh tế quốc tế đang từng bước phục hồi, dù chưa thực sự vững chắc nhưng đã tạo tiền đề cho XK của Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Ở trong nước, các trụ cột cơ bản của kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn năm 2013 như lãi suất giảm mạnh, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp... tiếp tục là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế. Đây là nền tảng vững chắc giúp cho XK của Việt Nam những tháng đầu năm tiếp tục có nhiều "điểm sáng".
Tính trong 4 tháng đầu năm 2014, XK của cả nước đạt 45,74 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 6,61 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch XK của khu vực doanh nghiệp (DN) 100% vốn trong nước ước đạt 15,38 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch XK của cả nước, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2013; Kim ngạch XK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 30,35 tỷ USD, chiếm 66,4% tổng kim ngạch XK của cả nước, tăng 17,2%. Nếu không kể dầu thô, kim ngạch XK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 28,24 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Các yếu tố tác động đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Thứ nhất, nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo có kim ngạch XK tăng mạnh so với cùng kỳ 2013. Trong các nhóm hàng chủ lực XK 4 tháng đầu năm 2014 của Việt Nam phải kể đến là điện thoại các loại và linh kiện đạt trị giá XK 8,08 tỷ USD, tăng 36% (tương ứng tăng 2,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Một nhóm hàng XK chủ lực khác là dệt may cũng có mức tăng cao, đạt 5,9 tỷ USD, tăng 21,3%. Có 4 nhóm mặt hàng gia công lắp ráp vượt mốc trên 2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, đó là giày dép đạt 3 tỷ USD, tăng 26,4%; Thủy sản đạt 2,2 tỷ USD, tăng 32%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,1 tỷ USD, tăng 15%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,4%. Nhóm có kim ngạch đạt cao nhưng dưới mốc 2 tỷ USD bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,4%; Cà phê đạt 1,6 tỷ USD, tăng 29,5% …
Thứ hai, bất chấp kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi, nhiều thị trường XK chính của Việt Nam vẫn tăng mạnh. Thị trường châu Á ước tăng 13,6%. Trong đó, khu vực các nước Đông Á tăng cao nhất với 20%, các nước Tây Á tăng 12,3%. Thị trường châu Âu tăng 12,1%, trong đó, hầu hết các nước có kim ngạch XK tăng trưởng khá (Ailen tăng 9,1%, Bỉ tăng 57,3%, Đan Mạch tăng 8,4%, Italia tăng 26,9%, Pháp tăng 18,8%, Tây Ban Nha tăng 23,9%, Thụy Điển tăng 9,3%, Cộng hòa Séc tăng 31,8%, Latvia tăng 35,2%, Ba Lan tăng 46,8%, Slovakia tăng 11,8%...). Thị trường châu Mỹ ước tăng 27,8%, trong đó Hoa Kỳ tăng 26,8%, Braxin tăng 49%. Thị trường châu Phi ước XK tăng 14,1%.
Chỉ tính riêng điện thoại các loại và linh kiện, trong 4 tháng đầu năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) đã NK từ Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch XK điện thoại các loại và linh kiện sang Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất xếp thứ hai với trị giá đạt 1,2 tỷ USD, tăng 17,6%. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2014, XK nhóm hàng này sang Hàn Quốc tăng gấp gần 25 lần so với cùng kỳ năm 2013, đạt 498 triệu USD.
Với nhóm hàng dệt may, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất NK hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,95 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 49% tổng kim ngạch XK nhóm hàng này của cả nước. XK hàng dệt may của Việt Nam sang EU trong 4 tháng đầu năm cũng đạt 830 triệu USD, tăng 24,6%; Nhật Bản đạt 784 triệu USD, tăng 13% và Hàn Quốc: 571 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhập khẩu thêm nhiều chuyển biến
Trong 4 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa của cả nước đạt gần 45,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. NK của các DN FDI đạt gần 26,3 tỷ USD, tăng 18,2%, chiếm tỷ trọng 58,3% tổng kim ngạch NK của cả nước; NK của các DN 100% vốn trong nước ước đạt gần 18,86 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 41,7%, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013. Những đặc điểm nổi bật của NK 4 tháng đầu năm 2014 như sau:
Thứ nhất, xét về giá: So với cùng kỳ năm 2013, giá NK bình quân của một số mặt hàng đầu năm 2014 đã tăng, cụ thể: Hạt điều tăng 14,1%; Quặng và khoáng sản khác tăng 6,8%; Khí đốt hóa lỏng tăng 3,3%; Chất dẻo nguyên liệu tăng 3,5%; Bông các loại tăng 2,6%... Bên cạnh đó, giá NK bình quân của một số mặt hàng giảm: Lúa mỳ giảm 13,3%; Ngô giảm 24,1%; Đậu tương giảm 3,7%; Dầu thô giảm 1,5%; Xăng dầu các loại giảm 0,3%; Phân bón giảm 12,3%; Cao su các loại giảm 12,5%; Giấy giảm 5,9%; Sắt thép các loại giảm 6,1%; Kim loại thường khác giảm 0,9%; Phế liệu sắt thép giảm 7,1%...
Thứ hai, xét về lượng: Những mặt hàng tính được về lượng NK tăng cao so với cùng kỳ là lúa mỳ tăng 40,1%; Ngô tăng 211,6%; Đậu tương tăng 56,3%; Quặng và khoáng sản khác tăng 21%; Xăng dầu các loại tăng 13,3%; Khí đốt hóa lỏng tăng 9,4%; Giấy các loại tăng 18,6%; Bông các loại tăng 27,6%; Xơ, sợi dệt các loại tăng 11,2%; Kim loại thường tăng 18,1%; Ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) tăng 89,8%... Trong khi đó, một số mặt hàng lượng NK giảm như: Hạt điều giảm 14,9%, dầu thô giảm 81,3%, phân bón giảm 5,5%, thép các loại giảm 1,6%...
Thứ ba, xét về thị trường: Kim ngạch NK từ châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các thị trường NK của cả nước với 79,8%. Trong đó, NK từ ASEAN chiếm hơn 16,2%, các nước Đông Á chiếm 59,2%, riêng Trung Quốc chiếm gần 27,5%. Về tốc độ tăng, trong 4 tháng đầu năm, NK từ thị trường châu Mỹ tăng 38%, trong đó NK từ Mỹ tăng 30,8%, tiếp đến là châu Phi tăng 29,7%, châu Đại Dương tăng 29,3%, châu Á tăng 12%. NK từ châu Âu giảm 13,3%, trong đó NK từ Ailen, Đức, Nga, Ucraina... giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm trên 20,0%). Kim ngạch NK nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng NK phục vụ gia công, XK của khối doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,5% tổng kim ngạch NK. Nhiều nhóm hàng nguyên liệu được đẩy mạnh lượng NK khi giá NK có xu hướng giảm.
Triển vọng năm 2014
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 là 3,6% và tăng trưởng thương mại toàn cầu là 4,9%, cải thiện hơn so với năm 2013. Với triển vọng kinh tếtoàn cầu năm 2014 sáng sủa hơn, dựbáo giácảhàng hóa trên thịtrường thếgiới (trong đócócác mặt hàng xuất khẩu chủlực của Việt Nam) năm 2014 sẽtăng cao hơn năm 2013. Đây là yếu tố thuận lợi cho XK của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, ngoại trừ những nguyên nhân khách quan, hầu hết các yếu tố tác động đến XK năm 2014 đều khá thuận lợi. Trong bối cảnh đó, dự báo triển vọng XK của Việt Nam năm 2014 sẽđạt mức tăng 16%, cao hơn mức tăng trưởng 15,4% của năm 2013 và cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội (10%) đề ra.
Về nhập siêu, mặc dù dự báo năm 2014 mức nhập siêu sẽ dưới 4% XK (tức dưới 6 tỷ USD), thấp hơn chỉ tiêu đề ra của Quốc hội là dưới 6% XK (tức dưới 8,75 tỷ USD) nhưng trên thực tế năm nay, có thể nhập siêu còn thấp hơn nữa. Tính chung 4 tháng đầu năm 2014, xuất siêu của cả nước đạt 683 triệu USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch hàng hóa XK. Trong tổng xuất siêu bốn tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2013; Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,4 tỷ USD, giảm 18%.
Căn cứ vào kết quả xuất NK 4 tháng đầu năm, kỳ vọng cả năm 2014, các chỉ tiêu xuất NK đều đạt và vượt mức đề ra, riêng xuất siêu sẽ thấp hơn dự kiến.
Tài liệu tham khảo:
1. “Số liệu thống kê xuất, nhập khẩu hàng tháng năm 2013, 2014”, Tổng cục Thống kê;
2. Nghị quyết số 01/NQ - CP của Chính phủ năm 2014;
3. Các báo điện tử: Chinhphu.vn; Vneconomy.vn; thegioisaigon.vn.
Xuất, nhập khẩu Việt Nam 2014: Điểm sáng và triển vọng
(Tài chính) Năm 2014, kinh tế quốc tế đang từng bước phục hồi, dù chưa thực sự vững chắc nhưng đã tạo tiền đề cho xuất khẩu (XK) của Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Dự báo triển vọng XK của Việt Nam năm 2014 sẽ đạt mức tăng 16%, cao hơn mức tăng trưởng 15,4% của năm 2013 và cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội (10%) đề ra.
Xem thêm