Yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu được tổng hợp từ các báo cáo thường niên, báo cáo tài chính của 16 ngân hàng thương mại niêm yết trên các Sở Giao dịch chứng khoán tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020. Kết quả cho thấy: Quy mô tín dụng kỳ trước, tốc độ tăng trưởng huy động vốn hằng năm, quy mô ngân hàng, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam, tỷ lệ thanh khoản có ảnh hưởng tiêu cực. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số gợi ý, khuyến nghị nhằm duy trì tăng trưởng tín dụng một cách ổn định, an toàn và bền vững.
Đặt vấn đề
Trong nền kinh tế thị trường, tín dụng ngân hàng không chỉ là đòn bẩy kinh tế mà còn là công cụ để Nhà nước điều tiết sản xuất, điều chỉnh chiến lược kinh tế, phân công lao động xã hội, điều chỉnh lượng tiền phát hành vào lưu thông, sử dụng có hiệu quả dòng vốn tạm thời nhàn rỗi trong xã hội, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định sức mua của đồng tiền.
Thông qua vai trò tín dụng với hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tín dụng (TCTD) theo cơ chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, tín dụng ngân hàng đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, các tổ chức kinh tế, các cá nhân có vốn sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, tín dụng cũng sẽ gây ra sự mất cân đối giữa tiền và hàng, tạo nên hậu quả là lạm phát tăng cao.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 -2009 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của đa số các nước, trong đó có Việt Nam. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, TTTD của hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2009-2010 tăng lên khá cao so với năm 2008.
Từ năm 2009 đến nay, TTTD có nhiều biến động. Năm 2020, được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gián đoạn hoạt động kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trong nước, thiên tai, dịch bệnh tác động không nhỏ tới các hoạt động của nền kinh tế và cuộc sống của người dân. TTTD năm 2020 mặc dù có tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 12,17% so với cuối năm 2019. TTTD của hệ thống NHTM Việt Nam thay đổi liên tục từ năm 2011 đến năm 2020, do đó, việc tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến TTTD của ngân hàng là vấn đề hết sức quan trọng.
Phương pháp và dữ liệu
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về vấn đề này như: Tamirisa và Igan (2008), Aydin (2008), Laivi (2012), Tracey (2011), Kai Guo và Stepanyan (2011), Singhn, A. và Sharma, A. (2016), Nguyễn Thùy Dương và Trần Hải Yến (2011), Huỳnh Thị Hiền (2017)... TTTD nhìn chung bị ảnh hưởng bởi hai nhóm yếu tố chính đó là các yếu tố kinh tế vĩ mô bên ngoài và các yếu tố vi mô bên trong các ngân hàng.
Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả nghiên cứu ảnh hưởng chủ yếu của các yếu tố vi mô bên trong ngân hàng như: Tăng trưởng tín dụng kỳ trước, quy mô ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ thanh khoản, tỷ lệ gia tăng vốn huy động, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) đến TTTD của các NHTM Việt Nam vì trong phạm vi một quốc gia trong cùng một giai đoạn thì ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô lên TTTD của các ngân hàng là như nhau.
Để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến TTTD của các NHTM Việt Nam, tác giả sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính với hai biến phụ thuộc là tốc độ TTTD và quy mô tín dụng, biến độc lập là các yếu tố vi mô bên trong ngân hàng. Tác giả xây dựng hai mô hình nghiên cứu có dạng tổng quát như sau:
Mô hình 1: Biến phụ thuộc là tốc độ TTTD
Credit_Gri,t = β0 + β1*Credit_Gri,t-h + β2*Sizei,t-h + β3*NLPi,t-h + β4*LIQi,t-h + β5*ROAi,t-h + β6*Deposit_Gri,t-h + εit
Mô hình 2: Biến phụ thuộc là quy mô tín dụng
LnLoani,t = β0 + β1*LnLoani,t-h + β2*Sizei,t-h + β3*NLPi,t-h + β4*LIQi,t-h + β5*ROAi,t-h + β6*Deposit_Gri,t-h + εit
Có nhiều phương pháp để ước lượng mô hình như Pooled OLS, FEM, REM. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của 3 mô hình Pooled OLS, FEM và REM là chưa xử lý được hiện tượng nội sinh tiềm ẩn do tác động đồng thời (Simultaneity) và bỏ sót biến (Omitted Variables). Tác động đồng thời cho thấy, quan hệ nhân quả hai chiều giữa biến phụ thuộc và biến độc lập, tức là TTTD của ngân hàng có thể tác động ngược lại đến các yếu tố thuộc về ngân hàng (quy mô ngân hàng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu...).
Như vậy, hồi quy các biến này có thể bị tương quan với sai số ngẫu nhiên dẫn đến hiện tượng nội sinh. Trong mô hình tác giả sử dụng biến độc lập là biến trễ của biến phụ thuộc. Nói cách khác, trong mô hình có chứa biến nội sinh. Đồng thời, dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu này chỉ được thu thập trên 16 NHTM đã niêm yết trong thời gian 10 năm (T<N). Do đó, phương pháp nghiên cứu phù hợp được tác giả chọn sử dụng trong nghiên cứu là phương pháp hồi quy theo phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (Feasible Genaralized Least Squares -FGLS). Mô hình ước lượng FGLS sẽ khắc phục những yếu điểm của 3 mô hình Pooled, FEM hay REM còn tồn đọng.
Trong nghiên cứu này, dữ liệu của 16 NHTM được niêm yết chính thức trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX và Upcom được tổng hợp tương ứng với giai đoạn 2011 - 2020. Dữ liệu nghiên cứu có dạng dữ liệu bảng (Panel data). Các số liệu vi mô được thu thập từ báo cáo thường niên, báo cáo tài chính đã kiểm toán của các NHTM.
Kết quả và thảo luận
Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả lần lượt phân tích 4 mô hình POOLED OLS, FEM, REM và FGLS với 2 biến phụ thuộc Credit_Gr và LnLoan. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, mô hình FGLS có thể khắc phục được hiệu quả và gần như đầy đủ nhất các khuyết tật của mô hình. Do đó, mô hình FGLS được tác giả chọn làm mô hình ra quyết định kết quả thực nhiệm, các mô hình còn lại được sử dụng để đối chiếu nhằm kiểm tra tính vững thực nghiệm. Kết quả ước lượng cụ thể được trình bày cụ thể trong Bảng 2.
Sau khi chạy mô hình hồi quy theo phương pháp FGLS, có thể thấy cả hai mô hình với biến phụ thuộc là Credit_Gr và LnLoan đều có ý nghĩa thống kê và khắc phục được hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan trong mô hình. Tuy nhiên, kết quả hồi quy theo mô hình 1 (biến phụ thuộc là LoanGr) cho thấy, chỉ có 3 biến có ý nghĩa thống kê và phù hợp với giả thuyết nghiên cứu ban đầu.
Kết quả hồi quy theo mô hình 2 (biến phụ thuộc là LnLoan) cho thấy có 5 biến có ý nghĩa thống kê và phù hợp với giả thuyết nghiên cứu ban đầu. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả chọn mô hình 2 với biến phụ thuộc là LnLoan để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến TTTD của các NHTM Việt Nam:
LnLoani,t = -0,119 + 0,531* LnLoani,t-1+ 0,120* Depositi,t + 0,489* LnSizei,t - 0,264* LIQi,t + 0,743* ROAi,t + β
Căn cứ vào kết quả hồi quy ở mô hình 2, có thể giải thích mối quan hệ giữa các yếu tố vi mô với TTTD của các NHTM Việt Nam như sau:
Thứ nhất, dư nợ tín dụng kỳ trước có ảnh hưởng cùng chiều đến TTTD kỳ hiện tại của các ngân hàng. Như đã phân tích ở trên, các NHTM hoạt động theo nguyên tắc các chỉ tiêu năm sau phải tăng trưởng cao hơn năm trước. Hằng năm, trụ sở chính đều căn cứ vào kết quả hoạt động năm trước để giao chỉ tiêu tăng trưởng cho mỗi chi nhánh. Trong tất cả các chỉ tiêu mà trụ sở chính giao cho chi nhánh thì chỉ tiêu về TTTD là một trong những chỉ tiêu vô cùng quan trọng.
Vì ngân hàng là một tổ chức trung gian tài chính, chuyên đi vay để cho vay lại và thu nhập từ tín dụng là một trong những nguồn thu chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lợi nhuận ngân hàng. Chính vì vậy, quy mô tín dụng năm trước có ảnh hưởng tích cực đến TTTD năm hiện tại của các NHTM Việt Nam. Đây cũng là yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất đến TTTD trong tất cả các yếu tố. Do đó, muốn đạt được mục tiêu TTTD thì cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố này.
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng vốn huy động hằng năm có ảnh hưởng cùng chiều đến TTTD. Theo như kết quả nghiên cứu của Tamirisa và Igan (2008), Kai Guo và Stepanyan (2011), Nguyễn Thùy Dương và Trần Hải Yến (2011)... thì tốc độ tăng trưởng vốn huy động hằng năm có tác động cùng chiều đến TTTD của ngân hàng. Cụ thể, trong phạm vi nghiên cứu này, khi tốc độ tăng trưởng vốn huy động trong năm tăng 1% thì TTTD của các NHTM Việt Nam sẽ tăng 0,12%. Có thể thấy rằng, ngân hàng là tổ chức trung gian, vừa đóng vai trò là người đi vay, vừa đóng vai trò là người cho vay.
Tức là ngân hàng đi huy động vốn nhàn rỗi của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế để tiến hành cho vay và đầu tư đối với các tổ chức cá nhân đang tạm thời thiếu vốn. Do đó, khi ngân hàng có được nguồn vốn huy động đủ lớn sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn để cho vay, từ đó các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm thêm các khách hàng mới có nhu cầu vay vốn để sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động được. Nếu không thể cho vay ra, trong khi ngân hàng vẫn phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy, khi vốn huy động tăng sẽ góp phần thúc đẩy TTTD của các ngân hàng.
Thứ ba, quy mô ngân hàng có ảnh hưởng cùng chiều đến TTTD của NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này đồng thuận với kết quả nghiên cứu của Singhn,A. và Sharma, A. (2016), Trương Đông Lộc và Nguyễn Văn Thép (2014)... Cụ thể, trong nghiên cứu này, khi quy mô ngân hàng tăng 1 tỷ đồng thì TTTD của các NHTM Việt Nam sẽ tăng 0,489 tỷ đồng. Như vậy, dựa trên nền tảng lý thuyết, kết quả nghiên cứu hồi quy cùng với tình hình thực tế tại Việt Nam, có thể kết luận quy mô ngân hàng có ảnh hưởng cùng chiều đến TTTD của các NHTM Việt Nam.
Thứ tư, tỷ lệ thanh khoản ngân hàng có ảnh hưởng ngược chiều đến TTTD cuả NHTM Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Tamirisa và Igan (2008), Nguyễn Thùy Dương và Trần Hải Yến (2011) thì tỷ lệ thanh khoản ngân hàng có ảnh hưởng ngược chiều đến TTTD. Cụ thể, trong phạm vi nghiên cứu này, khi tỷ lệ thanh khoản của ngân hàng tăng 1% thì TTTD của các NHTM Việt Nam sẽ giảm 0,264%. Do đặc thù của ngành Ngân hàng nên trong quá trình hoạt động, các NHTM luôn phải duy trì một lượng tiền mặt tối thiểu tại đơn vị để đáp ứng kịp thời nhu cầu rút tiền của khách hàng. Vì vậy, khi tỷ lệ thanh khoản càng cao thì tỷ lệ nguồn vốn cho vay càng thấp. Hay tỷ lệ thanh khoản có tác động ngược chiều đến TTTD.
Thứ năm, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) có ảnh hưởng cùng chiều đến TTTD cuả NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này thống nhất với kết quả nghiên cứu của Laivi (2012)... Cùng với một mức tài sản đã đầu tư, ROA lớn hơn cho thấy lợi nhuận ngân hàng tạo ra nhiều hơn. Mà lợi nhuận NHTM Việt Nam chủ yếu từ hoạt động cấp tín dụng. Hay nói cách khác, ROA có ảnh hưởng tích cực đến TTTD của các NHTM. Cụ thể trong phạm vi nghiên cứu này khi ROA tăng 1% thì TTTD ngân hàng tăng 0,743%.
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, TTTD chịu ảnh hưởng bởi quy mô tín dụng kỳ trước, tốc độ tăng trưởng huy động vốn hằng năm và quy mô ngân hàng, tỷ lệ thanh khoản và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản. Do đó, để có thể đưa ra được mức TTTD hợp lý, các nhà hoạch định của ngân hàng ngoài việc căn cứ vào quy mô ngân hàng và tốc độ TTTD năm trước thì cần chú trọng các nội dung sau:
- Thường xuyên tập huấn kỹ năng giao tiếp khách hàng cho đội ngũ cán bộ tại đơn vị nhằm giúp cho độ ngũ nhân viên tại đơn vị có cái nhìn đúng đắn về vị trí và vai trò của mình, đồng thời biết cách ứng xử cũng như xử lý tình huống đối với từng loại hình khách hàng khác nhau. Đặc biệt, với đội ngũ giao dịch viên, cần chọn những cán bộ trẻ, năng động... nhằm để tạo ấn tượng cũng như gây thiện cảm đối với khách hàng giao dịch.
- Các ngân hàng cần giữ mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương cũng như các cơ quan ban ngành để khai thác triệt để lượng khách hàng tiềm năng. Các sản phẩm huy động vốn của ngân hàng cần phải được đa dạng hóa và cải tiến thường xuyên trên cơ sở nhu cầu của người gửi tiền.
- Các ngân hàng cần quan tâm đến các chính sách đãi ngộ cũng như chăm sóc khách hàng; Cần có một bộ phận chăm sóc khách hàng riêng biệt...
- Các ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu...; Thường xuyên ủng hộ các công trình an sinh xã hội để góp phần nâng cao uy tín cũng như hình ảnh của ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo thường niên các năm 2011 đến năm 2020;
Bùi Diệu Anh, Hồ Diệu và Lê Thị Hiệp Thương, (2011), Nghiệp vụ tín dụng ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông;
PGS., TS. Đinh Phi Hổ (2016), Phương pháp nghiên cứu kinh tế và viết luận văn thạc sỹ, NXB: Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
Nguyễn Thùy Dương và Trần Hải Yến, (2011), Các nhân tố tác động đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng tại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 24, 27-33;
Huỳnh Thị Hiền, (2017), Các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng tại các chi nhánh ngân hàng tại tỉnh Bình Thuận,Thư viện BUH;
Aydin (2008), Banking Structure and Credit growth in Central and Eastern European Countries, IMF Working paper Series, No 08/215.
* Nguyễn Văn Thuận, Agribank chi nhánh huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021.