Zero-Covid hay tìm cách sống chung?
Khi biến thể Delta quét qua phương Tây, châu Á phải đối mặt với sự lựa chọn: Theo đuổi phương pháp tiếp cận “zero-Covid” (không có Covid) hoặc tìm cách sống chung với nó.
Sự nguy hiểm của biến thể mới
Theo SCMP, biến thể có khả năng lây truyền cao lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ đã đặt dấu chấm hỏi cho mùa hè của châu Âu và đang bắt đầu phá vỡ hệ thống phòng thủ của các quốc gia được bảo vệ tốt trước đây như Việt Nam. Trong khi các quốc gia như Australia và Indonesia phản ứng bằng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, những quốc gia khác như Singapore lại cho rằng đây là thời điểm để “tiếp tục cuộc sống của chúng ta”.
Từ London đến New York và Hong Kong, Delta nổi lên là loại biến thể nguy hiểm có tiềm năng đe dọa thay đổi các kế hoạch quay trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch của thế giới. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, sự lây lan nhanh chóng của biến thể có khả năng lây truyền cao lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ đã đặt dấu chấm hỏi về hy vọng cho một mùa hè bình thường, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao thúc đẩy việc gỡ bỏ hạn chế và nối lại hoạt động du lịch cũng như đi lại.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến thể Delta gây bùng phát dịch ở các quốc gia vẫn đang phải vật lộn để kiểm soát virus, đồng thời củng cố quan điểm siêu thận trọng của các nền kinh tế “zero-Covid” dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Thực tế, lập trường này đã giúp ngăn chặn vô số ca tử vong, nhưng cũng hứng chịu nhiều chỉ trích khi nhiều khu vực trên thế giới hướng tới cuộc sống hậu đại dịch.
Biến thể Delta, hiện đang hoành hành ở ít nhất 80 quốc gia, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn 60% so với biến thể Alpha được xác định đầu tiên ở Anh, bản thân nó có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 50% so với chủng được xác định đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Delta cũng xuất hiện khả năng kháng vaccine hơn các chủng khác, mặc dù những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn tiếp tục được bảo vệ tốt khỏi bệnh nặng và tử vong.
Phản ứng thái quá, còn hơn quá muộn
Ông Zoe Hyde, nhà dịch tễ học tại Đại học Tây Australia, cho biết: “Biến thể Delta rõ ràng là dễ lây truyền hơn nhiều và điều đó đặt ra thách thức lớn đối với các quốc gia có nguồn cung cấp vaccine hạn chế”. “Chúng tôi thấy các quốc gia trước đây rất thành công bắt đầu đấu tranh để ngăn chặn virus, như Việt Nam. Nếu chúng ta học được bất cứ điều gì từ năm ngoái, thì tốt hơn hết là chúng ta nên mạo hiểm phản ứng thái quá, thay vì phản ứng quá muộn”.
Tại Anh, nơi các nhà chức trách đã trì hoãn việc mở cửa trở lại hoàn toàn của đất nước đến ngày 19.7 trong bối cảnh số ca dương tính với Covid-19 tăng gấp 6 lần kể từ cuối tháng 5, trong đó biến thể Delta hiện chiếm khoảng 99% các trường hợp nhiễm mới. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu tuần trước cho biết, họ dự đoán biến thể trên sẽ chiếm hơn 90% các trường hợp Covid-19 mới ở châu Âu vào cuối tháng 8. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên EU kiểm dịch du khách đến từ Anh, mới đây cảnh báo châu lục này đang ở trên “lớp băng mỏng” do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.
Tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, biến thể Delta chiếm 20% các trường hợp mới và sẽ là chủng virus thống trị trong vòng vài tuần, đặt ra “mối đe dọa lớn nhất” đối với sự phục hồi đại dịch của đất nước cờ hoa.
Trong khi đó, ở Indonesia và Thái Lan, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức một con số, biến thể Delta đang làm gia tăng các ca nhiễm mới, khiến các nhà chức trách ở Jakarta gần đây đã phải đưa ra lệnh giới nghiêm ở một số khu vực của Thủ đô.
Tại Singapore, nơi hơn 5,7 triệu người dân đã được tiêm một liều vaccine, một trong những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực, các cơ quan y tế cũng đổ lỗi cho sự gia tăng các trường hợp mắc mới trong những tuần gần đây là do chủng Delta. Ở Australia, các nhà chức trách bang New South Wales gần đây đã công bố các hạn chế bao gồm lệnh lưu trú tại nhà và giới hạn sức chứa cho các địa điểm sau khi xuất hiện một loạt các trường hợp liên quan đến biến thể này.
Mặc dù biến thể Delta có khả năng lây truyền cao, nhưng vẫn còn câu hỏi về mối đe dọa mà nó gây ra, dường như phần lớn giới hạn ở những người chưa được tiêm chủng và mức độ mà nó sẽ khiến các nhà chức trách phải tạm dừng bao lâu trước mong muốn khởi động nền kinh tế đang bị ảnh hưởng từ đại dịch, đặc biệt là khi chiến dịch tiêm chủng tăng tốc độ.
Cho đến nay, châu Âu - nơi gần một nửa dân số trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, hầu hết đang xúc tiến mở cửa trở lại. Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp đều đã nới lỏng các hạn chế đi lại hoặc giãn cách xã hội gần đây, theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu, các quốc gia mở cửa biên giới cho khách du lịch đã tiêm phòng. Tuy nhiên, ông Jeremy Rossman, giảng viên cao cấp danh dự về virus học tại Đại học Kent cảnh báo, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta “rất có thể cản trở việc mở cửa trở lại của châu Âu, vì các trường hợp nhiễm mới đã bắt đầu gia tăng”.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp, các nhà chức trách tỏ ra thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Chính phủ Australia đã chỉ ra rằng, biên giới khó có thể mở lại sớm nhất trước giữa năm 2022. New Zealand, quốc gia từng đóng cửa biên giới vào tháng 3.2020 và đã tiêm phòng đầy đủ cho gần 10% dân số, chưa đưa ra bất kỳ thời gian biểu nào để mở cửa trở lại với thế giới.
Tại Indonesia, kế hoạch tương tự để mở cửa trở lại các khu nghỉ dưỡng ở Bali và Riau vào tháng tới đã bị nghi ngờ bởi số ca mắc tăng kỷ lục ở nước này. Tương tự với kế hoạch mở cửa lại Phuket cho khách du lịch tiêm chủng vào tháng 7 của Thái Lan.
Ông Thira Woratanarat, nhà dịch tễ học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định, biến thể Delta sẽ thống trị ở châu Á trước cuối năm nay. Theo ông, việc mở cửa trở lại cần phụ thuộc vào sự kết hợp của tỷ lệ tiêm chủng cao, khả năng kiểm soát đại dịch hiệu quả, cũng như năng lực xét nghiệm và chăm sóc sức khỏe.
Học cách “sống chung”
Giáo sư Donald Low, nghiên cứu về chính sách công tại Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong cho biết, sự xuất hiện của các biến thể cho thấy xã hội cần học cách sống chung với virus. Ông nói: Thực tế đã có nhiều biến thể lây truyền hơn, và nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 khó có thể loại bỏ. Vì vậy chúng ta nên tiêm phòng để có thể chuyển sang trạng thái bình thường sau đại dịch”.
Từ quan điểm chi phí - lợi ích, nhiều biến thể có thể lây truyền hơn cũng có nghĩa là đạt được một mức độ ức chế virus nhất định. Trong khi đó, phấn đấu mục tiêu “zero-Covid” sẽ khiến xã hội phải trả giá đắt hơn rất nhiều.
Theo Giáo sư Low, đã đến lúc các nhà chức trách bắt đầu “suy nghĩ về việc chuyển đổi từ biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt sang giảm thiểu”, “phương pháp trấn áp - điều cần thiết trong giai đoạn đầu của đại dịch - không thể kéo dài thêm được nữa”.
Nhận thức rằng xã hội sẽ phải học cách chung sống với Covid-19, một nhóm các Bộ trưởng Singapore mới đây đã có bài viết trên The Straits Times rằng, Chính phủ đang lên kế hoạch chi tiết, cho phép đảo quốc sư tử “sống bình thường giữa Covid-19”.
Theo các bộ trưởng, kế hoạch có thể bao gồm các mũi tiêm nhắc lại vaccine trong nhiều năm và không cập nhật các ca mắc mới hàng ngày để biến đại dịch “thành thứ ít đe dọa hơn nhiều, như cúm”, đồng thời cho phép dân số “đang chiến đấu mệt mỏi” được “tiếp tục cuộc sống”.
Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Gigi Foster của Đại học New South Wales cho biết, sự tập trung không cân xứng vào các biến thể đang thêm “nhiên liệu vào cỗ máy sợ hãi” và “các xã hội cần thoát ra khỏi nỗi ám ảnh để quay trở lại cuộc sống bình thường”.