1 tháng, nước Mỹ “xóa sổ” 6 ngân hàng

KIỀU OANH (Theo VnEconomy)

Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết các nhà chức trách nước này vừa đóng cửa thêm 3 ngân hàng ở 3 bang khác nhau, nâng số ngân hàng bị giải thể ở Mỹ trong tháng 1/2009 lên 6 ngân hàng.

Số ngân hàng quy mô nhỏ trở thành nạn nhân của khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang ngày càng tăng.

Ngân hàng Suburban Federal Savings Bank ở bang Maryland bị đóng cửa bởi Văn phòng Giám sát tiết kiệm (OTS) vào ngày 30/1. Suburban Federal Savings Bank có tổng tài sản xấp xỉ 360 triệu USD và lượng tiền gửi của khách là 302 triệu USD.

FDIC cho hay, 7 văn phòng của ngân hàng này sẽ mở cửa trở lại ngay trong ngày 31/1 này với tư cách là chi nhánh của ngân hàng mua lại có tên Bank of Essex có trụ sở ở bang Virginia. Bank of Essex và FDIC đã có một thỏa thuận chia sẻ thiệt hại, theo đó, ngân hàng mua lại này sẽ gánh một phần thua lỗ phát sinh từ tài sản của ngân hàng đổ vỡ, phần còn lại do FDIC chịu trách nhiệm.

Tại bang Florida, Văn phòng Giám sát tiền tệ (OCC) đã đóng cửa bốn điểm giao dịch của ngân hàng Ocala National Bank và bán lại tài sản của ngân hàng này cho CenterState Bank có trụ sở ở cùng bang. Ocala National Bank có tổng tài sản 223,5 triệu USD và lượng tiền gửi của khách là 205,2 triệu USD.

FDIC cho biết, hai vụ đổ vỡ nói trên tiêu tốn của quỹ bảo hiểm tiền gửi số tiền khoảng 225 triệu USD.

Ở một vụ đổ vỡ khác, ngân hàng MagnetBank có trụ sở ở bang Utah cũng vừa bị các nhà chức trách tiến hành các thủ tục đóng cửa. Ngân hàng này có tổng tài sản 292,9 triệu USD và lượng tiền gửi của khách là 282,8 triệu USD. Đây là ngân hàng đầu tiên bị đổ vỡ ở  bang Utah từ năm 2004 tới nay.

Tuy nhiên, hiện FDIC vẫn chưa tìm được khách mua lại ngân hàng này. Theo người phát ngôn của FDIC, do MagnetBank chỉ có duy nhất một chi nhánh, mà lại không có giá trị thương hiệu lớn hay tài sản hấp dẫn để thu hút khách mua.

Từ đầu năm tới nay, bình quân mỗi tuần nước Mỹ đóng cửa hơn 1 ngân hàng. Năm ngoái, có 25 ngân hàng ở nước này bị giải thể, nhiều nhất từ năm 1993 - năm có 42 ngân hàng bị “xóa sổ”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, số ngân hàng đổ vỡ ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay do khủng hoảng tài chính vấn chưa chịu buông tha hệ thống tài chính của nước này, trong khi viễn cảnh kinh tế còn u ám.

Đặc biệt, ngoài những ngân hàng có quy mô tài sản hàng tỷ USD, hàng loạt ngân hàng có quy mô tài sản vài trăm triệu USD ở Mỹ cũng đang lần lượt rơi vào gọng kìm của cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất ở Mỹ tính tới thời điểm này là vụ đổ vỡ ngân hàng Washington Mutual.

FDIC và OCC đã có nhiều bước tiến trong việc ngăn chặn sự đổ vỡ trong ngành ngân hàng Mỹ, bao gồm việc cho phép  các công ty đầu tư cổ phần tư nhân và các đối tượng khác mua lại tài sản và tiền gửi trong các ngân hàng cạn vốn. Ngân hàng IndyMac - ngân hàng lớn thứ tư trong số các ngân hàng bị sụp đổ ở Mỹ trong năm ngoái - là ngân hàng đầu tiên được bán lại cho một công ty đầu tư cổ phần tư nhân, với giá 1,3 tỷ USD.

Có nguồn tin cho hay, để hỗ trợ ngành ngân hàng, chính quyền của Tổng thống Barack Obama có thể thành lập một ngân hàng nằm dưới sự quản lý của FDIC chuyên mua lại các tài sản xuất của các ngân hàng khác.