Phố Wall tiếp tục bứt phá, nối dài chuỗi lập đỉnh

Khánh Hạ

Phố Wall tiếp tục chuỗi tăng ấn tượng khi các chỉ số chính đồng loạt xác lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên giao dịch đầu quý III. Sự khởi sắc lan tỏa sang các thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á, phản ánh tâm lý tích cực của nhà đầu tư trước những tín hiệu phục hồi từ kinh tế toàn cầu và triển vọng thương mại được cải thiện. Dù vậy, giới phân tích vẫn cảnh báo về những thách thức tiềm ẩn, đặc biệt là chính sách thuế quan cứng rắn từ Mỹ cùng các sức ép nội tại tại một số nền kinh tế chủ chốt.

Phố Wall đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp lập đỉnh lịch sử. Ảnh Internet
Phố Wall đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp lập đỉnh lịch sử. Ảnh Internet

Phố Wall thăng hoa tiếp tục lập kỷ lục mới

TTCK Mỹ khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 trong sắc xanh, với cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục mới, nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ và kỳ vọng gia tăng về khả năng Hoa Kỳ đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại song phương trước thời hạn chót ngày 9/7 do chính quyền Tổng thống Trump đặt ra.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, chỉ số S&P 500 tăng 31,88 điểm, tương đương 0,52% lên mức 6.204,95 điểm, đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp lập đỉnh lịch sử. Chỉ số Nasdaq tăng 96,27 điểm, tương đương 0,47% lên mức 20.369,73 điểm, cũng thiết lập mức cao kỷ lục mới. Chỉ số Dow Jones tăng 275,50 điểm, tương đương 0,63% lên 44.094,77 điểm.

Cả ba chỉ số đều kết thúc quý II với mức tăng ấn tượng, trong đó Nasdaq dẫn đầu với mức tăng gần 18% trong ba tháng qua, phản ánh dòng tiền tiếp tục chảy vào lĩnh vực công nghệ giữa bối cảnh USD suy yếu và kỳ vọng cắt giảm lãi suất.

Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện đáng kể sau khi Canada bất ngờ tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số nhắm vào các tập đoàn công nghệ Mỹ như Google, Meta và Amazon. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ trước khi các khoản thuế đầu tiên có hiệu lực và được xem như một nỗ lực nhằm khơi thông bế tắc trong đàm phán thương mại với Washington. Theo các quan chức Mỹ, Nhà Trắng đang chuyển từ chiến lược đàm phán các hiệp định quy mô lớn sang việc ký kết những thỏa thuận thương mại nhỏ, theo ngành, để tránh bị áp thuế trừng phạt theo khung thuế tối thiểu 10%.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh tiếp tục mất giá mạnh, với chỉ số DXY giảm thêm 0,48% trong phiên, ghi nhận mức giảm 10,5% trong nửa đầu năm – hiệu suất 6 tháng đầu năm tồi tệ nhất kể từ khi Mỹ chuyển sang chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi năm 1973. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng giảm 4,9 điểm cơ bản, xuống 4,234%, phản ánh kỳ vọng gia tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.

Dù các quan chức Fed như Chủ tịch Jerome Powell và Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic tiếp tục duy trì quan điểm “phụ thuộc vào dữ liệu”, giới đầu tư đang đặt cược vào ít nhất một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, đặc biệt khi những tác động từ thuế quan của chính quyền Trump bắt đầu lan rộng.

Kết thúc tháng 6, chỉ số S&P 500 tăng gần 5%, Nasdaq tăng hơn 6% và Dow Jones tăng hơn 4%. Cả ba chỉ số đều ghi nhận quý II tích cực bất chấp những biến động mạnh hồi đầu tháng 4 do lo ngại về thuế quan và tăng trưởng toàn cầu. Với triển vọng lạm phát hạ nhiệt, lãi suất ổn định và chính sách tài khóa mở rộng đang được thảo luận tại Quốc hội Mỹ, thị trường bước vào nửa cuối năm 2025 với tâm thế lạc quan nhưng vẫn thận trọng trước các rủi ro địa chính trị.

TTCK châu Á phản ứng trái chiều

TTCK châu Á ghi nhận diễn biến trái chiều khi nhà đầu tư phản ứng với các tín hiệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng vẫn thận trọng trước nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ và khả năng áp thuế mới.

Trên TTCK Trung Quốc, chốt phiên giao dịch, chỉ số tăng 0,39%, lên 3.457,70 điểm, nhờ sự hỗ trợ bởi dữ liệu PMI Caixin tháng 6 vượt kỳ vọng, đạt 50,4 điểm – lần đầu trở lại vùng mở rộng sau 2 tháng suy giảm. Báo cáo cho thấy nhu cầu nội địa cải thiện, sản lượng tăng, trong khi giá đầu vào và đầu ra tiếp tục giảm – phản ánh áp lực cạnh tranh và nhu cầu từ bên ngoài còn yếu.

Chỉ số Kospi tăng 0,58% lên 3.089,65 điểm. Ảnh Internet
Chỉ số Kospi tăng 0,58% lên 3.089,65 điểm. Ảnh Internet

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,58% lên 3.089,65 điểm, với cổ phiếu công nghệ và năng lượng dẫn dắt đà tăng. Thị trường Singapore cũng ghi nhận mức tăng 0,59%, đóng cửa ở 3.987,76 điểm. Thái Lan nổi bật trong khu vực khi chỉ số SET tăng 1,4%, trong khi Malaysia nhích nhẹ 0,29%.

Ngược lại, TTCK Ấn Độ giảm nhẹ 0,12% do áp lực chốt lời và lo ngại dòng vốn ngoại đảo chiều. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lao dốc 579,39 điểm, tương đương 1,43%, xuống còn 39.908,00 điểm. Động thái bán tháo diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát tín hiệu sẵn sàng áp thuế trở lại với các mặt hàng từ Nhật Bản như ô tô và gạo, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại song phương chưa có tiến triển rõ ràng.

Cùng lúc đó, đồng yên tăng giá so với USD càng gây áp lực lên nhóm cổ phiếu xuất khẩu – vốn là trụ đỡ chính của thị trường Tokyo. Chuyên gia Hideyuki Ishiguro từ Nomura Asset Management cảnh báo: "Nếu đàm phán với Mỹ đổ vỡ, điều này có thể làm lung lay lòng tin của giới đầu tư quốc tế vào thị trường Nhật Bản trong ngắn hạn".

Tâm lý TTCK châu Á cũng được hỗ trợ một phần bởi thông tin tích cực từ Phố Wall khi hầu hết các chỉ số đồng loạt lập đỉnh trong phiên gần nhất nhờ kỳ vọng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với các đối tác sẽ tránh được các đòn thuế quan leo thang. Việc Canada vừa hoãn áp thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm mở đường nối lại đàm phán với Mỹ là tín hiệu cho thấy khả năng gia hạn thời hạn 9/7 – mốc chốt quan trọng trong chính sách thuế thương mại của Tổng thống Trump – vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong những ngày tới, giới đầu tư sẽ theo dõi sát báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ công bố ngày 4/7, và phiên thảo luận tại Diễn đàn ECB ở Sintra, nơi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ hàng đầu thế giới sẽ chia sẻ quan điểm trong bối cảnh lạm phát đang dần quay về mục tiêu 2%.

Dù khởi đầu quý III với nhiều tín hiệu tích cực, thị trường châu Á vẫn chưa thoát hoàn toàn khỏi rủi ro từ bất ổn chính sách thương mại và định hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.

Chốt phiên giao dịch ngày 1/7, Nhật Bản giảm 579,39 điểm, tương đương 1,43%, đóng cửa ở mức 39,908.00 điểm; Hồng Kông đóng cửa nghỉ lễ; Trung Quốc tăng 13,32 điểm, tương đương 0,39% lên 3.457,7 điểm; Hàn Quốc tăng 17,95 điểm, tương đương 0,58% lên 3.089,65 điểm; Singapore tăng 23,47 điểm, tương đương 0,59%, đóng cửa ở mức 3.987,76 điểm Thái Lan tăng 15,25 điểm, tương đương 1,4% lên 1.104,81 điểm; Malaysia tăng 4,46 điểm, tương đương 0,29% lên 1.537,42 điểm; Indonesia giảm 34,78 điểm, tương đương 0,5% còn 6.892,90 điểm; Ấn Độ giảm 102,57 điểm, tương đương 0,12% lên 6.892,90 điểm.