10 con số đáng nhớ về kinh tế Trung Quốc năm 2010

Theo China Daily, Vneconomy

Năm 2010, giữa lúc kinh tế Mỹ chật vật hồi phục và châu Âu ra sức chống chọi với khủng hoảng nợ, kinh tế Trung Quốc tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đáng nể, nhưng cũng đồng thời đối phó với những thách thức không nhỏ.

Tờ China Daily đã điểm qua 10 con số đáng chú ý về kinh tế Trung Quốc năm 2010.

1. 5,1%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã trở thành thuật ngữ kinh tế được biết đến nhiều nhất tại Trung Quốc trong năm 2010, khi mà tất cả mọi người dân ở nước này đều cảm nhận được sức nóng của giá cả.

Tháng 11/2010, CPI của Trung Quốc tăng 5,1%, mức tăng cao nhất trong 28 tháng. Trong đó, riêng giá thực phẩm - nhóm hàng chiếm 1/3 rổ hàng hóa tính CPI của Trung Quốc - tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

2. 7,24 tỷ USD

Cán cân thương mại của Trung Quốc hiếm khi rơi vào trạng thái thâm hụt. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra 1 lần trong năm nay. Vào tháng 3, Trung Quốc có tháng nhập siêu đầu tiên trong vòng 6 năm, với mức nhập siêu 7,24 tỷ USD.

Tính chung cả năm 2010, Trung Quốc đạt mức thặng dư thương mại 183,1 tỷ USD, giảm 7% so với mức 196,1 tỷ USD trong năm 2009. Trong năm 2009, mức xuất siêu của Trung Quốc đã giảm 34% so với mức đỉnh gần 300 tỷ USD đạt được vào năm 2008.

3. 12,8%


Rất nhiều người Trung Quốc mơ sở hữu nhà riêng, nhưng tình trạng leo thang chóng mặt của giá bất động sản đã đẩy giấc mơ đó tới chỗ xa vời.

Trong tháng 4/2010, tốc độ tăng giá nhà ở 70 thành phố lớn của Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước đã đạt đỉnh 12,8%, trước khi giảm tốc trong những tháng sau đó.

4. 1.432,5 USD/oz

Nhu cầu đầu tư vàng tăng mạnh tại Trung Quốc trong năm 2010 đã góp phần đẩy giá vàng thế giới lên mức kỷ lục 1.432,5 USD/oz trên thị trường giao ngay New York hôm 7/12.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lượng vàng được mua với mục đích đầu tư tại Trung Quốc năm nay trị giá 45 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 6,7 tỷ USD, nhiều gấp đôi so với năm 2009. Sở dĩ ngày càng có nhiều người Trung quốc tích vàng là do lo ngại lạm phát và những hạn chế đối với lĩnh vực đầu tư bấn động sản.

5. 6,8275 Nhân dân tệ/USD

Mức tỷ giá 6,8275 Nhân dân tệ đổi 1 USD đã được duy trì trong một thời gian dài, trước khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào ngày 19/6 quyết định tăng tính linh hoạt cho tỷ giá.

Từ đó đến đầu năm 2011, Nhân dân tệ đã tăng giá khoảng 3% so với USD. Hiện vấn đề tỷ giá vẫn là một trong những chủ đề bàn thảo hàng đầu trong các cuộc tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và Washington.

6. 5,16%

Lên xuống là chuyện thường ngày trên thị trường chứng khoán, nhưng mức giảm 5,16% của thị trường trong một phiên không phải là chuyện hay xảy ra.

Vào ngày 12/11/2010, chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục đã mất 5,16% số điểm do nhà đầu tư lo ngại PBoC sẽ tiếp tục tăng lãi suất sau khi có thống kê cho thấy lạm phát tháng 10 lên cao nhất trong 25 tháng. Tính chung cả năm, Shanghai Composite Index giảm trên 10%.

7. 2,85 nghìn tỷ USD

Công việc quản lý kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới của Trung Quốc đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục là 2,85 nghìn tỷ USD tính tới quý 4/2010. Trong quý 4, dự trữ ngoại hối của nước này được bổ sung thêm 199 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, một số quốc gia có thể sử dụng con số về dự trữ ngoại hối của Trung Quốc để gây áp lực buộc Bắc Kinh phải đẩy nhanh tốc độ tăng giá đồng Nhân dân tệ.

8. Số 1

Trong thế kỷ 21, Trung Quốc đang giành lấy càng nhiều vị trí số 1 ở mọi lĩnh vực. Trong số 27 nền kinh tế mới nổi mà công ty kế toán Grant Thornton của Mỹ đưa vào Chỉ số cơ hội các thị trường mới nổi, Trung Quốc đứng ở vị trí số 1.

Chỉ số này được thực hiện dựa trên các yếu tố như quy mô nền kinh tế, mức độ thịnh vượng, mức độ tham gia vào thương mại toàn cầu, tiềm năng tăng trưởng và mức độ phát triển của con người.

9. Số 2

Trong quý 2, GDP của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, đưa Trung Quốc vượt Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau 40 năm vị trí này thuộc về đất nước mặt trời mọc.

Trong quý 3, kinh tế Trung Quốc tiếp tục đứng trên kinh tế Nhật, với GDP danh nghĩa của Trung Quốc đạt mức 1,42 nghìn tỷ USD trong quý, so với mức 1,37 nghìn tỷ USD của Nhật.

10. 2.000 xe hơi

Có một câu nói khá nổi tiếng rằng: “ Nếu tuổi thọ bình quân của người Trung Quốc là 70 tuổi, thì có lẽ người Bắc Kinh chỉ đạt 50 tuổi, vì họ đánh mất 20 năm với tắc đường”.

Ước tính, mỗi ngày có thêm 2.000 xe hơi ở Trung Quốc được đưa vào lưu thông. Danh sách những điều ước năm mới của rất nhiều người Bắc Kinh chắc chắn bao gồm một chiếc xe hơi mới, hoặc chính xác hơn là một biển số mới.

Từ ngày 1/1/2011, Bắc Kinh đã phải áp dụng các quy định mới nhằm siết chặt việc mua sắm và đăng ký ôtô tại địa phương này.