Nhiều bệnh nhân được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hàng tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh
Trong những thời khắc sinh tử, có những tấm thẻ không chỉ mang ý nghĩa pháp lý, mà còn là sợi dây níu giữ sự sống. Với hàng triệu người dân Việt Nam, tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chính là “lá chắn” giúp họ vượt qua những cuộc chiến cam go với bệnh tật, đặc biệt là khi chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu hay thậm chí hàng tỷ đồng.
Câu chuyện của chị B.T.H.H (sinh năm 1979) là một minh chứng sống động. Không may mắc cùng lúc nhiều bệnh lý nghiêm trọng như sốt xuất huyết nặng, suy hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy thận... chị phải điều trị liên tục suốt 48 ngày. Tổng chi phí lên tới gần 1,7 tỷ đồng - con số không tưởng với một người làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh như chị. Nhưng điều kỳ diệu đã đến, toàn bộ chi phí được quỹ BHYT thanh toán. “Nếu không có BHYT, có lẽ tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay”, chị H. xúc động nói.
Tương tự là trường hợp chị N.T.L (sinh năm 1993), bị bỏng xăng nặng 80%, tổn thương nặng toàn thân, bỏng hô hấp và sốc nhiễm khuẩn. Sau 34 ngày điều trị tích cực với chi phí lên đến 1,3 tỷ đồng, gia đình chị cũng không phải chi trả đồng nào nhờ có BHYT. Chính sách này không chỉ cứu sống chị, mà còn giúp gia đình chị không rơi vào cảnh kiệt quệ vì bệnh tật.
Hai trường hợp trên chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng trăm ngàn bệnh nhân đã được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Khu vực I đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT trong những năm qua. Theo thống kê, trong 30 năm triển khai, quỹ BHYT đã chi trả cho trên 151 triệu lượt người khám chữa bệnh với tổng chi hơn 168.000 tỷ đồng. Trong đó có hàng chục nghìn trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, mạn tính, chi phí điều trị cao - những ca bệnh mà nếu không có BHYT, người bệnh khó lòng trụ vững.
Riêng năm 2024, hệ thống BHYT đã bảo vệ sức khỏe cho 13,2 triệu lượt người, với tổng chi phí hơn 25.765 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, con số đã vượt 13.000 tỷ đồng, cho thấy mức độ bao phủ và tác động ngày càng sâu rộng của chính sách BHYT trong đời sống Nhân dân.
Là một trong những địa bàn có hệ thống y tế phát triển và mật độ dân số cao, Hà Nội luôn là điểm nóng trong việc triển khai chính sách BHYT. Đến nay, toàn Thành phố đã có 8,17 triệu người tham gia BHYT, tăng 14,8 lần so với năm 1995, đạt tỷ lệ bao phủ 95,51% dân số.
Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Giám đốc BHXH Khu vực I chia sẻ: “Những ca bệnh hiểm nghèo được chi trả hàng tỷ đồng không chỉ là câu chuyện về những con số, mà là minh chứng cho giá trị nhân văn, hiệu quả và thiết thực của chính sách BHYT”. Để đạt được kết quả đó, BHXH Khu vực I đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, triển khai hiệu quả Luật BHYT, ký hợp đồng đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho người dân khi đến điều trị tại bất kỳ tuyến y tế nào.
Ngày 1/7 hằng năm được chọn là Ngày BHYT Việt Nam, nhằm ghi nhận sự phát triển của chính sách BHYT, đồng thời tôn vinh những giá trị mà chính sách này mang lại cho hàng chục triệu người dân Việt Nam. Năm 2025, Ngày BHYT Việt Nam càng trở nên ý nghĩa khi cũng là thời điểm Luật BHYT sửa đổi năm 2024 chính thức có hiệu lực, với nhiều điểm đổi mới mang tính đột phá.
Theo đó, người đã khai báo tạm trú từ 30 ngày trở lên được khám chữa bệnh đúng tuyến tại địa phương tạm trú, không cần quay lại nơi đăng ký ban đầu. Quy định này gỡ bỏ rào cản hành chính, tạo thuận lợi cho hàng triệu người lao động, học sinh, sinh viên sống xa quê. Đồng thời, người tham gia BHYT là nhân viên y tế thôn bản, người hoạt động không chuyên trách, nghệ nhân, nạn nhân bị mua bán người… được hỗ trợ tham gia BHYT hoặc cấp thẻ miễn phí. Đây là bước tiến lớn trong thực hiện công bằng y tế và nhân đạo hóa chính sách an sinh.
Mức đóng BHYT theo hộ gia đình được điều chỉnh giảm dần theo số lượng người tham gia – người thứ hai đóng 70%, người thứ ba 60%, người thứ tư 50% và từ người thứ năm chỉ còn 40%. Cách làm này giảm gánh nặng cho các gia đình thu nhập thấp, đặc biệt tại vùng nông thôn. Mặt khác, chỉ cần kê khai tạm trú đúng quy định và có căn cước công dân, người dân sẽ được cấp thẻ BHYT điện tử, với thời gian chờ hưởng giảm chỉ còn 30 ngày. Điều này không chỉ đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà còn giúp bảo đảm quyền lợi kịp thời.
Nhân Ngày BHYT Việt Nam năm 2025, ngành BHXH, ngành Y tế và toàn xã hội cùng kêu gọi: Mỗi người dân hãy chủ động tham gia và duy trì thẻ BHYT, bởi đó không chỉ là bảo hiểm sức khỏe, mà còn là sự chủ động bảo vệ chính mình và gia đình trước những rủi ro bất ngờ của cuộc sống. Trong bối cảnh bệnh tật ngày càng phức tạp và chi phí y tế leo thang, BHYT không chỉ là một chính sách mà còn là một quyền lợi thiết thân và là biểu tượng của lòng nhân ái. Từ thành thị đến nông thôn, từ người già đến trẻ nhỏ, từ người yếu thế đến người lao động,… tất cả đều xứng đáng được bảo vệ bằng một hệ thống an sinh bền vững và công bằng. Và BHYT chính là một phần cốt lõi trong hệ thống đó.