10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Theo TTVN/BI

Các nước này đều đến từ châu Phi hoặc châu Á. Điều này nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được dẫn dắt bởi các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), có tới 1/6 khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức dưới 2% vào năm 2013. Với tốc độ này, các nền kinh tế phát triển sẽ 1 lần nữa quay trở lại với suy thoái. 

Tuy nhiên, báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu vừa được IMF đưa ra với dự báo về tăng trưởng của 185 nước không phải không có những điểm sáng. 

Dựa theo báo cáo này, Business Insider đã chọn ra 20 nước được dự báo là có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất trong giai đoạn 2013 – 2017. 

Các nước này đều đến từ châu Phi hoặc châu Á. Điều này nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được dẫn dắt bởi các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. 10 quốc gia thuộc về vùng hạ Sahara, 8 đến từ châu Á và 2 đến từ Trung Đông/Bắc Phi. 

Trong số đó, 10 nước hiện đang ở mức kém phát triển, 8 nước có dầu mỏ hoặc khí đốt là sản phẩm xuất khẩu chủ lực; 7 nước có hệ thống luật pháp, tham nhũng và các vấn đề về an ninh là những rào cản đối với tăng trưởng. 

Dưới đây là 10 nước dẫn đầu. Các nước còn lại bao gồm Rwanda, Gambia, Campuchia, Côte d'Ivoire, Ghana, Turkmenistan, Lào, Zambia, Mozambique, Cộng hòa Congo. 

10.  Papua New Guinea

#10: Papua New Guinea

Tăng trưởng GDP 2012: +7,67%
Tăng trưởng GDP 2013: +3,99%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +9,72%

Hoạt động nông nghiệp là nguồn sống cho 85% dân số Papua New Guinea. Tuy nhiên, những tài nguyên thiên nhiên bao gồm dầu, khí, đồng và vàng chính là những nhân tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng. Cơ sở hạ tầng là trở ngại lớn nhất. Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn tránh được tầm ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu bởi nhu cầu về hàng hóa vẫn tiếp tục tăng lên. 

9. Trung Quốc

#9: China

Tăng trưởng GDP 2012: +7,83%
Tăng trưởng GDP 2013: +8,23%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +10,02%

Từ 1 nền kinh tế đóng cửa, tuân theo kinh tế kế hoạch tập trung, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. 

Tuy nhiên, dân số đang già hóa, diện tích đất nông nghiệp giảm sút, thiếu hụt tiêu dùng nội địa và nền kinh tế ngày càng mất cân bằng đang là những áp lực lớn đối với tăng trưởng của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang đứng trước cơ hội phát triển nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng mặt trời.  

8. Libya

#8: Libya

Tăng trưởng GDP 2012: +121,90%
Tăng trưởng GDP 2013: +16,69%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +10,38%

Của cải của Libya đến từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang châu Âu và Trung Quốc. Ngành xây dựng và dịch vụ cũng đang phát triển. GDP đầu người của Libya đang ở mức cao nhất ở châu Phi, mặc dù bất bình đẳng vẫn ở mức cao. Dòng vốn đầu tư nước ngoài nhắm vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của Libya đang gặp phải những trở ngại như bất ổn chính trị và an ninh quốc gia. 

7. Đông Timor

#7: Democratic Republic of Timor-Leste

Tăng trưởng GDP 2012: +10,00%
Tăng trưởng GDP 2013: +10,00%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +11,92%

Hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi chính là nguồn thu chính cho ngân sách. Chính phủ nước này cũng đã tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để có thể khắc phục những thiệt hại khi bị Indonesia tấn công hồi năm 1999. Thất nghiệp và phụ thuộc quá nhiều vào dầu khí trở ngại lớn nhất với Đông Timor. 

6. Iraq
#6: Iraq

Tăng trưởng GDP 2012: +10,17%
Tăng trưởng GDP 2013: +14,67%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +13,56%

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Iraq được dự báo sẽ tăng lên khi Mỹ rút quân khỏi đây. Xuất khẩu dầu mỏ của Iraq đã quay trở lại mức trước chiến tranh. Áp dụng cơ chế thị trường tự do, tăng cường khung pháp lý và phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là những nhân tố chủ chốt giúp Iraq tiến lên. 

5. Mông Cổ
#5: Mongolia

Tăng trưởng GDP 2012: +12,67%
Tăng trưởng GDP 2013: +15,74%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +13,83%

Mông Cổ đã rất thành công khi chuyển từ vai trò là nước vệ tinh của khối liên minh Xô Viết trong thời kỳ chiến tranh lạnh thành 1 quốc gia đang tiến tới hiện đại hóa. Đồng, vàng, than đá, uranium, thiếc và vonfram là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Mông Cổ. Xuất khẩu hàng hóa và đầu tư nước ngoài sẽ là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. 

4. Bhutan
#4: Bhutan

Tăng trưởng GDP 2012: +9,91%
Tăng trưởng GDP 2013: +13,51%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +14,46%

Phần lớn công dân của nước này sống dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Sự yếu kém của cơ sở hạ tầng có nguyên nhân chủ yếu là do địa hình quá hiểm trở và nhiều núi cao. Ấn Độ là đối tác thương mại giao dịch nhiều nhất với Bhutan. 

3. Guinea
#3: Guinea

Tăng trưởng GDP 2012: -+4,79%
Tăng trưởng GDP 2013: +5,01%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +16,27%

Guinea là 1 trong những quốc gia giàu tài nguyên nhất trên thế giới với các mỏ bauxite, quặng sắt, vàng và kim cương với trữ lượng lớn.  Tuy nhiên, tham nhũng chính là rào cản lớn nhất đối với phát triển, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn viện trợ cũng như đầu tư từ nước ngoài.
 
2. Nam Sudan
#2: South Sudan

Tăng trưởng GDP 2012: -54,98%
Tăng trưởng GDP 2013: +69,62%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +19,85%

Phần lớn người trưởng thành ở Nam Sudan đều đang làm các công việc nông nghiệp. Nguồn thu ngân sách chủ yếu đến từ dầu mỏ - nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn và đáng giá nhất ở đây. Thêm vào đó, lãnh thổ của Nam Sudan bao gồm lưu vực sông Nile trắng, vùng đất màu mỡ nhất của châu Phi. Nghèo đói và cơ sở hạ tầng yếu kém là những vấn đề nhức nhối nhất của quốc gia này. 

1. São Tomé and Principe

#1: São Tomé and Principe

Tăng trưởng GDP 2012: +4,5% 
Tăng trưởng GDP 2013: +5,5%
Tăng trưởng kép giai đoạn 2013 – 2017: +31,50%

Quốc gia này được hưởng nguồn dự trữ dầu mỏ dồi dào ở vịnh Guinea và đang chuyển biến từ 1 quốc gia chuyên sản xuất coca sang sản xuất dầu mỏ. Với ngành du lịch đang bùng nổ, cơ chế thị trường tự do và dòng chảy đầu tư nước ngoài, quốc đảo này hứa hẹn có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, đây là quốc gia dễ dàng bị tổn thương trước các cú sốc bởi nhập khẩu quá nhiều hàng hóa.